Bản chất của bệnh tiểu đường
Trước thực trạng bệnh tiểu đường ngày càng phổ biến, nhiều nhà nghiên cứu đã đặt ra vấn đề đặt lại tên cho căn bệnh này: không nhấn mạnh biểu hiện “đường huyết cao” hay “tiểu đường” mà nhấn mạnh nguyên nhân của nó: “rối loạn chuyển hóa đường”.
Thật ra, đường là chất dinh dưỡng quan trọng cung cấp năng lượng cho các tế bào và cơ thể chúng ta cần có đường. Khi chúng ta ăn các thức ăn có chứa đường, hoocmon insulin (do tuyến tụy sản xuất) sẽ hỗ trợ các tế bào tiếp nhận và sử dụng đường trong máu.
Tuy nhiên, khi một sự rối loạn nào đó xảy ra, tuyến tụy sẽ không sản xuất insulin nữa hoặc có sản xuất insulin nhưng các tế bào lại không thể tiếp nhận insulin. Khi ấy, lượng đường trong máu sẽ tăng lên do không được chuyển hóa. Theo thời gian, đường trong máu cao dần và chúng ta sẽ mắc bệnh tiểu đường (đái tháo đường) (1).
Lưu ý: Với bệnh tiểu đường type 1 (tuyến tụy không thể sản xuất insulin) thì lượng đường huyết rất cao và để duy trì sự sống, các bệnh nhân phải tiêm bổ sung insulin. Với bệnh tiểu đường type 2 (phổ biến nhất) thì tuyến tụy vẫn sản xuất insulin nhưng tế bào không tiếp nhận được, không thể kích hoạt khả năng sử dụng đường, vì vậy, đường huyết tăng dần nhưng ta có thể kiểm soát được.
Như vậy, bản chất của bệnh tiểu đường chính là rối loạn chuyển hóa đường (1).
Các nhóm thực phẩm được khuyên dùng cho bệnh tiểu đường
Đối với bệnh tiểu đường, chúng ta hoặc là phòng tránh, hoặc là sống chung. Khi mắc phải bệnh này, bạn không nên quá bi quan nhưng cũng cần có thái độ nghiêm túc để kiểm soát và ngăn ngừa các biến chứng. Trong đó, việc lựa chọn chế độ ăn hàng ngày là vô cùng quan trọng.
Cụ thể, người bị tiểu đường nên ưu tiên các nhóm thực phẩm sau:
- Nhóm trái cây tươi ít đường như nho, mận, cherry, bưởi…
- Rau xanh và các loại củ, hạt giàu chất xơ (như đậu phộng, lúa mạch, cà rốt, bắp…).
- Các loại cá biển… (1).
Bắp nguyên hạt đối với bệnh tiểu đường
Trái bắp không xa lạ gì và chúng ta có rất nhiều món ngon từ bắp như bắp luộc, bắp nướng, chè bắp, bắp xào mỡ hành, bắp rang bơ, bắp nổ, bắp nấu lẩu nước ngọt, bắp hầm, sữa bắp…
Tuy nhiên, nhiều phương pháp chế biến – qua sơ chế và gia công nhiệt lại làm mất các vi chất quan trọng có trong bắp. Vì vậy, cách ăn bắp tốt nhất là dùng bắp nguyên hạt luộc chín (nếu không thì nấu xôi bắp hoặc xay hạt nấu cháo).
Không chỉ thế, bắp luộc nguyên hạt còn giúp tăng cường chuyển hóa – điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc phòng ngừa và kiểm soát tiểu đường.
Cụ thể, bắp nguyên hạt mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như:
- Chỉ số đường huyết thấp giúp cơ thể không bị tăng đường huyết đột ngột.
- Nhiều chất xơ giúp làm chậm quá trình hấp thu đường, tránh tăng đường đột ngột, đồng thời làm tăng cảm giác no (nên hỗ trợ tốt cho bệnh nhân vừa bị tiểu đường, vừa bị béo phì).
- Chứa nhiều vitamin nhóm B như B1, B2, B3, B6, B9 giúp thúc đẩy chuyển hóa năng lượng, tránh dư đường trong cơ thể.
Vì thế, bắp nguyên hạt là một trong những thực phẩm được khuyên dùng cho bệnh nhân tiểu đường (1) (2).
Thông tin thêm về công dụng của bắp
Bắp nguyên hạt không chỉ tốt với bệnh nhân tiểu đường mà còn tốt với bệnh nhân mỡ máu cao và tim mạch.
Cụ thể, bắp giúp điều chỉnh mỡ máu, ngăn ngừa các bệnh mạch vành (như suy tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim…). Có được điều này là nhờ bắp chứa nhiều chất xơ (bắp, gạo lứt và lúa mạch đen là bộ ba ngũ cốc giàu chất xơ).
Ngoài ra, bắp còn có một ưu điểm nữa chính là ngăn ngừa các bệnh về đường ruột. Cụ thể, chất xơ có trong bắp làm giảm thời gian tiếp xúc của lớp niêm mạc ruột với các chất độc và chất gây ung thư có trong bã thức ăn.
Nói cách khác, lượng chất xơ nhiều giúp chúng ta mau đi đại tiện hơn, vì vậy, thời gian chất bã độc hại ở lại trong ruột cũng ít hơn. Vì vậy, bắp được xem là “thực phẩm vàng” giúp phòng ngừa ung thư ruột (1).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: