Yến chưng lá dứa là món ăn được nhiều người ưa thích không chỉ bởi hương thơm hấp dẫn mà còn nhờ giá trị dinh dưỡng dồi dào của món ăn. Các nguyên liệu được sử dụng là yến sào và lá dứa đều có những tác dụng khác nhau đối với sức khỏe.
Thành phần dinh dưỡng và công dụng của tổ yến:
Tổ yến chứa các thành phần chính gồm Protein và Glycol. Đây đều là những dưỡng chất đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng tế bào mới, giúp sửa chữa tổn thương và duy trì hoạt động bình thường của các cơ quan, đồng thời tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động.
Bên cạnh đó, yến sào còn có aspartic acid, axit amin, Tyrosine, acid syalic, các vitamin và 31 nguyên tố vi lượng thiết yếu cho sức khỏe. Thực phẩm này mang đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho người sử dụng như:
- Cải thiện khả năng miễn dịch
- Tăng ham muốn tình dục
- Giúp đôi mắt sáng khỏe
- Cải thiện chức năng tiêu hóa
- Đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe cho người mới ốm dậy
- Bổ sung dưỡng chất giúp phụ nữ sau sinh nhanh phục hồi sức khỏe và bớt rụng tóc
- Cải thiện chức năng hoạt động của gan, thận, hệ hô hấp và hệ cơ xương khớp….
Thành phần dinh dưỡng và tác dụng của lá dứa:
Lá dứa cũng chứa nhiều dưỡng chất tốt như protein, carb, chất xơ, sắt, canxi, phốt pho, alkaloid, glycosides, sắt, vitamin A. Thực phẩm này có những tác dụng như sau:
- Giảm đau do viêm khớp
- Ổn định đường huyết, tốt cho người bị tiểu đường
- Giảm hôi miệng
- Làm đẹp da, chữa cháy nắng
- Ngăn ngừa bệnh tim mạch.
- Trị gàu
- Giải cảm
- Cải thiện các triệu chứng bệnh thấp khớp.
Khi dùng món yến chưng lá dứa, bạn sẽ được hưởng toàn bộ những lợi ích mà cả hai thực phẩm này mang lại. Thêm vào đó, lá dứa còn giúp cho món ăn có hương thơm tự nhiên, hấp dẫn hơn.
Cách chưng yến với lá dứa
Có nhiều cách chưng yến với lá dứa khác nhau. Bạn có thể sử dụng chỉ hai nguyên liệu này kết hợp với nhau hoặc gia giảm thêm một số thực phẩm khác, chẳng hạn như hạt chia, hạt sen, táo đỏ… giúp thay đổi khẩu vị và làm món ăn thêm bổ dưỡng.
1. Cách làm yến chưng nước cốt lá dứa
Khi được xay nhuyễn và vắt lấy nước cốt sử dụng để chưng yến, món ăn sẽ thơm hơn và có màu sắc bắt mắt.
Chuẩn bị:
- 1 cái tổ yến tinh chế nặng 7 – 10g
- 1 bó lá dứa
- Đường phèn: Lượng dùng được điều chỉnh tùy theo sở thích ăn ngọt của bạn.
- Thố hay tô sành có nắp đậy dùng để chưng yến.
Cách chế biến:
- Trước tiên, bạn bỏ tổ yến vào tô nước ngâm khoảng 20 phút cho yến mềm ra, thấy rõ các sợi và không còn vón cục.
- Lá dứa cũng cần đem rửa sạch, cắt nhỏ. Bỏ lá vào máy xay sinh tố xay nhuyễn với một ít nước lọc. Đổ hỗn hợp qua rây để vắt lấy nước cốt.
- Bắc nồi lên bếp, bỏ nước lá dứa vào nấu chung với đường phèn cho đến khi đường tan hoàn toàn. Phần yến sào, bạn cũng cho vào thố cùng với một ít nước và chưng cách thủy 20 phút cho chín.
- Khi yến được thì rưới phần nước lá dứa đã nấu với đường lên trên sao cho đủ ngọt. Đảo đều lên trước khi thưởng thức. Việc cho nước lá dứa vào sau cùng sẽ giúp giữ được vị thơm chuẩn nhất của lá.
2. Yến chưng đường phèn lá dứa cắt khúc
Nếu trong nhà không có máy xay sinh tố, bạn có thể gặp khó khăn trong việc xay lá dứa lấy nước cốt. Nếu dùng cối giã thì sẽ mất rất nhiều thời gian mà nước cốt thu được cũng không như ý. Đừng quá lo lắng, có thể dùng lá dứa cắt khúc để thay thế.
Cách chưng yến với lá dứa cắt khúc giúp cho nước chưng vẫn giữ được độ trong tự nhiên. Trong khi đó, mùi thơm của lá dứa vẫn hòa quyện vào trong yến nhưng không quá nồng.
Chuẩn bị:
- 10g tổ yến tinh chế hoặc tổ yến thô
- Đường phèn lượng đủ dùng
- 1 cây lá dứa
Cách chế biến:
- Tổ yến tinh chế ngâm nước khoảng 20 phút cho mềm rồi vớt ra cho ráo nước hoàn toàn. Nếu bạn sử dụng tổ yến thô thì cần ngâm lâu hơn và chú ý dùng nhíp nhặt sạch lông cũng như tạp chất.
- Lá dứa đem rửa sạch, cắt khúc ngắn rồi cột cố định lại thành một bó nhỏ.
- Tiếp theo, bạn cho yến sào vào thố, đổ ngập nước. Tiến hành chưng cách thủy trong 20 phút.
- Sau đó tiếp tục bỏ đường phèn và lá dứa vào chưng yến thêm 5 – 10 phút nữa.
- Tắt bếp, để yến chưng lá dứa nguội bớt. Vớt lá ra và thưởng thức ngay khi món ăn nguội bớt hoặc dùng lạnh.
3. Cách làm yến chưng hạt chia lá dứa
Hạt chia có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Loại hạt này có hình dáng tương tự như hạt é ở nước ta nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, hạt chia thường màu trắng hoặc màu đen bóng chứ không đen tuyền như hạt é.
Việc bổ sung hạt chia vào món yến chưng lá dứa đem đến nhiều lợi ích hơn cho sức khỏe. Bao gồm:
- Hỗ trợ giảm cân, ngăn ngừa béo phì
- Tăng cường chức năng tiêu hóa, chống táo bón, cải thiện các triệu chứng của bệnh trĩ.
- Giúp da, móng tay và tóc khỏe mạnh hơn.
- Cải thiện sức khỏe tim mạch
- Tốt cho phụ nữ mang thai. Giúp phát triển não bộ và hệ thần kinh cho thai nhi.
- Ngăn ngừa loãng xương
- Giảm lượng đường hấp thu vào trong máu, ổn định đường huyết
- Chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa.
Chuẩn bị:
- 10g tổ yến
- 1 bó lá dứa
- 1 – 2 thìa hạt chia
- Đường phèn
Cách chế biến:
- Tương tự như những cách trên, bạn cũng đem yến ngâm nở. Lá dứa thì rửa sạch, cắt khúc rồi cột lại thành bó.
- Cho tổ yến vào thố, đổ ngập nước và bỏ cả thố vào nồi chưng cách thủy trong 20 phút.
- Tiếp tục cho đường, lá dứa cùng với hạt chia vào chưng thêm 10 phút nữa là được. Lúc này, hạt chia sẽ xuất hiện một lớp gel trắng bao bên ngoài giúp cho món yến chưng lá dứa sền sệt và đặc hơn.
- Thưởng thức món ăn khi còn nóng hoặc để vào ngăn mát tủ lạnh trước khi dùng.
4. Cách chưng yến với lá dứa, hạt sen
Hạt sen rất tốt cho tiêu hóa. Nguyên liệu này cũng giúp dương tâm, an thần, chống viêm, hỗ trợ điều trị mất ngủ, giảm căng thẳng, ổn định đường huyết và làm giảm cholesterol xấu trong máu. Thêm hạt sen vào món yến chưng lá dứa giúp món ăn có hương vị bùi bùi và có tác dụng toàn diện đến sức khỏe.
Chuẩn bị:
- Tổ yến tinh chế: 10g
- Đường phèn: 100g (gia giảm tùy sở thích)
- Gừng tươi vài lát mỏng
- Hạt sen khô: 50g (có thể thay thế bằng hạt sen tươi)
- Nước lọc: 1 chén
- 1 bó lá dứa cắt khúc
- Thố chưng có nắp đậy
Cách chế biến:
- 10g yến tinh chế
- 100g đường phèn (có thể tăng giảm tùy theo khẩu vị)
- Vài lát gừng
- 50g hạt sen tươi hoặc khô
- 1 chén nước
- Tô/thố để chưng có nắp đậy.
Cách chế biến:
- Ngâm yến và hạt sen mỗi thứ 1 chén riêng trong khoảng 20 phút. Sau đó bạn bỏ hạt sen vào nồi luộc cho chín mềm.
- Vớt hạt sen và yến bỏ vào trong thố. Thêm nước luộc hạt sen và một ít nước lọc vào sao cho ngập mặt nguyên liệu.
- Chưng cách thủy hỗn hợp trên trong 20 phút rồi mới bỏ gừng, lá dứa cùng đường phèn vào
- Tiếp tục hấp thêm khoảng 5 – 10 phút cho đường tan hết và món ăn dậy mùi thơm đặc trưng của lá dứa là được.
5. Yến chưng lá dứa củ năng
Củ năng có vị giòn, ngọt, thanh mát, thường được sử dụng trong các món chè hoặc yến chưng. Loại củ này bổ sung nhiều vitamin, chất xơ, sắt, đồng, kali hay tinh bột… giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh. Ngoài ra, người mới ốm dậy sử dụng món yến chưng lá dứa củ năng sẽ được bổ sung nguồn dưỡng chất phong phú để nhanh phục hồi sức khỏe.
Chuẩn bị:
- Yến tinh chế: 5 – 10g
- Đường phèn: 30g
- Củ năng: 100g
- 2 tàu lá dứa
- Nước sạch: 300ml
Cách chế biến:
- Bước đầu tiên, bạn ngâm yến với nước 20 phút cho mềm Củ năng gọt vỏ, rửa sạch, cắt làm đôi hoặc làm 4 phần. Lá dứa cũng cần rửa sạch và cột lại thành bó nhỏ, bỏ vào thố.
- Sau khi các nguyên liệu đã sơ chế xong, bạn cho tất cả vào thố chưng cách thủy trong 20 phút mới cho đường phèn vào, đảo đều.
- Chưng thêm 10 phút nữa để củ năng chín kỹ và ngấm đường.
- Ăn luôn khi còn nóng hoặc dùng lạnh.
6. Yến chưng đường phèn lá dứa nha đam
Món yến chưng đường phèn lá dứa nha đam cũng được nhiều người ưa thích. Nha đam được sử dụng kết hợp sẽ giúp món ăn thanh mát hơn. Đây cũng chính là món ăn bài thuốc lý tưởng dành cho những người đang có vấn đề về đường tiêu hóa như táo bón, bệnh trĩ, ăn lâu tiêu.
Chuẩn bị:
- 10g tổ yến khô
- 2 cây lá dứa
- 1 lá nha đam
- 30g đường phèn
Cách chế biến:
- Nha đam gọt vỏ, rửa cho bớt nhớt rồi cắt thành những miếng vuông nhỏ. Lá dứa sau khi rửa sạch thì buộc lại thành bó nhỏ. Tổ yến ngâm nước cho nở.
- Tiến hành nấu nha đam với lá dứa và đường phèn trước. Đun sôi khoảng 10 phút.
- Sau đó, bạn cho hỗn hợp vừa nấu vào trong thố cùng với yến, chưng cách thủy từ 15 – 20 phút nữa là ăn được.
- Món yến chưng đường phèn lá dứa nha đam sẽ ngon hơn khi ăn lạnh. Bạn chỉ cần thêm vào vài cục đá nhỏ hoặc để trong ngăn mát tủ lạnh sẽ giúp món ăn đậm vị thơm của lá dứa và có độ giòn của nha đam rất hấp dẫn.
Món yến chưng lá dứa mặc dù tốt nhưng không thể ăn quá nhiều. Mỗi tuần bạn chỉ nên dùng 1 – 2 lần với liều lượng mỗi lần khoảng 3g yến cho trẻ trên 7 tháng tuổi và 5 – 10g cho người trưởng thành. Khi chưng yến lá dứa cần tránh nấu trực tiếp mà phải chế biến theo hình thức chưng cách thủy để không làm mất đi nguồn dưỡng chất quý giá có trong món ăn.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: