Cây hoa hướng dương và cách phân biệt với loài hướng dương dại
Để làm thuốc, cây hoa hướng dương còn gọi là hướng dương quỳ tử, thiên quỳ tử, quỳ tử, quỳ hoa tử. Tên khoa học: Helianthus annuus L. thuộc họ Cúc Asteraceae. Là loài cây thảo sống 1 năm, thân to thẳng có lông cứng, thường có đốm, cao 1-3m. Lá to, thường mọc so le, có cuống dài, phiến lá hình trứng đầu nhọn, phía dưới hình tim, mép có răng cưa, hai mặt đều có lông trắng.
Cụm hoa đầu lớn, đường kính 7-20cm, bao chung hình trứng; Hoa hình lưỡi, ngoài màu vàng ; các hoa lưỡng tính ở giữa màu tím hồng. Cây ra hoa vào mùa đông, mùa xuân, có quả vào tháng 1-2. Hiện được trồng khắp nơi ở nước ta.
Cách phân biệt
Theo sách Từ điển cây thuốc Việt Nam, ở nước ta còn có loài “Hướng dương dại” còn gọi là hoa dã quỳ, cúc quỳ, sơn quỳ. Tên khoa học là Ti thonia diversifolia ( Hemsl.) A. Gray, cùng thuộc họ Cúc. Cây mọc hoang dại ở nhiều nơi, từ đồng bằng tới vùng núi, thường thấy ở dọc ven đường, bãi hoang. Hướng dương dại thường được dùng làm phân xanh, một số nơi lấy lá xát trị ghẻ. Ở Vân Nam (Trung Quốc), lá hướng dương dại dùng trị viêm dạ dày ruột cấp tính và trị mụn nhọt lở (ung sang); còn ở Quảng Tây còn được dùng trị lở ngứa sưng độc (sang dương thũng độc)”.
Theo sách “Bài thuốc hay từ cây thuốc quý”, chỉnh sửa, bổ sung công năng Hướng dương dại là cây có vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, dùng trị viêm dạ dày, ruột cấp tính và trị mụn nhọt sưng lở.
Tác dụng của cây hoa hướng dương
Toàn bộ các bộ phận của cây hướng dương đều được dùng làm thuốc.
Theo thuocnam.mws.vn: Hạt hướng dương có vị ngọt, tính bình, không độc. Tác dụng tư âm bổ hư, tĩnh tâm an thần, dùng trong trường hợp suy nhược thần kinh, chán ăn, đau đầu, đại tiện ra máu, sởi không mọc được. Vỏ hạt hướng dương để chữa ù tai.
Hoa hướng dương có tác dụng trừ phong, sáng mắt; chữa chóng mặt,váng đầu, mặt sưng phù, còn dùng để thúc sinh cho phụ nữ.
Lá có tác dụng tăng cường tiêu hóa và chữa cao huyết áp.
Khay hạt hướng dương (còn gọi là quỳ phòng, hướng nhật quỳ hoa thác, hướng nhật quỳ hoa bàn) có tác dụng chữa đầu đau, hoa mắt, đau răng, đau dạ dày, phụ nữ thống kinh, sưng đau lở loét.
Lõi thân cành (còn gọi là hướng nhật quỳ ngạnh tâm, hướng nhật quỳ kinh tâm) có tác dụng chữa tiểu tiện ra máu, sỏi dường tiết niệu, tiểu khó, tiểu buốt.
Rễ cây hướng dương có tác dụng chữa ngực, sườn và vùng thượng vị đau nhức, thông đại tiểu tiện, chữa đòn ngã chấn thương, mụn nhọt lở loét.
Tất cả các bộ phận của cây hoa hướng dương đều là thuốc quý
Bài thuốc nam hay kinh nghiệm chữa bệnh từ cây hoa hướng dương
1.Chữa ho gà: Lõi thân và cành cây hướng dương 15-30g, giã nát, hãm nước sôi, lọc bỏ bã, thêm đường phèn và uống trong ngày (Theo Giang Tây thảo dược thủ sách).
2. Chữa cao huyết áp: Lá hướng dương khô 30g (lá tươi 60g), thổ ngưu tất 30g, sắc nước uống thay trà trong ngày (Theo Giang Tây thảo dược thủ sách).
3. Chữa mắt kém, thị lực giảm: Hạt hướng dương luộc với trứng gà, ăn trứng gà và uống nước thuốc.(Theo Giang Tây thảo dược thủ sách).
4. Chữa ù tai: Vỏ hạt hướng dương 15g, sắc nước uống thay trà trong ngày (Theo Dân gian thường dụng thảo dược hối biên).
5. Chữa thượng vị đau tức do ăn không tiêu: Rễ cây hoa hướng dương, hạt mùi, tiểu hồi hương ; mỗi vị 10g, sắc nước uống (Theo Tứ Xuyên trung dược chí).
6. Chữa đau dạ dày, đau bụng: Khay hạt hướng dương 1 cái, dạ dày lợn 1 cái, nấu canh ăn (Theo Giang Tây thảo dược thủ sách).
7. Chữa kiết lỵ đại tiện xuất huyết: Hạt hướng dương (đã bóc vỏ) 30g, hãm nước sôi trong 1 tiếng, pha thêm chút đường phèn uống trong ngày (Theo Phúc Kiến dân gian thảo dược ).
8. Chữa đại tiện không thông: Rễ cây hoa hướng dương, giã nát, vắt lấy nước cốt, hòa thêm chút mật ong uống; mỗi lần uống 15-30g, ngày uống 2-3 lần (Theo Tuyền Châu bản thảo).
9. Chữa tiểu nhỏ giọt, dương vật đau buốt: Rễ cây hoa hướng dương tươi 30g sắc với nước uống. Chú ý: Chỉ đun sôi một vài phút, không nấu quá lâu sẽ mất tác dụng. Hoặc dùng lõi thân và cành cây hướng dương 15g, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, dùng liên tục trong nhiều ngày (Theo Giang Tây thảo dược thủ sách).
10. Chữa sản khí – tinh hoàn sưng đau: Rễ cây hoa hướng dương 30g, sắc với đường đỏ uống (Theo Giang Tây thảo dược thủ sách).
11. Chữa sỏi thận, sỏi đường tiết niệu: Lõi thân cành cây hướng dương một đoạn khoảng 1 mét, cắt ngắn, sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, dùng liên tục trong một tuần ( Theo Tô Y Trung thảo dược thủ sách).
12. Chữa tiểu dưỡng chấp: Dùng lõi thân và cành cây hướng dương một đoạn khoảng 60cm, rễ rau cần cạn 60g, sắc nước uống mỗi ngày 1 tháng, dùng liên tục trong nhiều ngày (Theo Tô Y Trung thảo dược thủ sách).
13. Chữa phì đại tuyến tiền liệt (dạng nhiệt tích ở hạ tiêu): Khay hạt hướng dương 1 cái, mật ong lượng thích hợp. Khay hạt thái nhỏ, sắc hai nước, trộn nước đầu và nước hai, thêm mật ong vào cho đủ ngọt. Uống thay trà trong ngày (Theo Thực vật dược dụng chỉ nam).
14. Chữa phụ nữ trước hoặc trong lúc hành kinh bụng dưới đau tức: Khay hạt hướng dương 30-60g, sắc lấy nước, hòa thêm đường đỏ uống trong ngày (Theo Giang Tây thảo dược thủ sách).
15. Chữa viêm tuyến vú: Hướng dương, bỏ hết hạt, thái nhỏ, sao vàng, tán thành bột mịn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 9 –15g, hòa với rượu hoặc nước sôi, khi uống lần thứ nhất ra mồ hôi mới có kết quả (Theo Trung dược đại từ điển).
16. Chữa ung nhọt sưng tấy, lở loét: Khay hạt hướng dương thiêu tồn tính, nghiền thành bột mịn, hòa với dầu vùng bôi vào chỗ bị bệnh (Theo Giang Tây thảo dược thủ sách).
17. Ngoại thương xuất huyết: Lõi thân và cành cây hướng dương giã nát, đắp vào chỗ chảy máu (Theo Trung thảo dược tân y liệu pháp tư liệu tuyển biên).
18. Chữa đau răng: Khay hạt hướng dương, rễ câu kỷ tử ; mỗi thứ 10-15g, luộc với trứng gà, ăn trứng gà và uống nước thuốc (Theo Giang Tây thảo dược thủ sách).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: