Ăn khổ qua tốt hay hại?
Thật ra, ăn nhiều khổ qua cũng không tốt nhưng bài trừ khổ qua thì cũng không nên, bởi vì, loại quả này có rất nhiều công dụng quý như giúp sáng mắt, mát tim, nuôi dưỡng can huyết, giải nhiệt, lợi tiểu, hỗ trợ điều trị tiểu đường… Tuy nhiên, nó cũng có độc tính nhẹ (theo báo Tiền phong) (1).
Vì vậy, để có được lợi ích từ loại quả này thì chúng ta cần dùng đúng cách, mỗi tuần chỉ ăn hai hoặc ba lần trở lại là được, và những người sau đây thì không được ăn khổ qua.
Những người không nên ăn khổ qua
Nếu ăn với lượng vừa phải thì thổ qua không có độc nhưng có một số trường hợp không nên ăn loại quả này, đó là:
- Bà bầu: Khổ qua rất mát và có chứa chất gây co thắt tử cung nên dễ gây sảy thai. Ngoài ra, nó cũng không tốt cho sự phát triển của thai nhi.
- Phụ nữ đang cho con bú: Trong khổ qua có chứa một số chất có thể gây hại cho trẻ sơ sinh đang bú mẹ, vì vậy, các bà mẹ sau sinh không nên ăn khổ qua.
- Nam nữ đang muốn sinh con (hoặc mắc chứng vô sinh, hiếm muộn…): Khổ qua có chứa chất làm giảm và chống lại khả năng thụ thai, vì vậy, nếu bạn đang muốn có thai thì không nên ăn và bình thường thì bạn cũng không nên ăn quá 3 lần mỗi tuần.
- Trẻ nhỏ dưới 8 tuổi: Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ còn chưa hoàn thiện, vì vậy, khi ăn khổ qua thì sẽ khó hấp thu và dễ bị tác dụng phụ, thậm chí ngộ độc.
- Người từng bị bệnh về gan và thận (nhất là viêm gan): Mặc dù khổ qua giúp thanh nhiệt rất tốt nhưng nó lại chứa chất làm tăng men gan, gây ảnh hưởng xấu đến gan, ngoài ra còn ảnh hưởng đến thận.
- Người huyết áp thấp, đường huyết thấp: Khổ qua có tác dụng hạ huyết áp và hạ đường huyết, vì vậy, với những người huyết áp thấp hoặc đang bị tụt huyết áp, tụt đường huyết (thường bị xây xẩm buồn nôn khi đứng lên ngồi xuống, lạnh tay chân, mệt mỏi…) thì ăn khổ qua nhiều sẽ làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn. Hiển nhiên, nếu ăn vài miếng thì không sao.
- Người hay lạnh, khó tiêu, tỳ vị thể tạng hàn: Khổ qua có tính hàn nên sẽ làm tình trạng xấu hơn. Nhìn chung, nếu bạn ăn ít thì không sao (nếu vừa khỏi bệnh hoặc đang bị tiêu chảy thì không nên ăn).
- Người bị thiếu enzyme G6PD: Người bị thiếu men này không nên ăn khổ qua vì sau khi ăn sẽ dễ bị sốt, đau bao tử, thiếu máu, hôn mê…
- Người bị thiếu máu tán huyết: Ăn quá nhiều khổ qua có thể dẫn đến thiếu máu và tán huyết, làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
- Người đang dùng thuốc (đặc biệt là thuốc hạ áp, thuốc hạ đường huyết): Nếu ăn khổ qua sẽ dễ xảy ra tình trạng tương tác thuốc, khiến huyết áp và đường huyết tụt đột ngột, gây nguy hiểm cho người dùng. Vì vậy, nếu bạn đang uống 1 loại thuốc nào đó thì nên tránh khổ qua (hoặc hỏi ý kiến bác sĩ xem tình trạng của bạn có ăn khổ qua được không) (2) (3).
Tác hại của khổ qua là gì ?
- Nếu ăn quá nhiều khổ qua hoặc ăn liên tục trong nhiều ngày liên tiếp thì bạn sẽ bị các tác dụng phụ như: nhức đầu, chóng mặt, thiếu máu, đau bụng, tán huyết…
- Khi ăn với lượng vừa phải, khổ qua sẽ an toàn nhưng khi mua, bạn cần lựa chọn khổ qua sạch (vì nếu trái khổ qua ấy được trồng ở nơi bị nhiễm kim loại nặng thì nó cũng sẽ chứa chất độc làm hại cơ thể (cụ thể là gan)) (2) (3).
Lưu ý khi ăn khổ qua
- Không ăn hạt khổ qua: Trong hạt khổ qua có chứa chất độc gây đau thắt bụng, hôn mê và các triệu chứng ngộ độc khác, vì vậy, chúng ta cần loại bỏ hạt trước khi chế biến khổ qua (2).
- Không ăn khổ qua lúc đói: Nếu bạn ăn nhiều khổ qua lúc đói thì hệ tiêu hóa sẽ bị ảnh hưởng xấu, dẫn đến cồn cào, tiêu chảy… (4).
Mỗi ngày ăn bao nhiêu khổ qua là đủ?
Nếu bạn uống nước ép khổ qua thì trong một ngày, bạn chỉ nên uống 10 – 20 ml là đủ. Nếu bạn chế biến thành món ăn thì trong một ngày, mỗi người chỉ nên ăn 2 hoặc 3 trái trở lại là được (lưu ý móc bỏ hạt) (4).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: