Lần gần đây nhất bạn ăn gừng là khi nào? Bạn có còn nhớ mùi vị cay ấm và hương thơm của nó? Mùa lạnh này, có vài lát gừng thái sợi, đem chiên cơm buổi sáng thì còn gì bằng!
Và bạn biết không, củ gừng chính là vị thuốc quen thuộc có mặt trong nhiều bài thuốc dân gian. Trong số đó, có thể kể đến bài thuốc điều trị sưng khớp, rối loạn tiền đình và điều trị gout (gút).
Củ gừng giúp giảm sưng khớp
Còn nhớ, hồi nhỏ tôi thường nghịch phá nên rất hay bị trật khớp tay. Chỗ ấy sau đó sưng lên và rất đau, hễ nhúc nhích là thốn. Mỗi lần như vậy, mẹ tôi lại theo cách của ngoại, dùng củ gừng tươi giã nát cùng tí muối, đem bó bên ngoài thì chỉ vài lần là hết đau ngay.
Ngoài ra, với trường hợp bong gân hay bị chấn thương khiến cho da bầm tím, mẹ tôi cũng dùng cách trên và thấy hiệu quả rất tốt.
Bài thuốc điều trị rối loạn tiền đình
Đây cũng là bài thuốc dân gian được dùng từ lâu ở quê tôi. Cách làm rất đơn giản như sau:
Bước 1: Chuẩn bị thành phần gồm 50 g gừng tươi (nếu có gừng khô thì dùng 20 g), 10 g muối hột và mật ong (khoảng một muỗng canh).
Bước 2: Rửa sạch củ gừng rồi cắt thành từng lát mỏng và cho vào nồi, đổ thêm nửa chén nước (150 ml) và đun sôi lên, sau đó cho thêm muối vào và tắt bếp. Sau khi nhắc xuống, ta cho thêm một muỗng canh mật ong vào, khấy đều và đợi nguội lại thì uống.
Vị của bài thuốc rất dễ uống, vừa cay của gừng vừa ngọt của mật mà lại có thêm vị mặn mặn của muối, vì vậy, bạn sẽ có cảm giác gần giống như đang uống trà gừng.
Được biết, bài thuốc này hỗ trợ rất tốt đối với người bị rối loạn tiền đình. Tuy nhiên, cách dùng thì có hơi đặc biệt một chút, đó là bạn uống liên tục ba ngày rồi nghỉ bảy ngày, sau đó tiếp tục uống thêm ba ngày và nghỉ bảy ngày (uống theo chu kỳ như thế, khoảng 4 lần thì bạn sẽ thấy bệnh giảm đi đáng kể).
Củ gừng điều trị gút (gout)
Ông ngoại tôi bị bệnh gút đã lâu nhưng nhờ bài thuốc dân gian từ củ gừng của bà ngoại mà ông đỡ đau rất nhiều. Lúc ở nhà, ngoại hay nói với tôi rằng hễ ai bị bệnh gút, làm theo bài thuốc Củ gừng điều trị gút từ từ sẽ khỏi, không khỏi thì bệnh cũng giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải kiên trì vì thuốc nam không có tác dụng hết liền mà phải qua thời gian vừa đủ thì thuốc mới có tác dụng.
Bài thuốc này gồm các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị một củ gừng (khoảng 100 g), lá lốt (khoảng 50 g, lấy cả nhành, lá) và 20 g muối hột.
Bước 2: Giã nát củ gừng, cho vào nồi cùng với lá lốt và muối rồi đổ thêm 1,5 lít nước, đun sôi (đun được 15 phút thì nhắc xuống).
Bước 3: Sau khi nhắc xuống, bạn đổ nước vào chậu và dùng xông hơi cho bàn chân. Khi nước đã nguội, bạn mới ngâm chân vào nước ấy. Cách làm này sẽ giúp giảm các triệu chứng đau đớn của bệnh gút và thông thường thì bệnh sẽ có chuyển biến tích cực từ sau 1,5 tháng (mỗi ngày thực hiện một lần hoặc thực hiện ba lần mỗi tuần).
Củ gừng qua các nghiên cứu khoa học
Theo một bài viết được đăng trên tạp chí Journal of Ethnopharmacology, các nhà khoa học đã chứng minh được chiết xuất ethanolic từ củ gừng có tác dụng chống viêm, giảm đau, hạ sốt và hạ đường huyết. Các nghiên cứu này được thực hiện trên động vật (chuột và thỏ) (1).
Theo tạp chí Medical Hypotheses, củ gừng còn có một số hoạt chất có tác dụng tích cực đối với việc điều trị thấp khớp. Cụ thể, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu cho bảy bệnh nhân bị thấp khớp và kết quả cho thấy các bệnh nhân giảm đau nhức khớp rõ rệt (2).
Củ gừng trong ẩm thực
Gừng là gia vị quen thuộc trong gian bếp của người Nam Bộ nói riêng và người Việt Nam nói chung. Gừng có khả năng khử đi mùi tanh của các loại thịt. Tôi nhớ mãi hương vị của món vịt kho gừng, đang lúc đói mà ăn với cơm trắng và gỏi ghém thì ngon khỏi phải bàn!. Không chỉ thế, ta còn có các món hấp gừng làm ấm cơ thể và trà chanh gừng vừa detox vừa giúp phòng bệnh mùa dịch nữa.
Ngày Tết, nhâm nhi miếng mứt gừng cùng tách trà nóng bên gia đình thì còn gì bằng!.
Và cũng ít ai để ý rằng, củ gừng còn là nguyên liệu của chén nước mắm gừng chua ngọt đậm đà, thơm lựng khi ăn cùng các món thịt luộc, thịt chiên… Dù ăn cùng món nào, nước mắm gừng cũng đậm đà, ngon đúng điệu hương vị Việt!
Gửi câu hỏi cần giải đáp: