Ngày còn bé, hễ thấy giấy tiền bị rách là tôi lại lăng xăng ra trước nhà bẻ vài lá vú sữa lấy nhựa tra vào rồi đợi một tí thì chất nhựa sẽ khô lại, nối liền hai mép rách rất khéo. Nhưng không chỉ ở lá, những chất nhựa trắng cũng có rất nhiều ở quả vú sữa. Tuy nhiên, đến khi chín, nhựa ở lớp thịt gần vỏ quả rịm ra ít hơn, thịt quả mềm lại với dịch sữa trắng thơm mà dân gian đã ví rằng nó “ngọt thơm như sữa mẹ“.
Người miền Tây ăn vú sữa bao giờ cũng dùng hai lòng bàn tay ấn, vừa vần vừa xoay tròn cho trái mềm ra bởi làm như vậy thì dịch sữa sẽ được nhiều, ăn càng ngon và ngọt!
Đặc điểm
Cây vú sữa (tên khoa học: Chrysophyllum cainino, họ Sapotaceae) (1).
Là cây ăn quả lâu năm, thân gỗ dẻo, có thể cao đến 15m. Lá vú sữa hình thuôn, mặt trên xanh thẫm, mặt dưới có lông dày màu hoe vàng. Hoa vú sữa nhỏ, màu trắng, mọc thành chùm ở nách lá. Quả vú sữa là loại quả mọng, tròn căng, to bằng nắm tay, nhiều thịt, màu trắng đục và có khoảng 5 – 9 hạt nằm tập trung ở lõi (hạt thuôn dẹt, màu nâu đen và có 1 góc nhọn, phần thịt bao quanh hạt trong, dai và cứng hơn). Vỏ quả vú sữa thường thấy có màu trắng xanh (hoặc xanh pha nâu nhạt) và tím (hoặc trắng pha tím), ngoài ra còn có màu vàng (vú sữa hoàng kim).
Cây vú sữa thích hợp với khí hậu đất phù sa Nam Bộ nên trái ngon ngọt hơn các tỉnh thành khác. Có câu: “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh – Vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ” (2). Đến nay, vú sữa Lò Rèn được xem là giống cho trái ngon nhất với đặc trưng vỏ mỏng, thịt dày, ngọt thơm và là trái cây độc quyền của Việt Nam có thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Công dụng của cây vú sữa
Giá trị của quả và nhân hạt vú sữa
Quả vú sữa: Quả vú sữa còn xanh có vị chát với tác dụng làm săn se. Khi chín, quả có vị ngọt dịu, hơi chát nhẹ (không chát khi chín hoàn toàn) và được ăn như một loại trái cây tráng miệng giúp bồi bổ cơ thể. Vỏ quả vú sữa cũng bổ và có tính kích thích (3).
Kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng cho thấy quả vú sữa có mức năng lượng vừa phải (89kcal/ 100g), chứa nhiều chất xơ, đạm, vitamin C, Ka li, Can xi góp phần duy trì cơ thể khỏe mạnh (ngoài ra còn có Na tri, Ma giê, Phot pho và vitamin A) (5).
Nhân hạt vú sữa: Nhân hạt vú sữa màu trắng, vị đắng, chứa nhiều năng lượng (474 kcal/ 100g). Theo kết quả phân tích, hàm lượng các chất dinh dưỡng trong nhân hạt vú sữa hầu hết nhiều hơn so với thịt quả với nhiều đạm, chất xơ, Can xi, Ma giê, Na tri, Ka li (ngoài ra còn có Phot pho, vitamin C, vitamin A) (5)
Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu, thí nghiệm cũng cho thấy thịt quả và nhân hạt vú sữa còn có các tiềm năng:
- Bảo vệ dạ dày chống lại bia rượu và chất độc Hiđrô clorua (6)
- Kháng khuẩn đối với các vi khuẩn gây bệnh đường ruột (như E.coli, Samonella), viêm nhiễm, ngộ độc (như Staphylococcus) và bệnh nấm (như Candida)… (5).
- Theo Tạp chí Y học lâm sàng và thực nghiệm quốc tế (International journal of clinical and experimental medicine), chiết xuất từ trái vú sữa còn có tiềm năng kiểm soát tăng huyết áp (7).
Công dụng làm thuốc của rễ, vỏ thân và lá vú sữa
Rễ và lá vú sữa có tác dụng hoạt huyết, làm tan máu ứ, giúp tiêu sưng và giảm đau (3). Vỏ thân vú sữa có tác dụng kích thích, bồi bổ (3) và bảo vệ dạ dày (6)
Theo y học cổ truyền, nước sắc từ lá vú sữa còn được dùng để điều trị chứng đau dạ dày với liều dùng 6 – 10 g/ ngày (4). Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ lá cây vú sữa còn có khả năng chống o xy hóa và làm lành vết thương (8)
Tuy nhiên, thí nghiệm trên thỏ bị bệnh tiểu đường cho thấy nước sắc từ lá vú sữa làm hạ đường huyết ở mức thấp với liều 20 g/ l nhưng lại có độc tính và làm chết thỏ ở liều 30 g/ l sau 8 – 9 tuần điều trị (9). Do vậy, cần cân nhắc và tham khảo thêm ý kiến thầy thuốc về liều lượng khi dùng lá vú sữa điều trị bệnh.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: