Cây phòng phong thảo (防风草) là cây thuốc chuyên điều trị cảm mạo, nôn mửa, khó tiêu và nhiều bệnh khác. Tuy nhiên, tên gọi của nó hay bị nhầm với các thảo dược khác, cụ thể như:
- Cây phòng phong thảo trong bài viết này (có tên khoa học là Anisomeles indica) còn được gọi là thổ hoắc hương và khác với cây hoắc hương có tên khoa học Pogostemon cablin (mặc dù cây hoắc hương đôi khi cũng được gọi là thổ hoắc hương) (2).
- Cây phòng phong thảo khác với cây phòng phong (có tên khoa học là Ledebouriella seseloides) (3).
- Cây cũng được gọi là thiến thảo nhưng khác với một cây thuốc khác cũng được gọi là thiến thảo (cây Rubia cordifolia) (3).
Vài nét về phòng phong thảo (thổ hoắc hương)
Phòng phong thảo (thổ hoắc hương) có thân và lá gần giống với cây hoắc hương. Thân cây thường cao dưới 1,2 m; tiết diện vuông và có rãnh dọc, có lông. Lá của cây có lông mềm ở cả hai mặt và mép lá có hình răng cưa.
Hoa của cây cũng có màu tím như hoa hoắc hương (có khi có màu hồng), mọc thành cụm và mọc sát nhau.
Ở nước ta, cây mọc rải rác từ Bắc tới Nam (miền Bắc thì thường thấy ở Sơn La, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Nam…; miền Nam thì thường thấy ở Đồng Nai, TP HCM, An Giang…) (5).
Công dụng làm thuốc của cây phòng phong thảo
Bộ phận dùng làm thuốc: Toàn cây đều có chứa tinh dầu thơm và khi dùng làm thuốc thì có thể dùng toàn cây (nhưng thường là thân, lá), dùng tươi hay dùng khô đều được. Được biết, nếu ta thu hái vào mùa hè thu thì cây sẽ cho dược tính tốt hơn.
Theo thuocnam.mws.vn, vị thuốc này có vị cay, đắng và tính hơi ấm. Công dụng chủ đạo của phòng phong thảo thường được nhắc đến là:
Liều lượng: mỗi ngày, lấy từ 9 -15 g (hoặc từ 3 – 5 chỉ), nấu lấy nước uống (liều lượng tham khảo theo cách dùng ở Trung Quốc) (6) (7).
Riêng với trường hợp cảm phong thấp, đau bụng, buồn nôn, cảm cúm hay phát sốt gai rét mà không ra mồ hôi được… , ta có thể lấy từ 30 g đến 40 g cành lá phòng phong thảo (tươi), đem nấu lấy nước rồi xông hơi.
Ngoài ra, khi bị mẩn ngứa ngoài da hay bị chàm (eczema), bạn cũng có thể lấy từ 40 g đến 60 g thân lá cây phòng phong thảo (tươi), đem nấu lên để xông hơi và đợi nước nguội thì chắt ra một chén uống, phần còn lại dùng rửa ngoài da (5).
Các bài thuốc thường dùng
1. Điều trị phong thấp, đau nhức mình mẩy
- Chuẩn bị: phòng phong thảo (thân cây và cành lá, 30 g phơi khô) và dây đau xương (30 g).
- Thực hiện: nấu lấy nước uống trong ngày (5).
2. Điều trị khó tiêu, đau bụng, đi ngoài phân sống
- Chuẩn bị: phòng phong thảo (20 g) và củ nghệ đen (thái lát, 8 g).
- Thực hiện: nấu lấy nước uống trong ngày (5).
Các nghiên cứu về phòng phong thảo
- Tác dụng chống lại sự hình thành hắc tố: Theo tạp chí International Journal of Molecular Sciences, chiết xuất methanol từ cây phòng phong thảo có hoạt chất giúp chống oxy hóa và ức chế sự hình thành hắc tố ở tế bào B16F10. Chính vì vậy, cây này được xem là có tiềm năng trở thành nguyên liệu bào chế các sản phẩm chăm sóc và làm trắng da (8).
- Tác dụng giảm đau và giảm lo âu: Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất metanol từ cây phòng phong thảo có tiềm năng làm thuốc giảm lo âu, giảm cảm giác đau đớn (làm dịu) cũng như hạn chế những bất thường về thần kinh (9).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: