Bổ dương Ung thư tiểu đường mất ngủ sỏi thận suy thận béo phì Huyết áp cao Bệnh trĩ Viêm dạ dày Đại tràng Xương khớp Dưỡng da Tóc bạc sớm Bồi bổ Viêm gan B

Tư vấn trực tuyến về bệnh ung thư và những biện pháp điều trị

Cao chè vằng nguyên chất

Bệnh viện Bạch Mai và bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang, bác sĩ chuyên khoa II (Bệnh viện K) chia sẻ về thực trạng bệnh, phương pháp điều trị, cách phòng tránh ung thư.

Xin hỏi bác sĩ tại sao bệnh nhân ưng thư lại được khuyên không nên ăn thịt đỏ nhiều, không ăn các đồ ăn lên men, nảy mầm. Hầu hết các thức ăn đó đều có lợi có sức khoẻ, giúp những người bệnh phục hồi sưcs khoẻ. Có nhiều ý kiến nói bị ung thư không ra đi vì ung thư mà vì bệnh này biến ra nhiều bệnh khác. Theo bác sĩ ý kiến này có đúng không? Và làm thế nào để bệnh nhân ung thư biết nên ăn uống dinh dưỡng bao nhiêu là đúng và đủ

Trường Thành, 39 tuổi, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang: 

Theo khuyến cáo, nên ăn uống thật khoa học, lành mạnh để phòng tránh mắc ung thư, như hạn chế ăn các đồ lên men, ủ muối… vì chứa rất nhiều nitrosamin, là yếu tố đã được chứng minh có liên quan đến nguyên nhân mắc ung thư. Điều này vẫn đúng với người bệnh đã mắc ung thư. Người bệnh cần duy trì dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ các nhóm thực phẩm gồm gluxit, protit, lipit, các vitamin… một cách cân đối. Tránh ăn kiêng hoặc sử dụng thực phẩm theo một tỷ lệ thái quá, đặc biệt là tâm lý “tránh ăn nhiều dinh dưỡng, đạm vì nuôi khối u” là không đúng. Sức đề kháng của cơ thể để chống lại tế bào ung thư cần đến các globulin miễn dịch, có thành phần là các axit amin, được cung cấp từ nguồn thức ăn. Vì vậy, dinh dưỡng lành mạnh hợp lý mang lại lợi ích cung cấp “nguyên liệu” để cơ thể sản xuất ra các yếu tố miễn dịch chống lại tế bào ung thư là rất cần thiết.

https://i-suckhoe.vnecdn.net/2018/10/24/live_interview-1540350622.jpg

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang.

Ung thư cổ tử cung có chữa trị dứt điểm được không?

Phan Thanh Dong, 33 tuổi, AyunHa_phu thien_gia lai

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang: 

Ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, điều trị kịp thời có tiên lượng rất tốt. Theo thống kê của Hiệp hội sản phụ khoa quốc tế (FIGO) từ năm 1999-2001 tỷ lệ sống 5 năm của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn IA1 lên đến 97,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ này với giai đoạn IVB là giai đoạn cuối cùng chỉ còn 9,3%. Như vậy, việc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là rất quan trọng, mang lại cơ hội chữa trị cao.

https://i-suckhoe.vnecdn.net/2018/10/24/live_interview-1540354425.jpg

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang suy nghĩ trước một câu hỏi.

Hiện nay ở Việt Nam, những bệnh viện nào có thể xét nghiệm tìm đột biến gen để phát hiện sớm nguy cơ gây ung thư? Nếu phát hiện được gen đột biến chúng ta phải làm gì?

Thành Nam, 35 tuổi, Đống Đa, Hà Nôi

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương: 

Nước ta cũng bắt đầu tiếp cận các xét nghiệm tìm đột biến gen để phát hiện sớm nguy cơ gây ung thư. Trong đó có Bệnh viện Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội…

Tại Bệnh viện Bạch Mai với phương pháp xét nghiệm giải trình tự gen thế hệ mới (NGS) có thể phát hiện 161 gen. Trong đó,có một số gen đã được chứng minh là có nguy cơ gây ung thư: TP53, BRCA1, BRCA2, PTEN, APC…

Nếu phát hiện những gen gây nguy cơ ung thư này, người bệnh cần thăm khám định kỳ đều đặn để được phát hiện sớm bệnh. Ngoài ra, bạn cũng nên có lối sống lành mạnh như không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, ăn uống khoa học, thể dục thường xuyên, tiêm phòng vắcxin đầy đủ.

Nhiều người nói là uống thuốc tránh thai có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung, nhưng lại làm tăng nguy cơ ung thư vú. Điều này có đúng không thưa bác sĩ. Cụ thể tăng giảm như thế nào. Xin cảm ơn.

Hoa Nắng, 30 tuổi, Đống Đa, Hà Nôi

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang: 

Tổng hợp 24 nghiên cứu dịch tễ về việc sử dụng thuốc tránh thai viên kết hợp, cho thấy nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung có gia tăng ( trên 5 năm sử dụng so với chưa bao giờ sử dụng: RR = 1.90, 95%CI 1.69- 2.13) . Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu khác, nhóm đối tượng trên đồng thời có thể nhiễm HPV – là loại virut có liên quan đến tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung. Như vậy, theo nghiên cứu này, chưa chứng minh được chắc chắn mối liên hệ giữa việc sử dụng giữa thuốc tránh thai viên kết hợp làm gia tăng tỷ lệ mắc ung thư cổ tử cung.

Thưa bác sĩ, áp xe vú có thể hình thành ung thư ko? Quá trình hình thành sẽ như thế nào ạ?

Nguyên, 30 tuổi, Hà nội

Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa 2, Nguyễn Thị Hương Giang-  phó trưởng khoa nội 2 Bệnh viện K.: 

Xin chào bạn, về bệnh áp xe vú là bệnh lý lành tính của tuyến vú. Tuy nhiên, trong ung thư vú, có dạng ung thư vú thể viêm, có biểu hiện sưng, nóng, đỏ và đau, đôi khi bị nhầm lẫn với áp xe tuyến vú. Với thể bệnh này, diễn biến thường xấu. Vì vậy mọi trường hợp bất thường về tuyến vú cần được khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

https://i-suckhoe.vnecdn.net/2018/10/24/live_interview-1540349626.jpg

Bác sĩ Phạm Cẩm Phương (trái) và bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang tại tòa soạn.

Tôi từng đọc thông tin là ung thư ở trẻ em có khả năng chữa khỏi cao hơn người lớn. Thông tin cụ thể là như thế nào và lý do là tại sao? Xin cảm ơn!

Huyền, 41 tuổi, Hải Dương

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương: 

Đúng vậy, ung thư ở trẻ em có khả năng chữa khỏi cao hơn ở người lớn. Vì ung thư ở trẻ hay gặp u nguồn gốc tế bào mầm nên đáp ứng với hóa chất và xạ trị cao hơn.

Tôi nghe nhiều người nói bị ung thư thì nhịn ăn, tế bào ung thư bị bỏ đói thì khối u có thể giảm kích thước. Điều này có đúng không?

Hà Nga, 18 tuổi, Bắc Giang

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương: 

Về nguyên tắc tế bào ung thư ít được cung cấp dinh dưỡng thì khối u sẽ chậm phát triển. Tuy nhiên, người bệnh không nên nhịn ăn. Bởi lẽ nếu bạn nhịn ăn thì tế bào ung thư vẫn tiếp tục lấy chất dinh dưỡng từ cơ thể nên sẽ suy kiệt và không đủ sức để áp dụng các biện pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị đích, miễn dịch

Chúng ta có thể “bỏ đói” khối u bằng cách sử dụng một số thuốc giảm tăng sinh mạch máu đến nuôi khối u, hoặc nút mạch nuôi khối u, nút mạch hóa chất, xạ trị trong chọn lọc với hạt vi cầu phóng xạ Y-90 (nút mạch bằng vi cầu phóng xạ Y-90). Phương pháp xạ trị trong chọn lọc này đã được áp dụng thường quy tại một số bệnh viện như Bạch Mai, 108, Chợ Rẫy.

https://i-suckhoe.vnecdn.net/2018/10/24/live_interview-1540356104.jpg

Bác sĩ Phạm Cẩm Phương đọc câu hỏi của độc giả.

Tôi là nhân viên văn phòng, thường có thói quen mang cơm đến văn phòng để quay. Nhưng nhiều người nói ăn thức ăn để qua đêm không tốt, dễ sản sinh các chất gây ung thư. Họ nói thế đúng hay sai?

Khánh Phương, 26 tuổi, Thanh Hóa

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang: 

Đây là câu hỏi rất thực tế và thường gặp. Chị em thường chuẩn bị suất ăn từ tối hôm trước, bảo quản trong tủ lạnh và sử dụng vào bữa trưa hôm sau tại văn phòng. Trước tiên xét trên khía cạnh dinh dưỡng, có thể đã không đảm bảo, vì một số loại thực phẩm sau khi nấu chín, mặc dù được bảo quản lạnh vẫn tiếp tục bị lên men và giảm sút hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn. Thêm vào đó, việc sử dụng các hộp nhựa nếu không đảm bảo chất lượng, hoặc không phải hộp chuyên dụng sử dụng trong lò vi sóng cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cách tốt nhất là để thức ăn vào các dụng cụ đảm bảo chất lượng, không nên dùng thức ăn đã nấu quá lâu, nếu duy trì được bếp ăn tại văn phòng là tốt nhất.

Bố tôi bị ung thư thực quản giai đoạn cuối, đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai bác sĩ nói yếu quá không xạ trị hóa trị gì được. Mẹ sụt 10kg vì lo lắng, tôi cũng rất sốc vì chưa làm được gì cho ông cả. Tôi không biết làm thế nào cả, không biết tâm sự với ai cả. Tôi có thể làm gì thưa bác sĩ?

Linh Chi, 18 tuổi, Thanh Hóa

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương: 

Ung thư thực quản giai đoạn 4 là đã có tổn thương di căn xa. Vì vậy chỉ có chỉ định điều trị hóa trị hoặc xạ trị triệu chứng. Tuy nhiên, nếu thể trạng chung quá yếu thì không thể hóa trị, xạ trị được. Với nhóm bệnh nhân này chỉ chăm sóc triệu chứng, nâng cao thể trạng, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch, mở thông dạ dày nuôi dưỡng, giảm đau. Khi thể trạng tốt lên có thể áp dụng các phương pháp điều trị sau.

Bạn cần động viên mẹ và bố để ổn định tinh thần. Đồng thời, bạn nên chủ động gặp bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để nhận tư vấn, từ đó có chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bố và mẹ.

Nếu bố mẹ có tiền sử bệnh ung thư, con cái cần có những lưu ý gì?

Cúc Nguyễn, 25 tuổi, Hà Nội

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương: 

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh ung thư, trong đó có yếu tố di truyền. Với trường hợp gia đình có bố mẹ mắc ung thư thì con cái nên được tầm soát khám định kỳ để nhằm phát hiện sớm bệnh và điều trị hiệu quả.

Ví dụ trong gia đình có người mắc bệnh ung thư vú có mang gen BRCA 1, BRCA 2 thì bạn có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú, buồng trứng với nữ và ung thư tụy, tuyến tiền liệt với nam giới.

Nếu gia đình bạn có người mắc bệnh ung thư đại trực tràng, đặc biệt đa poplyp đại trực tràng thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư đại trực tràng hơn những người khác. Do dó, bạn cần đi khám sức khỏe và nội soi đại tràng định kỳ.

Xin trân trọng cảm ơn quý độc giả đã gửi câu hỏi về chương trình!

Có biểu hiện gì dễ nhận ra trên cơ thể đối với 1 số bệnh ung thư phổ biến?

linhle, 27 tuổi, Thái Bình

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang: 

Một số dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh ung thư cần được quan tâm như

Vết loét trong miệng dai dẳng, khó liền, các mảng màu trắng, màu hồng trong miệng mới xuất hiện, khó biến mất.

Sự thay đổi bất thường trên da, đặc biệt là khác nốt ruồi, mảng sắc tố biến đổi màu sắc, ngứa, chảy máu..

Ho dai dẳng kéo dài, có thể ho khan hoặc ho đờm, ra máu…

Biến đổi bất thường ở vú như đau, chảy dịch đầu vú (dịch trong, hoặc dịch máu) ngoài thời kỳ cho con bú. Các nốt sần “da cam” trên da vú, tụt núm vú (không bao gồm các trường hợp tụt núm vú từ nhỏ), tự sờ thấy khối u ở ngực.

Chảy máu bất thường không rõ nguyên nhân như chảy máu cam, đi ngoài ra máu, tiểu máu, ra máu âm đạo ngoài kỳ kinh, xuất tinh ra máu…

Sút cân không rõ nguyên nhân.

Nổi hạch bất thường.

Rối loạn thói quen đại tiểu tiện: táo bón hoặc tiêu chảy, tiểu khó, tiểu máu, tiểu buốt.

Sốt kéo dài không rõ nguyên nhân.

Đau đầu, ù tai, ngạt mũi, xì máu mũi một bên.

Trên đây là các triệu chứng sớm để cảnh báo bệnh ung thư, tuy nhiên, khi có một trong các biểu hiện trên cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với việc bạn chắc chắn bị ung thư, không nên hoang mang lo lắng thái quá. Bạn đọc nên quan tâm và đi khám bác sĩ chuyên khoa để có lời khuyên thiết thực bổ ích.

https://i-suckhoe.vnecdn.net/2018/10/24/live_interview-1540353582.jpg

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang tại buổi tư vấn trực tuyến.

Có phải các loại ung thư nếu phát hiện sớm (giai đoạn đầu) đều chắc chắn chữa được?

Linh Quỳnh, 23 tuổi, Thái Bình

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương: 

Một số các loại bệnh ung thư nếu được chẩn đoán sớm thì có thể chữa khỏi như ung thư vú, vòm mũi họng, đại trực tràng…

Các loại bệnh ung thư khác nếu được chẩn đoán sớm thì hiệu quả điều trị sẽ cao hơn, chi phí thấp, có thể điều trị bảo tồn, ít ảnh hưởng đến chức năng cơ quan đó và chất lượng sống.

https://i-suckhoe.vnecdn.net/2018/10/24/live_interview-1540354386.jpg

Bác sĩ Phạm Cẩm Phương.

Thưa bác sĩ, muốn kiểm tra để phát hiện bệnh ung thư nhất định phải khám tổng thể hay chỉ cần thử máu, nước tiểu là được?

Quỳnh Lê, 23 tuổi, Nam Định

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương: 

Nếu chỉ thử máu và nước tiểu thì không thể đưa ra kết luận. Để sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được hỏi triệu chứng, tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, được thăm khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm phù hợp.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định xét nghiệm. Ví dụ, qua thăm khám lâm sàng, nghi ngờ các bệnh lý ở tuyến giáp, ung thư tuyến giáp thì bác sĩ sẽ siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm máu, tế bào học… Người có nguy cơ bị ung thư vú cao: béo phì, không lập gia đình, không sinh con, không cho con bú, có bà hoặc mẹ, dì, chị em gái… thì sẽ được thăm khám, chụp Xquang tuyến vú, siêu âm vú…

Hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai đã áp dụng phương pháp sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư gan trên đối tượng nguy cơ cao (người có tiền sử viêm gan B, C, xơ gan…), bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ định siêu âm ổ bụng, xét nghiệm bộ ba AFP, AFP-L3, PIVKA II. Đây là công nghệ mà bệnh viện đã được chuyển giao từ  Nhật Bản. Nhờ vậy, chúng tôi đã phát hiện nhiều trường hợp ung thư gan sớm và điều trị hiệu quả, chi phí thấp.

https://i-suckhoe.vnecdn.net/2018/10/24/live_interview-1540352597.jpg

Bác sĩ Phạm Cẩm Phương đang đọc câu hỏi của độc giả.

Làm thế nào để người mắc bệnh ung thư có tinh thần thoải mái nhất?

Đào Cảnh, 30 tuổi, Lạng Sơn

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương: 

Thực tế, rất nhiều người khi biết mình mắc bệnh ung thư thì xa lánh người thân, tinh thần suy sụp. Điều này là không nên vì đây không phải bệnh lây nhiễm, do vậy bạn nên giữ tinh thần thoải mái, tin tưởng vào các biện pháp điều trị của bác sĩ.

Bên cạnh đó, bạn cần có chế độ ăn uống hợp lý, ngủ đủ giấc để có một thể trạng tốt, không bị gián đoạn điều trị. Để người bệnh có tinh thần thoải mái, người thân cần an ủi, động viên.

Nhân viên y tế cũng cần đồng cảm và chia sẻ với người bệnh, lắng nghe họ, đưa ra những lời khuyên thích hợp. Bác sĩ điều trị cần động viên, tư vấn lựa chọn các phương pháp chữa trị phù hợp với thể trạng người bệnh, loại bệnh, điều kiện kinh tế của gia đình.

Với những bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phòng công tác xã của bệnh viện có thể kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng để hỗ trợ gánh nặng về kinh phí điều trị.

Stress, thức khuya nhiều có bị ung thư không bác sĩ?

Linh Cảnh, 30 tuổi, Lạng Sơn

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang: 

Một nghiên cứu bất ngờ trên nhóm nhân viên thường xuyên làm việc khuya, có sự liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ mắc ung thư vú. Nhưu vậy việc thường xuyên thức khuya có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú là có cơ sở khoa học.

Stress kéo dài có thể dẫn đến các rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày. Việc viêm dạ dày mãn tính kéo dài, dẫn đến biến đổi thất thường lớp biểu mô dạ dày, cũng có thể liên quan đến mắc ung thư dạ dày.

Chú tôi vừa đi khám và bị kết luận là ung thư phổi giai đoạn 2, dù không hề có biểu hiện gì như ho, đờm. Chú cũng không hút thuốc. Cả nhà tôi chưa hiểu tại sao ung thư phổi lại có thể âm thầm tiến triển không có biểu hiện gì. Cơ hội sống của người ở giai đoạn này là bao lâu? Xin cảm ơn

Mot Minh, 25 tuổi, Bình Dương

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang: 

Việc phát hiện sớm ung thư phổi hiện nay vẫn còn là vấn đề nhức nhối, vì bệnh có thể xuất hiện âm thầm, đôi khi không có triệu chứng, phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ. Ung thư phổi chia thành hai nhóm lớn: ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Hai nhóm bệnh này có cách thức điều trị và tiên lượng khác nhau.

Trường hợp của chú bạn chưa có đủ thông tin để bác sĩ trả lời trực tiếp. Tuy nhiên, với ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn I, II có tiên lượng tốt hơn hẳn so với nhóm III, IV. Các yếu tố tiên lượng phụ thuộc vào thể mô bệnh học, việc có di căn hạch vùng hay không, độ biệt hóa của khối u, các dấu ấn sinh học và các bệnh lý đi kèm.Với bệnh ung thư phổi giai đoạn muộn, các phương pháp điều trị hiện đại đã có mặt ở Việt Nam như liệu pháp miễn dịch (nhận giải thưởng Nobel Y học 2018). Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi và một số ung thư khác đã được ứng dụng tại bệnh viện K và một vài bệnh viện lớn trong cả nước. Ngày 18/12/2017, bộ Y tế, Bệnh viện K, Viện ung thư quốc gia đã tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng xạ trị Proton và hạt nặng trong điều trị ung thư”. Khi được ứng dụng phương pháp xạ trị bằng Ion nặng cho phép xạ trị khối u kháng với xạ trị khác như xạ trị Cobalt, xạ trị gia tốc… Tỷ lệ sống thêm sau ba năm của ung thư phổi giai đoạn I và II là 86%. Như vậy, chú bạn nên điều trị bài bản, khám định kỳ đều đặn, và hy vọng vào các phương pháp điều mới đang và sẽ được áp dụng Việt Nam.

https://i-suckhoe.vnecdn.net/2018/10/24/live_interview-1540352553.jpg

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang.

Có nhiều chuyện đã được kể về những người bị ung thư, tiên lượng xấu rồi, bác sĩ cũng bó tay nhưng khi về, dùng nhiều biên pháp thì lại khỏi dần. Xin hỏi các bác sĩ đã bao giờ chứng kiến những trường hợp như thế chưa. Có thể giải thích như thế nào. Xin cảm ơn các bác sĩ.

Hoa Cỏ may, 45 tuổi, Đức Giang, Long Biên

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương – Phó giám đốc trung tâm y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai): 

Chào bạn!

Tại Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi cũng đã từng gặp những bệnh nhân được chẩn đoán ở tuyến dưới là theo dõi ung thư giai đoạn muộn. Tuy nhiên chưa có kết quả sinh thiết khẳng định là ung thư, gia đình và bệnh nhân rất lo lắng, suy sụp. Sau đó chúng tôi đã áp dụng các biện pháp chẩn đoán thì khá nhiều trường hợp rất may mắn là không phải ung thư.

Bản thân tôi cũng đã từng chẩn đoán cho nhiều trường hợp mà trước đó nghi ngờ là ung thư biểu mô tế bào gan – xơ gan – viêm gan B. Trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ ổ bụng cho thấy bờ gan mấp mô không đều, có khối u gan kích thước 10x11cm, giảm tỷ trọng không đồng nhất trước tiêm, sau tiêm ngấm thuốc không đồng nhất ở thì động mạch, thải thuốc ở thì tĩnh mạch, có ít dịch tự do ổ bụng.

Bệnh nhân này sau đó chúng tôi đã tiến hành sinh thiết tổn thương tại gan và làm xét nghiệm máu cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan. Bệnh nhân được chuyển sang khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai và đã điều trị khỏi.

Chúng tôi khuyến cáo người bệnh và gia đình nên đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán xác định và đưa ra hướng điều trị tốt nhất. Tránh tình trạng người bệnh chưa có kết luận chính xác đã suy sụp tinh thần, từ chối các biện pháp can thiệp chẩn đoán và điều trị, trong khi các bệnh có thể là lành tính, ung thư giai đoạn sớm và hoàn toàn có khả năng chữa khỏi.

https://i-suckhoe.vnecdn.net/2018/10/24/live_interview-1540350592.jpg

Bác sĩ Phạm Cẩm Phương.

Ung thư tuyến giáp có chữa khỏi hoàn toàn được không thưa các bác sĩ? Xin cảm ơn.

Trung, 35 tuổi, Quận 3, TP HCM

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương: 

Ung thư tuyến giáp bao gồm loại biệt hóa và không biệt hóa, trong đó ung thư tuyến giáp thể biệt hóa hay gặp (trên 90% trường hợp) bao gồm thể nhú, thể nang, thể hỗn hợp nhú-nang. Đây là bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn được bằng phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, điều trị Iod phóng xạ (I-131) và sử dụng hormone thay thế.

Cháu tôi bị K phổi không tế bào nhỏ, không có khối u mà nằm rải rác theo tuyến. Có phải như vậy không xạ trị được không? Tôi nghĩ K là phải có u chứ?
Ở Bệnh viện muốn khám tầm soát các loại ung thư thì chi phí hết khoản bao nhiêu

nganguyen, 30 tuổi, Vinh phuc

Cảm ơn bác đã đặt câu hỏi. Tuy nhiên, có lẽ thông tin chưa thật đầy đủ. Bác nên gặp trực tiếp bác sĩ điều trị để biết thêm chi tiết.

Bệnh viện K đã có nhiều thay đổi để hướng tới sự hài lòng của người bệnh và góp phần chẩn đoán sớm ung thư. Bệnh viện đã tổ chức khám sớm từ 6 giờ hàng ngày, kể cả ngày thứ 7 và có các gói khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Mọi thông tin chi tiết bạn vui lòng liên hệ với Phòng công tác xã hội theo sốhotline: 0904690818. 

Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam hiện nay là gì?

Thi Thủy, 30 tuổi, Hà Nội

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương: 

Hiện nay, ở Việt nam đã áp dụng được nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư, nhiều kĩ thuật của chúng ta đã ngang tầm khu vực và một số nước trên thế giới như: các xét nghiệm gen EGFR trong mẫu mô, mẫu máu trong bệnh ung thư phổi, xét nghiệm đột biến gen KRAS, NRAS, BRAF trong bệnh ung thư đại trực tràng…; chụp cắt lớp vi tính đa lớp cắt (256 dãy), chụp cộng hưởng từ 1,5- 3.0 Tesla, xét nghiệm hóa mô miễn dịch, chụp PET/CT trong chẩn đoán và mô phỏng lập kế hoạch xạ trị…

Về điều trị, ngoài các biện pháp điều trị cơ bản như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị thì hiện nay biện pháp điều trị đích, miễn dịch cũng đã được triển khai ở một số bệnh viện như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện phổi Trung ương, Chợ Rẫy, Ung bướu TP HCM… Với biện pháp điều trị phẫu thuật, chúng ta cũng đã triển khai phẫu thuật nội soi, phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ.

Với xạ trị chúng ta cũng đã có nhiều hệ thống máy xạ trị mới, tiên tiến nhằm tập trung liều xạ trị cao tại tổ chức ung thư, liều bức xạ thấp tại tổ chức lành xung quanh. Từ đó, đạt hiệu quả điều trị cao, ít biến chứng như xạ trị điều biến liều, điều biến thể tích, xạ trị áp sát xuất liều cao, xạ trị trong chọn lọc với Y-90 trong điều trị ung thư gan, ung thư di căn gan, cấy hạt phóng xạ I-125 trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn sớm

Về hóa trị, chúng ta đã có nhiều thuốc hóa chất thế hệ mới, giúp đem lại hiệu quả điều trị cao, ít tác dụng phụ.

Nhờ các tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị này mà khá nhiều bệnh nhân ung thư đã được kéo dài thời gian sống, mặc dù đã ở giai đoạn muộn. Ví dụ, với bệnh nhân ung thư phổi di căn não, cách đây 15 năm, thời gian sống thêm chỉ khoảng vài tháng đến một năm, thì ngày nay nhờ áp dụng hóa trị, điều trị đích, miễn dịch, xạ trị gia tốc toàn não, xạ phẫu bằng dao gamma quay, tiên lượng bệnh đã tốt hơn rất nhiều, có những bệnh nhân đã đạt sống thêm 7-8 năm.

https://i-suckhoe.vnecdn.net/2018/10/24/live_interview-1540353678.jpg

Bác sĩ Phạm Cẩm Phương.

Thưa bác sĩ, tôi được yêu cầu chụp CT cản quang để chuẩn đoán ung thư phổi nhưng theo tôi đọc một số tài liệu trên mạng là loại chup CT này nguy hiểm đến tính mạng vì có thể bị sốc phản vệ. Việc sinh thiết tôi cũng rất e ngại do sợ lây lan. Bác sĩ vui lòng tư vấn các phương pháp chuẩn đoán thay thế và hiện nay ở Việt Nam, những bệnh viện nào chuyên điều trị ung thư phổi. Xin cảm ơn bác sĩ.

Hoàng, 33 tuổi, Hồ Chí Minh

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang: 

Việc sử dụng thuốc cản quang trong chụp cắt lớp vi tính cần được cân nhắc rất kỹ lưỡng bởi các bác sĩ chuyên khoa. Thuốc cản quang cũng có thể gây dị ứng, tuy nhiên trong những trường hợp cụ thể, bác sĩ chuyên khoa sẽ khai thác kỹ tiền sử dị ứng của bạn, giải thích rõ cho bạn các lợi ích và nguy cơ khi chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang.

Việc chẩn đoán ung thư phổi nhất thiết phải có mô bệnh học. Bác sĩ của bạn sẽ tư vấn cụ thể các biện pháp sinh thiết phù hợp với bạn như sinh thiết u qua nội soi phế quản hoặc sinh thiết xuyên lồng ngực hoặc sinh thiết hạch… Sinh thiết không chỉ đáp ứng việc chẩn đoán xác định bệnh ung thư, mà còn cho các thông tin về loại tế bào, mức độ biệt hóa tế bào, các dấu ấn sinh học… là cơ sở khoa học để bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh.

Bệnh ung thư phổi có thể điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa phổi, các khoa ung bướu tại các bệnh viện một số tỉnh, trung tâm ung bướu… Tại Bệnh viện K, có chuyên khoa điều trị phẫu thuật, xạ trị, nội khoa ung thư phổi. Người bệnh đến Bệnh viện K sẽ được khám, chẩn đoán ung thư phổi, trong trường hợp cần thiết sẽ hội chẩn tiểu ban ung thư phổi- lồng ngực, bao gồm các nhà phẫu thuật, xạ trị, nội khoa ung thư phổi, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, dinh dưỡng… trước khi đưa ra quyết định điều trị.

https://i-suckhoe.vnecdn.net/2018/10/24/live_interview-1540356149.jpg

Bác sĩ Nguyễn Thị Hương Giang.

Nếu thấy bài viết trên có ích, các bạn hãy chia sẻ trên Facebook cho người thân và bạn bè mình biết nhé. Cảm ơn bạn!

Gửi câu hỏi cần giải đáp: