1. Mô tả
- Cây thảo, cao 30 – 40cm. Thân hình trụ, phân cành từ gốc, phần ngọn có 4 cánh. Cành mọc toả ngang hay đứng thẳng. Lá mọc đối, hình mác thuôn, dài khoảng 2cm, rộng 7mm, không cuống, gốc gần như ôm thân, nguyên hoặc có răng cưa tròn, gân lá rõ.
- Cụm hoa mọc ở đầu cành thành bông dày đặc, dài 1,5 – 3cm, tổng bao gồm những lá bắc dạng lá, hình tim, đầu nhọn, mép nguyên, có lông thô dạng mi; đài có 5 răng không đều, 3 răng ngoài rộng, 2 răng trong hẹp; tràng có ống hình trụ chia hai môi, môi trên bằng đầu, chia đôi, môi dưới dài bằng môi trên chia 3 thùy gần bằng nhau; nhị có 1 ô; bầu nhẵn.
- Quả nang, hình trứng thuôn, thắt lại ở đầu, nằm gọn trong đài tồn tại.
- Mùa hoa quả: tháng 5 – 9.
2. Phân bố, sinh thái
- Trong số 3 loài thuộc chi Adenosma R. Br. được sử dụng làm thuốc ở Việt Nam, loài nhân trần tía có phạm vi phân bố hạn chế, và chỉ phát phát hiện thấy ở vài tỉnh phía nam, như Tây Ninh, Bình Dương, khu vực Vũng Tàu, đảo Phú Quốc và Côn Đảo. Có tài liệu ghi nhận ở cả Kon Tum, Đắc Lắc (Võ Văn Chi, 1997). Cây cũng phân bố khá phổ biến ở Lào và Campuchia.
- Nhân trần tía chỉ gặp vào thời gian từ giữa mùa mưa đến đầu mùa khô hàng năm. Cây ưa sáng, ưa ẩm và có thể chịu được khô hạn sau khi đã ra hoa, kết quả. Cây thường mọc thành đám, có khi tới hàng ngàn mét vuông trên những bãi đất bằng dưới chân đồi, trong thung lũng hay những đám ruộng cao mới bỏ hoang. Nơi mọc của nhân trần tía thường là đất pha cát và hơi chua. Ở những nơi đất bị rửa trôi mạnh, nghèo dinh dưỡng, cây chỉ cao không quá 15cm đã thấy có hoa quả. Sau khi quả già, toàn cây tàn lụi. So với các loài bồ bồ và nhân trần (mọc ở các tỉnh phía bắc) nhân trần tía có vòng đời ngấn hơn chỉ tồn tại 3,5 – 4 tháng và mức độ khai thác, sử dụng cũng ít hơn. Do đó, nguồn trữ lượng của nó ở các tỉnh phía Nam chưa có nguy cơ bị suy giảm.
3. Thành phần hóa học
Toàn cây nhân trần tía chứa tinh dầu màu vàng với hàm lượng 0,25%. Nguyễn Viết Tựu phân tích tính dầu có d = 0.890, nD 1.490 sắc ký khí cho 19 pic, trong đó có cineol 18%, carvacrol. Ngoài ra, còn có flavonoid, polyphenol và coumarin.
4. Bộ phận dùng
Toàn cây, trừ rễ, thu hái lúc cây đang ra hoa, phơi hoặc sấy khô.
5. Tác dụng dược lý
- Tác dụng tăng tiết mật: Thí nghiệm trên chuột lang thấy dịch chiết nhân trần tía làm tăng tiết mật 24,7% so với lô đối chứng.
- Tác dụng kháng khuẩn: Carvacrol trong tinh dầu nhân trần tía đã được chứng minh có tác dụng kháng khuẩn mạnh.
- Độc tính cấp: Toàn cây nhân trần tía chặt nhỏ phơi khô, chiết cồn 40°, rồi cô cách thủy đến dịch đậm đặc. Cho chuột nhắt trắng uống với liều tính ra dược liệu khô là 300g/kg, chuột không chết.
- Thử lâm sàng chữa viêm gan virus: Bệnh viện Chợ Quán thành phố Hồ Chí Minh đã dùng nhân trần tía chữa hơn 4000 trường hợp viêm gan virus có kết quả tốt.
- Thử lâm sàng xơ gan cổ trướng: Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Tây Ninh dùng nhân trần tía chữa gần 100 bệnh nhân, thấy khỏi 24%, khá và tốt 46,6%.
6. Tính vị, công năng
Nhân trần tía có vị cay, hơi đắng, mùi thơm hắc, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, lợi mật, kích thích tiêu hóa.
7. Công dụng
Toàn cây nhân trần tía bỏ rễ chữa viêm gan, vàng da, ăn uống kém tiêu, sốt, cảm cúm, ngộ độc. Từ năm 1977, một số bệnh viện ở Việt Nam đã dùng nhân trần tía chữa viêm gan virus và xơ gan có hiệu quả.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: