Vào buổi trưa hoặc chiều, khi bữa cơm chín đã dùng xong, người ta mua vài trái cóc muối được gói trong miếng lá chuối xanh cuốn thành hình ống quặn.
Và cái cô bé bán cóc muối ấy, bàn tay tròn trịa khéo léo mở keo ra, dùng đũa đảo sơ cho cóc thấm đều rồi mới gắp hai ba trái to, giũ vài cái cho bớt nước trước khi đặt vào lá chuối. Cuối cùng, để lên một ít muối ớt nữa! Loại muối này – ngon nhất là được làm từ muối cục, mua đong bằng tạ, màu hơi tối nhưng ngon đặc biệt như cái cách mà mấy ghe bán muối hay rao: “Muối đây! Muối tốt là muối Bạc Liêu, muối Bạc Liêu là muối tốt đây!”.
Xong xuôi, cầm trái cóc muối cắn vào một miếng. Xuỵt, bạn cắn nhỏ thôi kẻo bạn kế bên chịu không nổi bây giờ! Miêu tả thế nào cho hết cái ngon của màu vàng miếng cóc – tái tê đến nổi da gà? Nói thế nào để bạn cảm nhận được cái vị ngọt chua ngây ngây của miếng cóc thơm men nếu bạn chưa từng ăn qua nhỉ?
Này, bạn đã ăn trái cóc miền Tây lần nào chưa? Giòn ngọt chua chua như nụ cười cô gái Nam Bộ vậy! Không đùa đâu! Trái cóc chín cây vàng rơm, ngọt mềm, ít chua và thơm ngào ngạt!
Còn trái cóc non, hạt nó chưa xơ cứng nên không sợ mắc vào răng, ta cứ gọt vỏ, chẻ làm hai, làm ba rồi đem làm món “cóc lắc muối ớt”; sau cùng, đem ướp lạnh nữa thì thật ngon hết chỗ chê!
Người nhà quê ăn cóc, ăn ổi, ăn đủ loại trái cây miệt vườn mà ít khi quan tâm đến công dụng của nó. Có những loại trái bình dị, cây nó mọc ở sau hè mà lợi ích của nó đối với sức khỏe thì lại rất đáng trân trọng làm sao!
Công dụng của trái cóc đối với sức khỏe
Đến đây, chúng ta sẽ nói đến điều quan trọng nhất về trái cóc, đó là những công dụng của nó đối với sức khỏe.
Được biết, 100 g cóc cung cấp khoảng 58 kcal – mức năng lượng khá thấp so với nhiều loại trái cây nhiệt đới khác. Mặc dù vậy, trái cóc lại chứa nhiều chất dinh dưỡng như chất đạm, chất xơ, đường bột, Can xi, Sắt, Phốt pho… (1).
Theo thuocnam.mws.vn, trái cóc có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, giải độc và làm mạnh dạ dày. Thông thường, khi bị đau họng, dân gian thường ăn cóc chấm muối, lúc ăn thì nhai chậm và nuốt nước từ từ (2).
Ngoài ra, cóc còn mang lại nhiều lợi ích khác như:
Ai không nên ăn trái cóc?
Cóc, từ lúc còn non cho đến lúc già, lúc chín; lúc nào ta cũng có thể ăn được và đều rất ngon. Hiển nhiên, quả cóc xanh rất chua nhưng cái chua của trái cóc lại là điểm ưa thích nhất của những bạn thèm chua. Bên cạnh việc ăn tươi, chấm muối, đem ướp đường, làm gỏi cóc hay lắc muối ớt ướp lạnh thì nhiều người còn uống nước ép cóc.
Nhìn chung, tùy sở thích mà bạn có thể chọn cho mình cách dùng phù hợp. Tuy nhiên, bạn không nên ăn quá 300 g cóc mỗi ngày vì sẽ gây áp lực cho bao tử, dễ dẫn đến xót ruột và thừa axit ở ruột, bạn nhé!
Ngoài ra, bạn cũng không nên ăn cóc khi đang đói và trẻ nhỏ cùng những người đang bị viêm loét dạ dày cũng cần hạn chế loại trái cây này (3).
Thông tin thêm
Cây cóc có tên khoa học là Spondias cytherea (đồng nghĩa Spondias dulcis) (4), là loại cây ăn quả lâu năm, thân cao to, cành nhánh dang rộng, tán lớn và lá có mùi thơm kích thích khứu giác rất dễ chịu.
Tuy nhiên, cây cóc lại rất dễ bị sâu. Lúc tôi còn nhỏ, nhà tôi có trồng một cây cóc sau hè, cứ vào mùa là những con sâu đen đeo dề dề dưới nách nhánh, trên thân cây, tạo thành những mảng sâu hàng trăm con trông phát khiếp! Đám sâu ấy, cha tôi dùng lửa đốt, hơ qua hơ lại thì chúng rơi lộp độp như mưa!
Tuy vậy, cóc lại là loài cây dễ trồng, sai quả (những chùm to có thể có đến vài chục trái!) còn quả cóc thì quả nào cũng nặng ịch, rắn chắc, dân Nam Bộ hay nói đùa là “chọi một cái lổ đầu“.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: