Trong ký ức tuổi thơ của tôi, quả chanh bình dị lắm. Đó là những nồi canh chua thơm ngon từ mấy con cá tra bắt được và mấy cọng bông súng mọc dại ngoài đồng (mà tôi vẫn hay nghe người lớn gọi là bông súng “ma”). Nhớ biết bao những trưa hè oi ả, mẹ pha cho một ca nước chanh đá chua ngọt thanh mát từ những quả chanh có sẵn trong bếp. Lúc ấy, bao nhiêu sự oi bức của mùa hè cứ như bị đánh tan trong chớp mắt.
“Quả chanh xanh
Chua chua lắm
Em không cắn
Sợ súng răng
Uống nước chanh
Ngọt ngọt mát
Tay mẹ vắt
Quả chanh xanh”
(Quả chanh xanh – sưu tầm)
Ngày nay, các loại nước uống đóng chai, đóng lon và những hàng nước pha sẵn đã trở nên quá phổ biến nhưng tôi chẳng thể nào quên được sự thanh mát của những ca nước chanh mẹ pha ngày còn nhỏ. Bây giờ, dù rất nhớ nhưng không hiểu sao chẳng thể tìm được cảm giác của ngày xưa, khi thưởng thức một ly nước chanh đá mình tự pha. Có lẽ những ca nước chanh đó đặc biệt bởi vì đó là tất cả những gì tốt nhất ở thời điểm đó mà cha mẹ đã dành cho chị em tôi.
Lúc còn nhỏ, khi ăn hoặc uống bất cứ món gì thì chỉ là vì nó ngon chứ không hiểu rằng sức khỏe rất quan trọng. Cho nên, thường thì tôi chỉ dùng phần nước cốt chanh vì cái vị chua ngọt thì cực kỳ kích thích vị giác. Riêng phần vỏ thì lúc đó cũng không biết nó tốt như thế nào, chỉ thấy nó quá đắng và cay nên thường bỏ đi. Đến bây giờ, khi biết phần vỏ chứa nhiều dinh dưỡng hơn cả phần nước và khi đã trải qua vài cơn bệnh, tôi mới tận dụng vỏ quả chanh thường xuyên hơn.
1. Vỏ quả chanh hỗ trợ điều trị mỡ trong máu
Có một lần, tôi đưa mẹ đi khám bệnh và ngồi gần một bác gái lớn tuổi. Trong lúc chờ khám bệnh, tôi bắt chuyện và hỏi thăm thì biết bác ấy đến khám định kỳ bệnh tiểu đường. Trùng hợp là mẹ tôi cũng thế nhưng mẹ tôi chỉ mới bị gần đây, bác sĩ bảo là đường hơi cao nhưng không có gì đáng lo ngại, còn bác ấy thì đã mắc bệnh này 40 năm rồi. Tôi rất ngạc nhiên vì 40 năm thật sự là một khoản thời gian không ngắn chút nào.
Như chúng ta đã biết, bệnh tiểu đường, nếu không kiểm soát tốt thường xuyên thì sẽ rất nhanh gây ra các biến chứng về thận, mắt, lở loét do vết thương không lành và một số vấn đề khác nữa. Trong lúc nói chuyện, mẹ tôi cũng nói với bác ấy rằng mẹ tôi được chẩn đoán là mỡ trong máu cùng với đường huyết cao.
Bác ấy mới nói là: bệnh đó có gì khó trị đâu, con về lấy nữa quả chanh, vắt hết nước rồi lấy cái vỏ của nó, đem bỏ vào ngăn đá, đông đá qua đêm rồi hôm sau đem ra, cho vào ly, rót nước sôi vào, ngâm cho đến khi nước còn âm ấm thì uống.
Bác nói: lúc trước, bác cũng được chẩn đoán là bị mỡ trong máu. Sau đó, bác dùng cách này để điều trị (uống cách quãng với thuốc Tây bác sĩ kê để tránh giã thuốc) thì sau một thời gian, bác đi khám lại thì bệnh này đã hết.
Tuy nhiên, bài thuốc này không tốt cho dạ dày, vì vậy, nếu bạn có tiền sử bệnh dạ dày thì hãy giảm lượng vỏ chanh (bạn dùng 1/4 vỏ quả chanh và cho nhiều nước để tinh chất vỏ chanh loãng hơn, đồng thời không uống khi các cơn đau dạ dày đang tái phát). Nhìn chung, cách tốt nhất vẫn là uống khi bụng no và không uống liên tục trong nhiều ngày (mỗi tuần uống 3 lần là được).
2. Chanh – loại quả đầu bảng giúp giảm ho
Dân gian thật sự tuyệt vời khi có nhiều cách trị bệnh cực kỳ hiệu quả nhưng lại rất đơn giản từ những nguyên liệu có sẵn. Tôi thấy mình thật may mắn vì ngay từ nhỏ đã được tiếp xúc và biết được rất nhiều mẹo hay, càng may mắn hơn khi được áp dụng những phương pháp này để phòng ngừa và điều trị những bệnh vặt.
Thực ra, nếu chọn chanh để điều trị ho thì chúng ta có rất nhiều sự kết hợp, trong đó, cách kết hợp được nhiều người biết đến có lẽ là chanh và mật ong (sự kết hợp này không chỉ tốt cho bệnh ho mà còn tốt cho sắc vóc). Tuy nhiên, ngày nay, giá thành mật ong khá cao, lại không dễ dàng tìm được mật ong nguyên chất như ngày trước. Vì vậy, với bài viết hôm nay, tôi xin chia sẻ với mọi người 2 cách sử dụng đơn giản với những nguyên liệu dễ tìm và gần gũi nhất.
Cách 1: Kết hợp chanh với dừa tươi
Nguyên liệu của cách này đơn giản, dễ tìm (nhưng hiệu quả thì rất tốt đấy).
Bài thuốc này, tôi từng chỉ lại cho một bạn sinh viên. Bạn ấy uống thử thì thấy chỉ sau vài lần đầu uống, cổ họng đã dịu hơn rất nhiều, sau khoảng 5 ngày thì gần như khỏi hẳn.
Cách làm đơn giản như sau: bạn mua một quả dừa tươi (loại nào cũng được), đem về chặt ra rồi khoét phần miệng quả dừa hơi to một chút, sau đó cắt 2 lát chanh: lát thứ nhất thì bạn vắt từ từ quanh miệng trái dừa bạn đã khoét (bạn vắt cho nước chanh rơi vào thành miệng rồi từ từ chảy xuống, khi vắt hết nước, bạn bóp mạnh tay phần vỏ còn lại để lấy tinh dầu từ vỏ chứ không vắt trực tiếp vào nước dừa); lát chanh thứ hai thì bạn bỏ nguyên lát chanh vào trái dừa. Sau đó, bạn cho vào 1 chút xíu muối (ít thôi, một chút dằn lại để điều hòa ion K+ trong nước dừa tươi).
Cuối cùng, bạn dùng ống hút, khuấy lên rồi uống hết phần nước trong trái dừa. Với bài thuốc này, bạn chỉ nên uống mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi trưa (nếu không có thời gian thì bạn chỉ cần uống một lần vào buổi trưa, không uống buổi chiều vì nước dừa có thể gây lạnh bụng).
Cách 2: Nước chanh phơi sương
Khi trời vừa sụp tối, bạn lấy một nữa quả chanh, cắt lát mỏng rồi cho vào ly (cả phần vỏ và nước chanh luôn nhé), sau đó thêm nước và đường vào (bạn cứ pha như bạn pha nước chanh không đá mà bạn thường uống nhưng bạn sẽ cho lượng đường ít hơn, đường lúc này chỉ đóng vai trò làm giảm vị chua của chanh chứ không dùng để tạo vị ngọt).
Sau khi pha xong, bạn đem ly nước chanh ra ngoài sân, để lên một cái ghế rồi để như thế qua đêm (để phơi sương). Để nước chanh không bị bụi rơi vào, bạn hãy dùng một cái khăn the thật mỏng, đậy lên trên mặt ly.
Sáng hôm sau, bạn mang ly nước chanh đó vào uống. Lúc này, phần vỏ chanh đã chuyển sang màu vàng và nước chanh sẽ có vị đắng của vỏ chanh. Bạn đừng lo, nước này sẽ không khó uống đâu, bạn cố gắng một chút là sẽ uống hết phần nước đó (bạn có thể chia ra uống 2 đến 3 lần nhưng bạn cố gắng uống hết trong buổi sáng nhé).
Lưu ý: uống khi bụng no, không uống khi đói vì sẽ hại dạ dày. Bạn uống khoản 3 ngày thì ngưng, nếu hết ho hẳn thì bạn ngưng luôn, nếu chỉ giảm nhưng chưa hết thì sau 2 đến 3 ngày bạn lại làm như vậy: uống tiếp cho đến khi cơn ho của bạn hết hẳn.
Cách này đơn giản nhưng nhược điểm của nó là hiệu quả chậm, bạn có thể dùng nó như một phương pháp hỗ trợ điều trị sẽ rất tốt.
***
Thật tiếc khi dân gian có rất nhiều bài thuốc hay nhưng đa phần lại không được biên soạn trong sách.
Hình thức phổ biến nhất để lưu truyền những bài thuốc này đó là truyền miệng. Tuy nhiên, truyền miệng qua nhiều người thì dễ xảy ra dị bản, cho nên với những bài viết chia sẻ của mình, tôi mong muốn lưu giữ lại những kinh nghiệm dân gian đáng quý.
Tôi cũng không biết rằng liệu những phương pháp tôi biết có dị bản không nhưng bạn có thể yên tâm vì các phương pháp này đều là tôi tự mình trải nghiệm hoặc được chia sẻ từ những người đã dùng và đạt được hiệu quả. Ngoài ra, đa số các phương pháp trong nhân gian đều là tận dụng những nguyên liệu quen thuộc hằng ngày nên rất lành tính, chỉ cần không lạm dụng thì sẽ không có gì phải lo lắng.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: