Thực phẩm lý tưởng cho người táo bón
Mồng tơi đang vào mùa. Đây là loại rau dễ trồng, dễ ăn và có thể chế biến thành nhiều món cho bữa ăn. Không chỉ vậy, nó còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, giúp phòng chữa nhiều loại bệnh. Theo y học cổ truyền, rau mồng tơi có tính hàn, vị chua, tán nhiệt, mất máu, lợi tiểu, giải độc, đẹp da… rất thích hợp để giải nhiệt trong mùa nóng.
Còn theo nghiên cứu của y học hiện đại, rau mồng tơi rất giàu vitamin và khoáng chất. Trong đó, nổi bật là hàm lượng sắt, canxi, vitamin A, C và các vitamin nhóm B. Đây đều là những nguyên tố vi lượng quan trọng giúp nâng cao sức đề kháng cũng như giá trị trong một số vấn đề sức khỏe. Đặc biệt, loại rau này có chứa lượng chất nhầy pectin rất quý.
Chất này mang lại nhiều tác dụng cho cơ thể như: Kéo dài thời gian tiêu hóa thức ăn trong ruột, tăng hấp thu dưỡng chất trong thức ăn. Giảm béo (do tạo cảm giác no bụng kéo dài, giảm năng lượng ăn vào, do đó giúp giảm cân ở người béo phì); giảm hấp thu lipid; giảm cholesterol toàn phần trong máu (đặc biệt là giảm cholesterol xấu LDL-c) ở người rối loạn lipid máu; hạn chế tăng đường huyết trước và sau bữa ăn ở người có bệnh tiểu đường, chống táo bón, cầm máu, sát trùng…
Rau mồng tơi dễ trồng vào mùa hè
Với hàm lượng chất nhầy cao, mồng tơi là thực phẩm lý tưởng cho những người đang gặp vấn đề về tiêu hóa. Những người bị táo bón lâu ngày, phân khô, cứng, thường có biểu hiện nặng bụng hoặc sôi bụng, hãy ăn rau mồng tơi hàng ngày sẽ có tác dụng điều trị bệnh rất hiệu quả. Ngoài ra có thể làm theo cách sau: Lấy một nắm lá mồng tơi rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt pha thêm một ít nước đun sôi để nguội uống một lần. Sau vài lần uống sẽ đại tiện dễ.
Hoặc lấy lá mồng tơi, lá vông non mỗi thứ 30g, rễ đinh lăng 20g, củ mài 12g (thái mỏng sao vàng), vừng đen 30g (rang nổ), sắc với 600ml nước còn 300ml. Người lớn chia 2 lần, trẻ em tùy tuổi dùng ít hơn.
“Vua rau” mùa hè
Bên cạnh công dụng nhuận tràng, rau mồng tơi còn giúp hỗ trợ điều trị nhiều loại bệnh khác:
Chữa bệnh trĩ: Lấy lá mồng tơi non kèm thêm chút muối đắp vào búi trĩ, cố định bằng gạc sạch, giúp chống viêm và búi trĩ co lên đáng kể.
Trị vết thương: Khi bị bỏng, dùng nước cốt từ rau mùng tơi có thể làm mau lành vết thương.
Trị đau nhức xương khớp: Đem rau mồng tơi hầm với chân giò cho nhừ rồi ăn. Món ăn này rất có lợi cho xương khớp, phòng chống các bệnh liên quan đến xương khớp.
Chữa chảy máu mũi (chảy máu cam) do huyết nhiệt: Mồng tơi tươi giã nát rồi lấy bông thấm vào nước cốt nhét vào lỗ mũi bên chảy máu.
Món canh tôm mồng tơi có tác dụng tăng cường sinh lý
Trị chứng đi tiểu nóng buốt: Lấy lá mồng tơi cho vào cối sạch giã nát, vắt lấy nước cốt pha thêm một ít nước đun sôi để nguội và vài hạt muối. Uống vào buổi sáng. Bã dùng đắp vào bụng dưới (chỗ bàng quang).
Chữa yếu sinh lý: Rau mồng tơi, rau ngót, rau má, bộ lòng gà hay vịt, nấu canh ăn nóng. Món ăn này giúp nam giới tăng cường sinh lực, kéo dài thời gian quan hệ.
Chữa khí hư, suy nhược: Gà ác 1 con, lá mồng tơi 1 nắm, đậu đen 1 nắm, ninh nhừ ăn nóng cả nước và cái. Tuần ăn 1- 2 lần. Khi thấy có kết quả, cho thêm một nắm đậu nành, 2 nắm lạc. Người bị đau dạ dày, ợ chua ăn món này cũng rất tốt.
Lợi sữa: Chỉ đơn giản là món mồng tơi nấu với thịt nạc sẽ giúp phụ nữ sau sinh nhiều sữa, sữa thơm và mát.
Đẹp da: Thường xuyên ăn rau mồng tơi giúp lưu thông khí huyết, nhuận tràng, giúp da dẻ mịn màng, tươi trẻ. Hoặc để dưỡng da, có thể lấy vài lá mồng tơi non giã lấy nước cốt, cho vài hạt muối, thoa đều lên mặt vài lần trước khi đi ngủ.
Mồng tơi cũng có thể chế thành mặt nạ dưỡng da
Với những công dụng tuyệt vời như trên, mồng tơi quả thực không hổ danh là loại “rau vua” của mùa hè. Tuy nhiên, việc lạm dụng nó không được khuyến khích. Bởi mồng tơi chứa hàm lượng axit oxalic cao. Đây là một loại chất hóa học có khả năng liên kết với canxi, sắt, khiến cơ thể khó hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng khác. Do đó, nếu ăn quá nhiều sẽ khiến cơ thể kém hấp thu dinh dưỡng. Đồng thời, khi ăn rau mồng tơi nên ăn kèm theo các loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, cà chua, khế… để giúp giải phóng axit oxalic.
Đặc biệt, với những người sỏi thận hoặc bệnh gút thì tuyệt đối không nên ăn mồng tơi. Bởi các axít oxalic trong rau mùng tơi làm tăng nồng độ canxi oxalate trong nước tiểu, dẫn đến sỏi thận ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, loại rau này cũng chứa nhiều purin, hợp chất hữu cơ khi đi vào cơ thể sẽ biến thành axít uric. Hàm lượng cao axít uric trong cơ thể làm tăng nguy cơ phát triển của sỏi thận. Nó cũng sẽ khiến tình trạng đau nhức khớp ở người bệnh gút thêm trầm trọng.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: