- Tên khoa học: Borassus flabellifer, thuộc họ Cau: Arecaceae (5).
- Bộ phận dùng: thân, rễ, cuống hoa và đường.
- Tính vị: vị ngọt, tính bình.
- Công dụng chính: điều trị viêm gan, tăng cường sinh lý, nhuận tràng, lợi tiểu, chắc răng, kích thích tiêu hóa.
Đường thốt nốt, ăn một lần là sẽ mắc ghiền!. Thật vậy, nếu có dịp ăn thử, bạn sẽ khó mà quên được những thẻ đường vàng tươi nằm trong lớp lá trắng ngà mà chỉ ngửi thôi thì cái hương thốt nốt cũng đã ngậy lên khó tả. Có thể nói, trong các đặc sản Nam Bộ thì đường thốt nốt là món quà biếu ý nghĩa và được nhiều người mong chờ nhất.
Không chỉ là một món ăn vặt hiếm hoi, đường thốt nốt (được cô đặc từ dịch chiết cây thốt nốt) còn là sản phẩm văn hóa đặc trưng của người Khmer Nam Bộ. Và hơn hết, đây là loại đường mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Về cây thốt nốt
Nói đến cây thốt nốt là phải kể đến hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn của tỉnh An Giang – nơi nổi tiếng với các lò đường thốt nốt truyền thống. Ngoài ra, ở Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh… cũng có trồng loại cây này.
Cây thốt nốt rất chậm lớn (nhất là trong giai đoạn đầu) và thường thì sau 15 năm mới có quả. Chính vì vậy mà người ta thường nói “Cây thốt nốt đời cha trồng, đời con hái”.
Trái thốt nốt thì ngon thật. Nó to gần bằng trái dừa xiêm nhưng tròn trịa hơn và có màu nâu bóng. Tuy nhiên, lớp cơm (cùi quả) thốt nốt thì lại khá khiêm tốn so với lớp vỏ dày của nó. Lúc còn non, cơm thốt nốt trắng trong, mềm và ngọt thanh như cơm dừa nước vậy (nhưng to và thơm ngậy hơn).
Thường thì cơm thốt nốt non được dùng để ăn chơi hay làm nước uống giải nhiệt, vừa mềm lại vừa thơm ngọt, ăn một lần là nhớ mãi (cơm thốt nốt già cũng thơm nhưng cứng, khó ăn nên thường được làm thành bột để nấu chè, làm bánh…).
Cuống hoa thốt nốt có tác dụng gì?
1. Dịch chiết bông mo
Cuống hoa thốt nốt (cuống bông mo) khi bị đứt gãy (hay bị cắt, chích) sẽ có dịch nước trong suốt chảy ra. Nước này chứa rất nhiều đường, giống như nước chiết từ cuống hoa của cây dừa nước vậy.
Được biết, nước chiết này có các công dụng như:
– Uống tươi giúp nhuận tràng, lợi tiểu, điều trị táo bón và háo khát: cắt một đường dài bằng đốt ngón tay ở cuống hoa vào chiều hôm trước, buộc ống nhựa vào đó để hứng nước và đến sáng hôm sau thì lấy uống (có thể lấy được 1 lít nước nhưng chỉ uống khoảng 200 ml – 500 ml nước) (4).
– Lên men thành rượu thốt nốt, rượu này rất thơm, giúp bồi bổ, lợi đờm và tăng cường sinh lý (2) (3).
– Nấu đặc làm đường, gọi là đường thốt nốt.
2. Nước sắc cuống bông mo
Ngoài việc chích, cắt để chiết lấy nước, cuống hoa thốt nốt còn được dùng làm thuốc sắc.
Theo kinh nghiệm dân gian, cuống hoa thốt nốt có tác dụng giải nhiệt, lợi tiểu, hạ sốt, giảm viêm tấy, điều trị sưng lá lách và bệnh sốt rét.
Cách dùng: lấy cuống hoa cắt thành từng miếng mỏng (chừng khoảng 100 g), sau đó nấu trong 600 ml nước, đợi sôi khoảng 15 phút thì chắt lấy nước uống (chia thành nhiều lần uống trong ngày).
Ngoài ra, có thể xổ giun bằng cách lấy cuống hoa thốt nốt hơ nóng rồi xắt nhỏ ra, vắt lấy nước và cho thêm chút đường để uống (uống khoảng 100 ml vào mỗi buổi sáng) (1) (2) (3).
Đường thốt nốt có tác dụng gì?
Đường thốt nốt có màu vàng tươi, ngọt phao và rất thơm. Đặc biệt, ai đã từng dùng qua đường thẻ (đường tán) thì sẽ thấy đường thốt nốt mịn nhuyễn và thơm ngậy hơn rất nhiều lần. Hơn nữa, khi ăn vào, đường thốt nốt không gây cảm giác gắt và nóng trong người như đường thẻ. Với những món như chè đậu xanh hay bánh bò mà dùng đường thốt nốt để tạo ngọt thì chỉ có thể nói là tuyệt vời! Bạn đã nghe đến “bánh bò thốt nốt” nổi tiếng khắp Nam Kỳ chưa nhỉ?
Trước đây cũng như bây giờ, người già và trẻ con ở miền Nam hầu như ai cũng thích ăn đường thốt nốt (mặc dù không có để ăn nhiều). Sau bữa ăn, các cụ thường bẻ một miếng đường để ăn kèm thêm giúp kích thích tiêu hóa (hoặc ăn trước và trong bữa ăn giúp ngon miệng và thèm ăn hơn). Với những đứa trẻ kém ăn thì một muỗng cơm trắng có để lên một miếng đường thốt nốt nhỏ nhỏ sẽ là cách thu hút trẻ ăn cơm dễ nhất.
Ngoài ra, ăn đường thốt nốt còn giúp giải độc (thường là trúng độc mã tiền) (3).
Lưu ý, đường thốt nốt ngon và thơm nhưng không nên ăn nhiều vì sẽ gây nóng trong người và làm nổi mụn.
Công dụng của rễ và thân cây thốt nốt
1. Rễ thốt nốt
Rễ thốt nốt có tính bổ mát và được dùng làm thuốc với các tác dụng như:
- Giải nhiệt, kiện vị.
- Lợi tiểu tiện và điều trị lậu.
- Điều trị viêm dạ dày và nấc cụt.
- Điều trị viêm gan.
Cách dùng: lấy 50 – 60 g rễ thốt nốt, xắt nhỏ và nấu trong 400 ml nước, nấu đến khi nước rút còn một nửa thì chia thành hai lần uống trong ngày (2) (3) (4).
2. Thân cây thốt nốt
Theo kinh nghiệm dân gian, thân cây thốt nốt (cây non) có tác dụng lợi tiểu, điều trị kiết lỵ, vàng da và tiểu tiện khó khăn. Cách dùng thân cây thốt nốt non giống như cách dùng rễ thốt nốt (vừa đề cập trên đây).
Ngoài ra, vỏ cây thốt nốt còn được nấu làm nước súc miệng giúp chắc răng và làm săn se (cho thêm chút muối vào nước sắc và súc miệng) (1) (2) (3).
Thông tin thêm
Cây thốt nốt có tên khoa học là Borassus flabellifer, thuộc họ Cau: Arecaceae (5). Ngoài tên gọi thốt nốt, cây còn được gọi là thốt lốt, dừa đường, thnot (tên Campuchia).
Cây thốt nốt cao to như cây dừa nhưng tán lá tròn xoe, đẹp như lá cọ, vì vậy, cây thường được trồng làm cảnh trong vườn nhà, công viên hay khuôn viên các khu công nghiệp…
Cây thốt nốt có cây đực (có hoa nhưng không có trái) và cây cái. Ở cây thốt nốt cái, nếu cắt cuống lấy nước thì cây sẽ không cho quả nữa.
Với người Khmer Nam Bộ, cây thốt nốt cũng gắn bó thân tình như cây dừa gắn bó với người Kinh vậy. Thân cây thốt nốt làm cột nhà, ghe thuyền; lá thốt nốt dùng để lợp nhà, dựng vách, làm nón…
Trong tiềm thức của ông bà, cha mẹ chúng tôi cũng như của nhiều người dân Tây Nam Bộ khác, hình ảnh những tán lá thốt nốt sầm uất còn là nỗi ám ảnh về một thời đẫm máu do giặc Pôn Pốt tràn qua, giết người bằng những hình thức man rợ nhất (tại những nơi trồng nhiều thốt nốt). Có thể nói rằng, cây thốt nốt đối với chúng tôi không chỉ là một loài cây nông nghiệp mang đậm chất văn hóa mà còn là chứng nhân lịch sử.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: