Câu hỏi về ngày cây dừa cập bến quê tôi thì không dễ để trả lời nhưng trong ký ức của mỗi người thì cây dừa thân thương như một người thân trong nhà vậy. Dừa mọc thành hàng, thành rặng, thành rừng, mọc từng cây sai trĩu quả. Ai cũng hiểu: bao nhiêu năm nay cây dừa đã lặng lẽ đi vào đời sống, chở che cho người dân quê tôi qua những năm tháng bom lửa, gian lao.
Bạn biết đấy, hàng dừa cao cho bóng mát. Thân dừa hạ xuống làm cầu, dựng nhà. Lá dừa đan thành cổng rạp, cọng dừa kết thành chổi quét nhà. Trái dừa là nước ngọt lành và còn là nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều món ngon như: kẹo dừa, mứt dừa, bánh tráng dừa… và kể cả phần hoa dừa cũng trở thành vị thuốc điều trị tiểu đường hiệu quả.
Kinh nghiệm điều trị tiểu đường của cha tôi
Như mọi người đã biết, tiểu đường (hay đái tháo đường) từ lâu đã trở thành một căn bệnh phổ biến, khó điều trị và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng theo thời gian.
Cụ thể, thời gian mắc bệnh càng lâu thì lượng đường trong máu càng khó kiểm soát, kéo theo đó là nguy cơ gây ra các biến chứng bệnh lý nguy hiểm (đặc biệt là đái tháo đường tuyp – nguyên nhân nhiều nhất gây ra mù loà, suy thận, đoạn chi…). Nếu bệnh nhân lơ là, không theo dõi kỹ thì đến giai đoạn cuối, căn bệnh này sẽ dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và đe doạ đến tính mạng.
Cha tôi cũng là một bệnh nhân tiểu đường từ tám năm nay. Những năm đầu, hễ ông bị thương thì những vết thương ấy rất lâu lành. Cả gia đình tôi đều lo sợ. Riêng về phần cha tôi thì sức khỏe của ông bắt đầu suy kiệt dần. Bao nhiêu bài thuốc dân gian mà gia đình tôi biết và thử nghiệm đều không cho kết quả khả quan. Mặc dù vậy, hễ ai chỉ phương thuốc nào mới thì chúng tôi lại thử, cuối cùng thì dừng lại ở dừa Tam Quan.
Đôi nét về Dừa Tam Quan
Dừa Tam Quan có nguồn gốc từ thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày nay, loại dừa này cũng được trồng khá phổ biến ở các tỉnh Tây Nam Bộ như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng (quê tôi),… Đặc trưng dễ nhận biết nhất của loại dừa này là trái dừa có màu vàng tươi, rất bắt mắt, kể cả phần lá tươi cũng có sắc hơi vàng.
Ngoài công dụng làm nước giải khát tương tự như nhiều loại dừa khác thì nhờ giá trị thẩm mỹ, màu sắc tươi sáng, dừa Tam Quan còn trở thành loại quả được ưa chuộng trong ngày tết cổ truyền ở quê tôi.
Bài thuốc nam hay dùng hoa dừa Tam Quan giúp điều trị tiểu đường
Thành phần làm thuốc: hoa non chưa nở (hay còn gọi là lưỡi mèo). Hoa dừa non gồm có cuống hoa và phần mo hoa (bao bọc lấy hoa cái và hoa đực).
Cách sơ chế: tách bỏ phần mo, phần còn lại cắt nhỏ thành đoạn rồi phơi khô.
Cách sử dụng:
- Đối với người bị bệnh tiểu đường: mỗi lần uống cho khoảng 100g hoa dừa (đã xắt nhỏ, phơi khô), đem nấu với 600ml nước. Đun cạn đến khi còn 200ml nước thuốc và chia ra uống hết trong ngày. Mỗi tháng uống hai lần (nghĩa là cứ cách 15 ngày thì uống 1 lần, không uống nhiều hơn vì dễ gây tuột đường).
- Đối với người bình thường (uống để phòng ngừa): nấu 100g hoa dừa khô với 2 lít nước, đun sôi còn khoảng 1.5 lít dùng để nguội uống trong ngày. Mỗi tháng cũng uống hai lần.
Ghi chú: Nếu không tìm được hoa dừa Tam Quan thì bạn có thể lấy hoa dừa xanh để thay thế nhưng sẽ không mang lại hiệu quả cao bằng.
Lưu ý khi dùng: Những người sức khỏe yếu, khi uống lần đầu có thể bị hoa mắt (tình trạng giống như tụt máu). Lúc này, người bệnh nên nằm nghỉ ngơi, thường thì một lát sau sẽ hết hoa mắt.
Kết quả: Cha tôi dùng vị thuốc này đến nay đã hơn một năm. Trong suốt khoảng thời gian đó, lượng đường trong cơ thể ông đã dần ổn định và có chiều hướng tích cực sau mỗi lần tái khám.
Tiểu đường là một căn bệnh mãn tính khó điều trị nên tôi rất hi vọng những người bệnh sẽ có cho mình bài thuốc tốt nhất, thích hợp nhất để duy trì sức khỏe và có nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: