Sắn dây là dược liệu được dùng phổ biến trong điều trị rắn cắn, giải rượu, sốt, đau nhức vai gáy, tiểu đường… Cả phần lá và củ của loại dược liệu này đều có giá trị chữa bệnh và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
- Tên khác: phấn cát căn, bạch cát, cát căn
- Tên khoa học: Pueraria thomsonii Benth
- Họ: đậu (Fabaceae)
Mô tả dược liệu sắn dây
1. Đặc điểm thực vật
Sắn dây là một loại cây thân leo, chiều dài của thân cây có thể lên tới cả 10m. Phần thân cành ở phía ngoài hơi có lông. Lá của cây là lá kép và mọc so le nhau bao gồm 3 lá chét. Lác chét có hình trứng rộng, mép nguyên hay chia thùy với đầu nhọn dài khoảng 7 – 15cm, rộng khoảng 5 – 12cm.
Cụm hoa mọc ở vị trí kẽ lá thành từng chùm dài khoảng 15 – 30cm. Hoa thường có màu xanh lơ hay xanh tím, mùi thơm dịu. Đài hoa hình chuông và có lông áp sát màu vàng. Quả đậu, dẹt, dài tầm 8cm, thắt lại giữa các hạt và có nhiều lông màu vàng nâu.
2. Bộ phận dùng
Toàn cây sắn dây, bao gồm cả rễ, củ, thân, lá và hoa đều được sử dụng để làm dược liệu chữa bệnh.
3. Phân bố
Loại dược liệu này mọc ở rất nhiều nơi, có thể là mọc hoang hay được trồng. Ở Việt Nam, chúng thường mọc hoang phổ biến ở vùng rừng múi phía Bắc, đồng thời được trồng ở rất nhiều nơi khác.
4. Thu hái và sơ chế
Sắn dây thường được thu hoạch vào mùa đông, khoảng từ tháng 12 tới tháng 2 của năm tiếp theo, khi mà thời tiết khô ráo.
Đầu tiên, sẽ đào lấy củ và rửa sạch đất cát sau đó cạo sạch phần vỏ lụa bên ngoài. Tiếp đến cắt thành từng đoạn, có thể để nguyên hay bổ đôi theo chiều dọc nếu củ quá to. Đem đi phơi hoặc sấy khô, và cuối cùng có thể nghiền thành bột mịn.
5. Bảo quản
Củ sắn dây khô hay bột sắn dây đều phải được bảo quản trong túi kín và cất ở những vị trí khô ráo, thông thoáng để tránh nấm mốc cũng như mối mọt.
6. Thành phần hóa học
Phần củ có một số thành phần hóa học sau: Các dẫn chất isoflavon, formononetin, dẫn chất coumestan, isoflavon dime kudzuisoflavon, các glucosid loại olean triterpen, các sapogenin…
Phần hoa có saponin triterpenic, glucosyl tryptophan PF-P…
Phần lá lại có chứa rất nhiều các acid amin, điển hình nhất là asparagin.
Vị thuốc sắn dây
1. Tính vị
- Theo Bản Kinh: vị ngọt, tính bình.
- Theo Bản Thảo Cương Mục: Vị ngọt cay, không độc, tính bình.
- Theo Trung Dược Học: Vị ngọt cay, tính mát.
- Theo Trung Quốc Dương Học Đại Từ Điển: Vị hơi ngọt, tính bình.
- Theo Đông Dược Học Thiết Yếu: Vị cay ngọt, tính bình.
2. Quy kinh
- Theo Bản Thảo Tân Biên: Quy vài kinh Vị, Phế.
- Theo Bản Thảo Cầu Chân và Trung Dược Đại Từ Điển: Quy vào kinh Tỳ, Vị.
- Theo Yếu Dược Phân Tế: Quy vào kinh Vị, Tỳ, Bàng Quang.
- Theo Đông Dược Học Thiết Yếu: Quy vào kinh Vị, Bàng quang.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
- Nâng cao sức đề kháng, đồng thời tăng đề kháng với các loại virus đường hô hấp.
- Giải độc cơ thể, bảo vệ tế bào gan.
- Điều hòa nhịp tim, lipid máu, huyết áp.
- Chống lão hóa.
- Giảm đau đầu hay đau nhức cổ vai gáy.
Theo y học cổ truyền:
- Tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
- Thông tiểu, tăng tiết mồ hôi.
- Giải rượu, sinh tân dịch.
- Thăng dương chỉ tả.
Từ rất lâu đời, loại dược liệu này đã được sử dụng trong điều trị rất nhiều bệnh lý. Điển hình như các chứng bệnh ù tai, sởi, mỏi vai gáy, cao huyết áp, sốt, trĩ xuất huyết, tiểu đường…
4. Cách dùng – liều lượng
Tùy thuộc vào bộ phận sử dụng mà sẽ có cách dùng khác nhau:
- Đối với phần củ: Có thể chế biến thành bột rồi khuấy với nước để uống. Hoặc dùng tươi để nấu nước uống. Hay cũng có thể kết hợp với các vị thuốc khác.
- Phần lá: Thường được sử dụng tươi bằng cách giã nát.
- Phần hoa: Cũng thường dùng tươi, giã nát hay nấu nước uống.
Về liều lượng, thường được giới hạn trong khoảng từ 4 – 40g/ngày. Không nên quá lạm dụng bởi có thể sẽ gây ra các vấn đề ngoài ý muốn.
Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu sắn dây
Sau đây là một số bài thuốc có sự góp mặt của dược liệu sắn dây:
1. Điều trị cảm mạo, đau mắt, khô mũi, lạnh ít nóng nhiều
- Chuẩn bị: 8g sắn dây, 4g sài hồ, 4g khương hoạt, 4g bạch chỉ, 4g thược dược, 4g hoàng liên, 2g cát cánh, 2g cam thảo, 3 lát sinh khương, 2 trái đại táo, 8g thạch cao.
- Thực hiện: Các nguyên liệu đem sắc chung với nước lọc trên lửa nhỏ. Mỗi ngày chỉ uống đúng 1 thang thuốc.
2. Trị sở mới phát hay chưa mọc ra hết
- Chuẩn bị: 12g sắn dây, 12g kinh giới, 12g ngưu bàng tử, 16g liên kiều, 8g uất hương, 4g thuyền thoái, 4g cam thảo, 8g cát cánh.
- Thực hiện: Các nguyên liệu trên cho vào nồi sắc cùng với khoảng 1 lít nước đến khi còn 300ml thì tắt bếp. Dùng đúng 1 thang thuốc/ngày.
3. Điều trị viêm ruột cấp tính có sốt, lỵ
- Chuẩn bị: 12g sắn dây, 4g hoàng liên, 12g hoàng cầm.
- Thực hiện: Cho các dược liệu vào ấm rồi đổ thêm vào 500ml nước. Tiến hành sắc trên lửa nhỏ trong khoảng 10 phút rồi uống trực tiếp. Sử dụng đúng 1 thang thuốc mỗi ngày.
4. Trị sốt nhẹ kèm khát nước
- Chuẩn bị: 12g sắn dây, 8g tri mẫu, 20g sinh thạch cao, 8g cam thảo.
- Thực hiện: Dược liệu đã chuẩn bị cho vào ấm sắc cùng với 600ml nước lọc. Đun trên lửa nhỏ đến khi nước trong ấm còn khoảng 300ml thì tắt bếp. Uống khi nước thuốc còn ấm.
5. Chữa gáy lưng co quắp ở trẻ nhỏ
- Chuẩn bị: 8g sắn dây, 4g kim ngân hoa, 8g thạch cao, 4g hoàng cầm, 4g bạch thược, 2,8g hoàng liên, 2g cam thảo, 2 con ngô công, 2 con toàn yết.
- Thực hiện: Cho nguyên liệu vào nồi rồi sắc với nước lọc trong khoảng 15 phút trên lửa nhỏ. Mỗi ngày chỉ uống đúng 1 thang thuốc nêu trên.
6. Trị sốt, khát, khô môi, đại tiện bí kết và đau thượng vị
- Chuẩn bị: 40g sắn dây tươi, 40g mạch môn, 40g cỏ nhọ nồi, 20g lá tre.
- Thực hiện: Các dược liệu đã chuẩn bị đem cho vào ấm sắc chung với nước lọc trên lửa nhỏ. Mỗi ngày chỉ sắc uống duy nhất 1 thang thuốc.
7. Bài thuốc chữa cảm cúm kèm đau đầu và sốt
- Chuẩn bị: 12g sắn dây, 8g sài hồ, 4g cam thảo, 6g bạch thược, 8g thạch cao, 4g đại táo, 4g cát cánh, 4g hoàng cầm, 4g bạch chỉ và 4g khương hoạt.
- Thực hiện: Các nguyên liệu trên đem trộn đều và cho vào ấm sắc để uống trong ngày. Dùng chỉ 1 thang thuốc/ngày.
8. Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường
- Chuẩn bị: 30g sắn dây ở dạng thái phiến phơi khô và 50g gạo lứt.
- Thực hiện: Nguyên liệu đã chuẩn bị đem nấu thành cháo loãng. Chia làm 2 lần ăn/ngày, nên ăn khi cháo còn ấm. Có thể dùng để thay thế cho cơm trắng trong khẩu phần ăn.
9. Điều trị đau đầu, đau mỏi vai gáy, tăng huyết áp và nhiệt miệng
- Chuẩn bị: Sắn dây cùng cao đằng với liều lượng ngang bằng nhau.
- Thực hiện: Các nguyên liệu đem thái nhỏ rồi sấy hoặc phơi khô và tán thành bột mịn, sau đó trộn đều. Mỗi ngày lấy 30g bột thuốc hãm với nước sôi và uống khi nước thuốc còn ấm.
10. Trị khô mũi, nhức đầu, tiểu vàng, ho hen và nóng ngực
- Chuẩn bị: 8g sắn dây, 4g cam thảo, 4g bạch thược, 6g đại táo, 5g ma hoang.
- Thực hiện: Các nguyên liệu trên cho vào ấm sắc với 1 lít nước ở trên lửa nhỏ. Chú ý tắt bếp ngay khi nước rút còn phân nửa. Mỗi ngày chỉ sắc uống 1 thang thuốc.
11. Bài thuốc hỗ trợ tim mạch
- Chuẩn bị: 200g sắn dây, 180g đan sâm, 90g bạch linh và 40g cam thảo.
- Thực hiện: Các nguyên liệu đem đi thái nhỏ sau đó sấy hay phơi khô rồi tán thành bột mịn và trộn đều. Mỗi ngày lấy dùng khoảng từ 30 – 40g thuốc bột. Đem hãm với nước nóng và uống khi thuốc vừa đủ độ ấm.
12. Bài thuốc trị rắn cắn
- Chuẩn bị: 1 nắm lá sắn dây tươi.
- Thực hiện: Rửa sạch lá và giã nát, sau đó vắt lấy nước để uống. Bã lá sẵn dây cần tận dụng để đắp trực tiếp lên vết rắn cắn.
13. Trị chảy máu cam
- Chuẩn bị: 1 ít củ sắn dây tươi.
- Thực hiện: Dã nát nguyên liệu rồi đắp trực tiếp lên mũi khi bị chảy máu cam. Nếu tình trạng này kích hoạt thường xuyên thì có thể giã củ sắn dây rồi vắt lấy nước cốt để uống.
14. Bài thuốc bồi bổ cơ thể
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị bột sắn dây, thịt nạc, tôm sông mỗi thứ khoảng 100g. Tôm đem rửa sạch, bóc vỏ, bỏ chỉ đen rồi xào chín sơ. Thịt nạc cũng rửa sạch, luộc chín và xé sợi. Cho bột sắn dây vào nước canh thịt rồi khuấy đều tay cho đến khi bột trong sánh. Tiếp đến cho tôm thịt vào nêm gia vị và nấu sôi. Chú ý ăn khi món ăn còn ấm nóng.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị củ sắn dây tươi, cà rốt và xương lợn mỗi thứ 150g. Cà rốt và sắn dây đem cạo vỏ, rửa sạch và cắt miếng vừa ăn. Xương heo rửa sạch, chặt nhỏ. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi ninh nhừ rồi nêm gia vị vừa miệng và ăn khi còn ấm.
15. Bài thuốc giải rượu, thanh nhiệt
- Chuẩn bị: 1 nắm hoa sắn dây phơi khô.
- Thực hiện: Dùng nguyên liệu đã chuẩn bị nấu sôi với 250 ml nước và uống khi còn ấm. Ngoài ra có thể dùng bột sắn dây để pha với nước nguội và vắt với lát chanh để uống.
Những lưu ý khi sử dụng sắn dây để chữa bệnh
Để đảm bảo tính an toàn cho sức khỏe, nên chú ý đến một số vấn đề kiêng kỵ khi sử dụng sắn dây như sau:
- Dùng sắn dây vượt liều lượng cho phép có thể gây chứng tiêu chảy. Chính vì thế tránh lạm dụng dược liệu này trong bất cứ trường hợp nào.
- Không dùng trong trường hợp bị hàn thấp khí mức độ nặng.
- Khi cơ thể đang lạnh thì không nên uống nước sắn dây, nhất là ở trường hợp phụ nữ mang thai.
Sắn dây mặc dù có tác dụng trị bệnh nhưng tác dụng thường chậm và phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn trước khi điều trị bệnh với dược liệu này. Điều này không chỉ đảm bảo tính an toàn mà còn giúp nhận được kết quả tốt nhất.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: