1. Đặc điểm của vị thuốc sơn tra
Sơn tra, tên khác còn gọi là hồng quả, sơn lý hồng, là quả chín, khô của cây sơn tra. Dược liệu sơn tra miếng gọi là “bắc sơn tra”, sơn tra dại gọi là “nam sơn tra”.
1.1 Bắc sơn tra
Bắc sơn tra là những miếng cắt ngang, hình tròn, mép thường cong lên, nhăn chun không phẳng. Vỏ ngoài màu đỏ, có vân nhăn nhỏ và các chấm nhỏ màu trắng. Cùi quả màu vàng sẫm hoặc màu nâu nhạt.
Ở mặt cắt ngang có từ 3 đến 5 hạt màu vàng nhạt, có miếng hạt đã bong ra, để lại những lỗ tròn nhỏ, rỗng, có miếng còn thấy rõ ngấn cuống quả ngắn mà nhỏ, hoặc dấu vết của đài hoa lõm sâu vào. Bắc sơn tra có mùi thơm mát, vị chua hơi ngọt, nếu miếng to, vỏ đỏ, cùi dày hạt nhỏ là loại tốt
1.2 Nam sơn tra
Nam sơn tra quả tương đối nhỏ, trông giống hình cầu, đường kính 0,8cm – 1,4cm, có quả đã ép bẹt ra như cái bánh, thường có hạt lòi ra. Bề mặt màu nâu đến nâu đỏ có vân nhỏ và những chấm nhỏ máu trắng xám, chất rắn hạt to, cùi mỏng, màu đỏ nâu. Mùi nhẹ, vị chua, hơi chát. Nam sơn tra cứ quả đều, màu be gụ, chất rắn là loại tốt.
Vị thuốc sơn tra được đưa vào sử dụng làm thuốc
2. Công dụng của sơn tra
Theo các nhà nghiên cứu hiện đại, sơn tra có hàm chứa các chất đường, acid hữu cơ, vitamin C… Có tác dụng:
- Giãn mạch máu, tăng cường lưu lượng máu trong động mạch cơ tim, hạ huyết áp, trợ tim, co tử cung…
- Tăng cường men tiêu hoá trong dịch vị trợ giúp cho quá trình tiêu hoá.
- Đối với các loại bệnh kiết lị và trực khuẩn mủ xanh có tác dụng ức chế rất rõ rệt.
Theo thuocnam.mws.vn, sơn tra tính hơi ôn, vị chua, ngọt lợi về các kinh tì, thận, can. Có công hiệu tiêu cơm, làm tan máu tụ… công dụng của sơn tra tùy thuộc vào phương thức bào chế.
– Sinh sơn tra (quả tươi bỏ hạt, thái mỏng, sấy khô), có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, tiêu thực rất mạnh, thường dùng để chữa bế kinh do huyết ứ, đau bụng do ứ trệ sau khi sinh nở, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh lý động mạch vành…
– Sơn tra sao (dùng lửa vừa phải sao cho đến khi dược liệu chuyển màu sẫm hơn), vị chua giảm bớt, có tác dụng hòa vị, tiêu thực hóa tích, thường dùng để chữa trị rối loạn tiêu hóa, thức ăn đình trệ chậm tiêu.
– Tiêu sơn tra (dùng lửa vừa phải sao cho đến khi mặt ngoài dược liệu chuyển màu đen, bên trong có màu vàng thẫm), vị chua giảm nhiều, có thêm vị đắng, có tác dụng tiêu thực chỉ tả khá mạnh, thường dùng để chữa đi lỏng do thương thực.
– Sơn tra thán (dùng lửa mạnh sao cháy đen cả trong và ngoài), vị đắng sáp, có công dụng thu sáp, chỉ tả và chỉ huyết khá mạnh, thường dùng để trị đi lỏng do tỳ hư thực trệ, ly trực khuẩn, xuất huyết dạ dày ruột…
Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu tác dụng dược lý và kế thừa kinh nghiệm của người xưa, trong lâm sàng người ta sử dụng sơn tra để điều trị khá nhiều bệnh như rối loạn lipid máu, vữa xơ động mạch, tăng huyết áp, cơn đau thắt ngục, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, bệnh tiểu đường…
Trước đây, sơn tra hoàn toàn nhập từ nước ngoài, nhưng nhiều năm gần đây ta đã dùng quả của cây chua chát (Malus doumeri (Bois) Chev, hay Docynia doumeri (Bois) Schneid) và cây táo mèo (Docynia india Mall) Dec.) để thay thế. Và những quả này và cũng được xuất khẩu với tên sơn tra, tuy nhiên do nguồn gốc khác nhau nên rất cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và khoa học.
Trà ngân hoa, sơn tra, cúc hoa hạ huyết áp, phòng ngừa mỡ máu cao
3. Bài thuốc nam hay chữa bệnh từ quả sơn tra
1. Trị rối loạn tiêu hóa: Sơn tra rang cháy 10g, đường đỏ vừa phải. Sắc uống.
2. Hạ huyết áp: Sơn tra 6g, đường phèn vừa phải. Sắc uống.
Hoặc: Ngân hoa 10g, sơn tra 10g, cúc hoa 10g. Sắc lấy nước uống thay trà. Dùng cho người béo phì, mỡ máu cao, cao huyết áp.
3. Trị thống kinh: Sơn tra 30g, gạo lức 60g, đường cát 10g. Sơn tra sắc lấy nước đặc, bỏ bã cho gạo lức, đường cát vào nấu cháo. Dùng cho phụ nữ bị thống kinh.
4. Chữa tắc kinh: Sơn tra 9g, vỏ trong mề gà 9g. Nghiền chung thành bột. Uống ngày 2 lần, sớm, tối, mỗi lần 9g. Uống liên tục. Chữa phụ nữ bị tắc kinh.
5. Thuốc bổ: Sơn tra 500g, mật ong 500g. Sơn tra rửa sạch, bỏ hạt, thái miếng mỏng, cho nước vừa phải nấu nhừ thành hồ, cho mật ong vào luyện thành cao. Uống ngày 3 lần, mỗi lần nửa thìa. Công dụng kiện tỳ tiêu thực. Dùng cho trẻ em bị cam tích, gầy yếu.
6. Trà sơn tra, mầm lúa mạch: Sơn tra 10g, mầm lúa mạch rang 10g. Ủ nước sôi, uống nhiều lần thay trà. Dùng cho người bị bệnh phát ban, trẻ em bị bệnh mới khỏi, tiêu hoá kém.
7. Trị đau bụng sau sinh – Cao sơn tra ích mẫu: Cỏ ích mẫu 50g, sơn tra 50g, đường đỏ 100g. Sơn tra, ích mẫu sắc chung, lấy nước khoảng 400 ml, cho đường đỏ vào đánh đều, cô đặc lại làm cao. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 20ml. Dùng cho phụ nữ sau sinh luôn bị đau bụng.
8. Trà sơn tra, câu kỷ tử: Câu kỷ tử 15g, sơn tra 15g. Hãm nước sôi 30 phút, uống nhiều thay trà. Dùng cho người bị teo não có tính kế phát.
9. Bài thuốc sơn tra tiêu thực: Sơn tra 20g, bạch truật 20g, thần khúc 10g. Sắc 2 nước, trộn đều, uống ngày 1 thang chia 2 lần. Dùng cho người ăn không tiêu, đầy bụng, đau bụng, ấm ách.
10. Nước hãm cúc sơn thảo: Cúc hoa 3g, sơn tra 5 miếng, thảo quyết minh 15g. Bỏ cả 3 vị thuốc vào cốc giữ nhiệt, rót nước sôi, hãm 30 phút, làm trà, uống nhiều lần trong ngày. Công dụng sơ phong giải độc, thanh can sáng mắt, hạ huyết áp, tiêu cơm, dùng cho người bị cao huyết áp và bệnh cơ tim.
11. Bài thuốc kiết lị: Sơn tra nhục 50g. Nghiền thành bột mịn, ngày uống ba lần, mỗi lần từ 3 – 5g, uống lúc đói. Dùng cho người bị kiết lị, đau bụng.
12. Thang thuốc quế chi sơn tra đường đỏ: Quế chi 5g, sơn tra 15g, đường đỏ 30g. Quế chi, sơn tra sắc 2 nước, trộn lẫn, cho đường vào lại tiếp tục đun sôi 1 lát, uống nóng; ngày 1 thang chia 2 lần. Bài thuốc này có thể ôn kinh thông mạch, làm tan máu tụ, giảm đau, dùng cho người thống kinh.
13. Phương thuốc sơn tra, ngũ vị tử: Sơn tra, ngũ vị tử (lượng bằng nhau), nghiền chung thành bột. Uống ngày 3 lần, mỗi lần 3g, 10 ngày là 1 liệu trình. Dùng cho người viêm gan cấp tính, viêm gan mạn tính kéo dài.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: