Được biết, đây là loài cúc bản địa của Pháp, Đức, Ý, Anh… Cây có tên khoa học là Athemis nobilis, thuộc họ Cúc (các tên đồng nghĩa thường dùng khác là Chamaemelum nobile, Matricaria chamomilla…) (1).
Đặc điểm cúc la mã
Cúc la mã có cụm hoa hình đầu với các cánh hoa trắng hình lưỡi, lá cây xanh lục trắng nhạt. Khi còn nhỏ, thân cây có lông và mọc bò. Khi cây lớn lên, thân bắt đầu cứng hơn và mọc đứng (1).
Bộ phận dùng làm thuốc
Khi dùng làm thuốc, ta lấy cụm hoa phơi âm can hoặc sấy dưới nhiệt độ thấp sao cho hoa không bị đổi màu.
Ngoài ra, toàn cây và tinh dầu từ hoa thỉnh thoảng cũng được dùng làm thuốc (1).
Các bài thuốc từ cúc la mã
Có nhiều bài thuốc điều trị bệnh từ cây thuốc này, trong đó có thể kể đến:
1. Điều trị biếng ăn
- Chuẩn bị: Bông hoa (từ 5 – 10 hoa).
- Thực hiện: hãm với nước sôi rồi uống như trà (uống trước bữa ăn).
- Ghi chú: Nếu không dùng hoa nguyên cụm, bạn cũng có thể dùng bột hoa (2 g – 10 g), trộn với mật ong rồi vo thành viên nhỏ để uống trong ngày. Ngoài ra, nếu có tinh dầu cúc la mã, bạn cũng có thể nhiễu 2 – 4 giọt lên một miếng đường rồi dùng (1).
2. Điều trị đau thấp khớp, Gout (thống phong)
- Chuẩn bị: hoa cúc la mã (20 g hoa khô) và dầu ô liu (100 g).
- Thực hiện: cho hoa và dầu ô liu vào tô, đem đun cách thủy trong 2 tiếng rồi ép mạnh và lọc lấy nước, bỏ xác, sau đó cho thêm 10 g camphor (long não).
- Cách dùng: lấy dầu ấy xoa bóp chỗ đau nhức (1).
3. Điều trị viêm kết mạc mắt và viêm lông mày
- Chuẩn bị: bột hoa (1 muỗng).
- Thực hiện: cho bột vào chén, thêm tí nước vào, đun sôi thì tắt bếp và đổ ra chén. Sau đó, ta tiếp tục đậy nắp để hãm thêm 10 phút nữa thì để nguội.
- Cách dùng: dùng nước này để rửa mặt, rửa lông mày (1).
Lưu ý khi dùng cúc la mã
- Đối tượng cần tránh: Phụ nữ mang thai và những người sắp phẫu thuật không nên dùng (vì có thể gây sảy thai, loãng máu).
- Tác dụng phụ: Khi dùng thuốc, bạn có thể gặp phải một số biểu hiện như buồn ngủ, nóng mặt, nóng mắt, buồn nôn… Ngoài ra, khi dùng cúc la mã, nó cũng có thể kéo theo một số hệ quả như: làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai, làm tăng tác dụng của rượu, làm thay đổi công dụng của một số thuốc an thần và thuốc điều trị bệnh gan (2). Vì vậy, khi dùng thuốc, bạn cần chú ý để tránh tương tác thuốc và các tác dụng không mong muốn khác.
Thông tin thêm
Tên gọi của cây này vốn bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp và ở Trung Quốc, nó được gọi là “la mã cam cúc” (罗马甘菊). Bên cạnh đó, người Ai Cập xưa còn có truyền thống dùng hoa của nó để hiến tế mặt trời.
Ngoài ra, vì loại cúc này có tác dụng làm dịu hiệu quả nên được xem là “y sư của các loài thực vật” (植物的医师), là “đóa hoa cao quý đích thực” (高贵的花朶)… (3).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: