1. Đặc điểm cây Huyết dụ
1.1. Mô tả
- Huyết dụ (Folium Cordyline) có cây nhỏ, cao khoảng 1 – 2m. Thân cây mảnh, to bằng ngón tay cái, trên thân mang nhiều vết sẹo của những lá đã rụng.
- Lá mọc tập trung ở ngọn, xếp thành 2 dãy hình lưỡi kiếm. Lá hẹp khoảng 1,2 – 2,4 cm, dài khoảng 20 – 35cm, có màu đỏ tía. Có loại đỏ cả 2 mặt, có loại một mặt đỏ, một mặt xanh.
- Hoa màu trắng pha tím, mọc thành chùy dài ở ngọn thân.
- Quả mọng hình cầu, chứa 1 – 2 hạt.
1.2. Bộ phận dùng
Bộ phận dùng: Lá và rễ.
- Lá: chọn lại lá hai mặt đều đỏ, lấy lúc nào cũng được. Có thể dùng tươi, phơi âm can hoặc sao vàng.
- Rễ: thái nhỏ, sao thơm.
1.3. Nơi sống và thu hái
- Nơi sống: cây trồng làm cảnh, phổ biến ở nhiều nơi.
- Thu hái: thường dùng rễ và lá làm thuốc. Khi trời khô ráo, cắt lá, loại bỏ lá sâu, đem phơi hay sấy nhẹ đến khô, có thể sao vàng. Rễ thu hái quanh năm, phơi khô hoặc sao.
2. Thành phần hóa học
Trong lá Huyết dụ chứa một số thành phần như: đường, phenol, acid amin, athocyan…
3. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu, Huyết dụ có một số tác dụng dược lý:
- Tác dụng kháng viêm và oxy hóa (2003, Cambie RC cùng đồng sự tại Khoa Hóa Đại học Auckland, New Zealand).
- Tác dụng kháng khuẩn đối với Staphylococcus aureus, BacMus_ atithracis, Escherichia coli, Proteus vulgaris, Streptococcus faecalis.
- Tác dụng estrogen yếu.
- Tác dụng chống ung thư dạ dày (5/2013, Liu S và các cộng sự tại Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Trung Ương Xiang Ya, Hồ Nam, Trung Quốc).
- Tác dụng gây độc tế bào ung thư, kháng khuẩn, chống lại vi khuẩn Enterococcus faecalis.
4. Tính vị, quy kinh
Huyết dụ có vị nhạt, hơi đắng, tính bình. Quy kinh Can, Thận.
5. Công dụng của vị thuốc
Huyết dụ là vị thuốc thường chữa những bệnh liên quan đến máu:
- Cầm máu.
- Trị nôn ra máu, ho ra máu, chảy máu, kinh nguyệt ra quá nhiều.
- Kiết lỵ.
- Lậu.
- Xích đới, bạch đới.
- Trĩ.
- Phong thấp, đau nhức xương.
- Vết thương ứ máu.
- Ho ra máu.
6. Một số bài thuốc sử dụng vị thuốc Huyết dụ
6.1. Bài thuốc trị băng huyết (máu chảy nhiều, liên tục)
Lá Huyết dụ sao đen 50g, buồng Cau điếc sao đen (buồng cau không ra quả, bị héo khô) 8g, rễ Cỏ tranh 6g, Cỏ gừng 5g. Sắc nước uống, ngày 2 lần. Khi uống nên nằm nghỉ ngơi.
6.2. Bài thuốc chữa ho ra máu
Lá Huyết dụ sao đen 10g, Trắc bá diệp sao đen 4g, lá Thài lài sao đen 4g, Xạ can 8g. Sắc uống.
6.3. Bài thuốc chữa chảy máu cam và chảy máu dưới da
Trắc bá diệp sao cháy 20g, lá Huyết dụ 30g, Cỏ nhọ nồi 20g. Sắc uống.
6.4. Bài thuốc chữa kiết lỵ
Lá Huyết dụ tươi 20g, Rau má tươi 20g, Cỏ nhọ nồi 12g. Rửa sạch, để ráo rồi giã nát. Lược bỏ xác, lấy nước uống. Uống ngày 2 lần.
6.5. Bài thuốc chữa phong thấp và vết thương ứ máu
Dùng cả lá, rễ, hoa của cây Huyết dụ 30g, Huyết giác 15g. Sắc uống.
6.6. Bài thuốc chữa bệnh trĩ
Dùng 20g lá Huyết dụ tươi, sắc nước uống.
7. Liều lượng
- Đối với lá, rễ khô (dùng làm thuốc sắc hoặc hoàn tán): 8 – 12g/ngày.
- Dùng tươi: 20 – 30g/ngày.
8. Chú ý
Không nên dùng trước khi sinh hoặc sau sinh mà còn sót nhau.
Huyết dụ là một vị thuốc dễ trồng và phổ biến. Tuy nhiên, các bài thuốc chỉ mang tính chất tham khảo, không phải ai dùng cũng sẽ có hiệu quả. Người đọc nên có sự tham khảo từ thầy thuốc nếu muốn sử dụng. Rất mong nhận được sự phản hồi cũng như đồng hành của các bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!
Gửi câu hỏi cần giải đáp: