Về cây trôm
Cây trôm (tên khoa học: Sterculia foetida, họ Sterculiaceae) (1) còn có tên là cây cốc (vì quả có hình dạng giống như mõ cốc), cây gạo (ở miền Trung), trôm hôi, trôm thối (vì hoa có mùi hôi)…
Là loài cây gỗ lâu năm, lá hình chân vịt giống như lá gòn. Hoa trôm có đài đỏ, quả trôm to, giống như cái mõ và có hạt màu đen bóng. Vỏ quả trôm có tiềm năng làm thuốc nhuộm tự nhiên. Hạt, vỏ cây, lá và mủ trôm (nhựa trôm) được dùng như một vị thuốc, trong đó mủ trôm là phổ biến nhất.
Cây trôm được trồng chủ yếu để thu hoạch mủ làm nước uống (ngoài ra còn làm mỹ phẩm). Một trong những cách thu hoạch mủ trôm là cạo bỏ lớp vỏ ngoài của thân cây (một đoạn dài khoảng 50 cm) rồi đục các đường rãnh dọc theo thân cây và dùng ni lông quấn bên ngoài để che bụi. Sau 7 ngày thì thu được mủ trôm ở dạng đặc sệt rồi phơi khô khoảng 3, 4 nắng là tốt nhất. Phần vỏ cây sau đó sẽ hồi phục lại và người thu hoạch tiếp tục thực hiện lại các bước như trên.
Công dụng của mủ trôm
Mủ trôm chính là phần nhựa từ cây trôm, nhựa trôm là một dạng chất lỏng đặc sệt giống như thạch, có màu trắng và hơi vàng, khi phơi khô mủ sẽ chuyển sang màu nâu.
Mủ trôm có màu trắng, dạng thạch đặc, trương nở trong nước và được biết đến là một loại nước mát thơm ngon, có giá trị:
“Trưa hè ngồi dưới tán trôm
Uống ly nước mát nhớ hôm sau nhà.
Anh ơi, anh chớ chê ngoa
Bởi khi xa nhớ đó là vị quê” (2)
Bên cạnh công dụng thanh nhiệt, mát gan và điều trị mụn nhọt, mủ trôm còn giúp nhuận tràng và điều hòa đường huyết (3) . Mủ trôm thường được dùng cùng với đường, nước đá và các thức uống giải nhiệt khác như hạt é, hạt chia…
Hoạt tính của lá trôm
- Chiết xuất từ lá trôm qua thí nghiệm trên chuột cho thấy khả năng làm thôi miên, ức chế thần kinh trung ương, đồng thời chống viêm trong phù nề cấp tính do phụ gia thực phẩm gây ra (4) .
- Chiết xuất từ lá trôm cũng được kiểm tra và xác nhận đặc tính kháng khuẩn (ức chế sự phát triển của Tụ cầu vàng gây nhiễm khuẩn và vi khuẩn E. coli gây bệnh đường ruột), kháng nấm, chống nhiễm trùng và gây độc tế bào. (5)
Hoạt tính của hạt trôm
- Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ hạt trôm gây độc tính đối với muỗi vằn, muỗi sốt rét và các tế bào ung thư. Do đó, nó được xem là có tiềm năng điều trị ung thư (6).
- Chiết xuất từ hạt trôm cũng cho thấy hoạt động chống lại các loại mọt như mọt gạo, mọt đậu xanh, mọt bột mì (7) và có tiềm năng hoạt động như thuốc trừ sâu, chống lại ấu trùng của các loài bướm đêm như S. litura, A. janata. (8)
- Ngoài ra, chiết xuất từ hạt trôm còn gây ra sự tan máu nhỏ trong hồng cầu của người (khi so sánh với Triton X – 100, chất tẩy rửa được sử dụng để dung giải các tế bào) (9)
Lưu ý
- Không đun nấu mủ trôm ở nhiệt độ cao vì sẽ làm mất tác dụng của nó và cũng không nên ngâm mủ trôm với nước nóng. Khi ngâm mủ trôm, cần chú ý chờ mủ trương nở hoàn toàn rồi mới sử dụng để tránh tắc ruột.
- Không nên uống mủ trôm cùng lúc với thuốc khác (cách sau ít nhất 1 giờ để tránh ngộ độc thuốc). Phụ nữ có thai và cho con bú, người bị khối u trong ruột hay người bị lạnh bụng cũng không nên dùng. (3)
- Ngoài ra, tuy mủ trôm thanh mát nhưng không nên lạm dụng để tránh bị tiêu chảy và các tác dụng phụ, mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 200ml nước mủ trôm đã ngâm nở (từ khoảng 1 g bột).
- Đối với dầu được làm từ hạt trôm, thí nghiệm trên ruồi cho thấy khi tiêu thụ hàng ngày ở nồng độ cao sẽ làm giảm tuổi thọ (10). Kết quả thí nghiệm trên chuột cũng cho thấy chế độ ăn chứa 3 % dầu trôm trong 16 hoặc 20 tuần gây ra sự chậm trễ khả năng sinh sản (11).
- Mủ trôm có nhiều lợi ích cho sức khỏe tuy vậy giá bán cũng không quá cao, ở bài viết trước chúng tôi có viết (thảo dược có giá bán đến hàng triệu đồng 1kg, được nhiều nơi quảng cáo lấy từ tinh chất mủ của cây anh đào), tuy vậy không phải loại thực phẩm này thực ra cũng được làm từ mủ trôm đã được người Trung Quốc thu mua của ta rồi chế biến, tẩy trắng mà thành(12).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: