Trong những ngày đầu năm thì canh khổ qua nhồi thịt chính là món ăn chủ đạo gợi người ta liên tưởng đến những vất vả trong năm vừa qua, đồng thời cũng gợi về một năm mới no đủ hơn (khi ta đem hấp lên, cái nhân thịt ấy sẽ nở căng ra và như vậy thì cả năm sau sẽ “dư ăn dư để” như cái nhân ấy vậy!).
Nhiều người thích ăn khổ qua nhưng vẫn hay thắc mắc rằng: Hạt khổ qua có ăn được không? Khổ qua ăn tươi hay nấu chín sẽ tốt cho sức khỏe hơn và những ai không nên ăn khổ qua? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhé!
Hạt mướp đắng có ăn được không?
Trong các món chay thường gặp ở miền quê thì có món “hạt khổ qua bằm kho xả”. Món này bùi, giòn và rất thơm ngon. Tuy nhiên, theo lương y Nguyễn Công Đức thì có một số trường hợp không nên dùng hạt khổ qua, đó là:
- Những người chức năng gan, thận kém hoặc đang bị bệnh về gan, thận… không nên dùng.
- Những người bị men gan cao do rượu bia hoặc bị viêm gan siêu vi B, siêu vi C cũng không nên dùng (1).
Bên cạnh đó, theo trang https://tuoitre.vn/ thì trong hạt khổ qua có chứa một số chất có thể gây đau bụng, nhức đầu… (2).
Nên dùng sống hay nấu chín khổ qua?
Với khổ qua thì bạn nên dùng tươi để đảm bảo lượng vitamin được hấp thu một cách tối ưu nhất (nhất là vitamin C).
Cách dùng rất đơn giản, đó là rửa sạch, móc bỏ hạt rồi ép lấy nước uống. Được biết, nước ép khổ qua tươi giúp khắc phục hiệu quả tình trạng nóng nhiệt, táo bón, tiểu gắt, ăn uống không ngon; ngoài ra còn giúp ổn định đường huyết và hỗ trợ điều trị tiểu đường.
Cách dùng như sau: lấy hai trái khổ qua (loại trái vừa vừa hoặc nhỏ, tổng cộng khoảng 200 hoặc 300 g), rửa sạch, cắt bỏ ruột, hạt và những chỗ không ăn được rồi cho vào máy xay sinh tố, xay nát và ép lấy nước uống. Tuy nhiên, mỗi tuần chúng ta chỉ nên uống hai hoặc ba lần, không nên lạm dụng.
Với những người hay uống bia rượu, ta có thể lấy một vài miếng khổ qua tươi (bỏ hạt), cho vào ly bia lạnh, như vậy thì nó sẽ giòn hơn khi ăn và giúp giải rượu.
Với các chị em thích làm đẹp từ rau quả thiên nhiên thì chúng ta cũng có thể xay nát khổ qua tươi (bỏ hạt) rồi đắp mặt nạ từ 15 – 20 phút, mỗi tuần đắp hai hoặc ba lần, như thế thì sẽ giúp cải thiện làn da, đặc biệt là tình trạng da bẩn, nhiễm khuẩn, nhờn và thâm nám (1).
Nên chọn trái khổ qua nào để làm thuốc?
Ca dao có câu:
“Khổ qua xanh, khổ qua trắng
Khổ qua mắc nắng, khổ qua đèo
Tại cha kén vợ
Má chê nghèo
Nên đôi lứa phải xa...”.
Khổ qua đèo là trái khổ qua bị “đẹt”, bị chậm lớn so với các trái khác (do dây nhiều trái quá, không nuôi nổi nên bị đẹt hoặc do bị ong chít…). Dân gian chê trái khổ qua đèo là vì nó thường xấu xí, nhỏ nhặt.
Tuy nhiên, khi dùng làm thuốc thì người ta lại ưu tiên chọn khổ qua đèo vì cho rằng nó có nhiều chất thuốc hơn (do đắng hơn) (1).
Những ai không nên dùng hạt mướp đắng, khổ qua?
Khổ qua có nhiều công dụng như vậy nhưng không phải ai cũng có thể dùng. Đó là vì khổ qua rất mát (giúp thanh nhiệt rất tốt) nhưng những người tỳ vị hư hàn thì lại không hợp, không nên dùng.
Bên cạnh đó, có một số trường hợp cũng không nên ăn loại quả này như:
- Phụ nữ mang thai (không nên ăn, nếu ăn thì chỉ nên ăn nửa trái trở lại, nếu ăn nhiều sẽ dễ hư thai).
- Phụ nữ sau sinh, đang cho con bú (nếu ăn thì sẽ dễ bị các chứng hậu sản).
- Những người bị hiếm muộn (nếu ăn thì sẽ dễ bị vô sinh).
- Trẻ em (nếu ăn thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển).
- Những người bị bệnh gan, thận hoặc men gan cao (vì sẽ làm cho bệnh nặng hơn) (1) (2).
Cuối cùng, khi chọn khổ qua để ăn, nếu bạn không giỏi ăn đắng thì hãy chọn những trái to, có đường gai nở lớn và rõ rệt nhé! (những trái này thường ít đắng).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: