- Tên khác: hoài ngưu tất, cây cỏ xước rễ lớn
- Tên khoa học: Achyranthes bidentata, họ Dền: Amaranthaceae) (2)
- Công dụng chính: Điều trị các bệnh về xương khớp, phong tê thấp, bổ gan thận
Thuốc nam hay cũng như bảo vật nên các lương y ngày xưa rất cẩn trọng trong việc truyền nghề, không để các cây thuốc, bài thuốc quý rơi vào tay những kẻ tham lam, độc ác. Câu chuyện về vị thuốc ngưu tất được lưu truyền ở Trung Quốc cũng tương tự như vậy.
Chuyện kể rằng, xưa kia có một vị lang trung tài giỏi, cứu được rất nhiều người nhờ tìm được thảo dược quý nhưng ông chỉ muốn truyền lại cho một trong bốn đồ đệ duy nhất của mình. Để chọn được người có tâm địa thiện lương và y đức cao thượng, vị lang trung nói với các đồ đệ rằng: “Năm nay ta đã già yếu, e rằng không thể hái thuốc hành y nữa rồi. Các con đều đã học được những điều căn bản, giờ hãy tự mình lo liệu kiếm sống vậy!“. Nghe vậy, đại đồ đệ nghĩ: “Sư phụ nửa đời bốc thuốc, trị bệnh cho người, tích lũy không ít tiền tài, lại không có con cái, lẽ ra phải để cho ta hưởng“. Thế là, anh ta mời thầy về nuôi và những đệ tử khác cũng đều có ý như vậy.
Thuốc quý phải thử lòng người
Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, đại đồ đệ đã xem trộm tay nải của thầy mình và phát hiện trong đó chỉ có chút ít tiền và một ít thảo dược không bán được. Thế là anh ta bắt đầu lạnh nhạt và buông lời mỉa mai. Vị lang trung buồn bã đến nhà người đệ tử thứ hai thì cũng y như vậy. Đến lượt người đồ đệ thứ ba, anh ta chỉ nuôi vị lang trung được ba ngày thì đuổi đi.
Lúc này, vị lang trung không còn muốn đến nhà người đồ đệ thứ tư nữa và ngồi khóc bên đường. Không ngờ, ông lại được chính người đệ tử thứ tư rước về phụng dưỡng tử tế dù đã nói rõ hoàn cảnh không tiền bạc của mình. Sau khi thử thách được tấm lòng của học trò, trước lúc mất, vị lang trung đã truyền lại bài thuốc quý của mình với lời dặn dò: “Đây là loại thuốc quý giá, dùng nó để chế thành thuốc bổ gan thận, làm mạnh gân xương, thuốc đến bệnh trừ, bây giờ ta truyền lại cho con!”.
Sau khi ông mất, người học trò lo tang tế chu đáo và thực hành điều chế phương thuốc đó, nối nghiệp thầy rồi trở thành một lương y nổi tiếng. Khi có người hỏi tên vị thuốc, anh ta thấy thân nó có các đốt trông giống xương đầu gối của con bò nên đặt tên là “ngưu tất” (牛膝) (1).
Vài nét về ngưu tất
Ngưu tất (tên khoa học: Achyranthes bidentata, họ Dền: Amaranthaceae) (2)
Là cây thân thảo có rễ củ dùng làm thuốc. Thân của cây ngưu tất phình lên ở các khớp đốt và có các lá mọc đối, phiến hình trứng, đầu nhọn. Hoa ngưu tất mọc thành chùm ở đầu cành hoặc kẽ lá.
Cần phân biệt cây ngưu tất có nguồn gốc từ Trung Quốc, được di thực vào Việt Nam với cây ngưu tất nam, hay còn gọi là cây cỏ xước, cây thổ ngưu tất, có tên khoa học là Achyranthes aspera (cũng có nhiều công dụng tương tự như ngưu tất nên hay được dùng thay thế cho vị thuốc này) (3).
Công dụng của ngưu tất
Ngưu tất tươi: Ngưu tất có vị chua, đắng. Nếu dùng củ ngưu tất còn tươi sống làm thuốc sẽ có tác dụng phá huyết, hành ứ, làm tan máu bầm, giảm đau nhức đầu gối và điều trị nhiều chứng bệnh như: mụn nhọt, cổ họng sưng đau, tiểu ra sỏi, tiểu ra máu, tiểu buốt, bế kinh, khó sinh hoặc nhau thai không ra hết, ứ huyết gây đau bụng sau sinh (mỗi ngày dùng 6 – 12 g thuốc sắc theo chỉ định của thầy thuốc) (5).
Ngưu tất đã qua sơ chế: Khi đã qua sao tẩm, củ ngưu tất giúp bổ gan thận, mạnh gân cốt và kích thích tình dục nên được dùng điều trị gan thận hư, liệt dương, mỏi gối, đau lưng, bại liệt hay tay chân co quắp (mỗi ngày dùng 3 – 9 g thuốc sắc) (5).
Ngoài ra, dân gian còn dùng ngưu tất đã qua sơ chế trong điều trị các chứng viêm khớp, phụ nữ không bế kinh, đau bụng (3 – 9 g thuốc sắc) (4) hoặc điều chế ngưu tất dưới dạng ống thuốc (4 g bột củ khô/ ống) để uống mỗi ngày hai lần, mỗi lần 1 ống trong trường hợp huyết áp cao, máu nhiễm mỡ và xơ vữa động mạch (mỗi đợt điều trị kéo dài từ 1 – 2 tháng). Tuy nhiên, nước sắc ngưu tất gây sảy thai nên cần thận trọng khi dùng làm thuốc (4) (5).
Một số bài thuốc có vị ngưu tất
- Điều trị bệnh chậm biết đi ở trẻ em: Ngưu tất có tác dụng làm mạnh gân cốt nên được kết hợp cùng các vị thuốc khác trong điều trị chậm đi ở trẻ em bằng bài thuốc sau: ngưu tất (6 g), vỏ cây chân chim (12 g), mộc qua (6 g) (các vị trên tán nhỏ, uống chung với nước cơm) (5).
- Điều trị viêm gan, viêm cầu thận cấp tính: Bài thuốc sắc điều trị viêm cầu thận cấp tính cùng các bệnh phù thũng, vàng da, viêm gan virus, viêm bàng quang gây tiểu ra máu hoặc nước tiểu vàng thẫm gồm các vị: ngưu tất (12 g), rễ tranh, huyền sâm, huyết dụ (hay còn gọi là long huyết), lá cây móng tay, cỏ mã đề (hay còn gọi xa tiền) và mộc thông (mỗi vị 15 g) (5).
- Điều trị viêm cầu thận mạn tính: Người bệnh có thể dùng mỗi ngày 1 thang thuốc sắc gồm các vị: ngưu tất, thục địa, kỷ tử, củ mài (mỗi vị 12 g), phục linh, sơn thù (mỗi vị 8 g), xa tiền tử (16 g), bạch cúc hoa (10 g), trạch tả và đan bì (mỗi vị 8 g) (5).
Một số nghiên cứu về ngưu tất
- Khả năng điều trị ung thư: Kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy chiết xuất từ rễ củ ngưu tất có tác dụng tăng cường miễn dịch và ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, kéo dài thời gian sống của những con chuột bị ung thư biểu mô Ehrlich (7).
- Ngăn ngừa loãng xương sau mãn kinh: Theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, kết quả thí nghiệm trên chuột trong thời gian 16 tuần điều trị cho thấy chiết xuất rễ ngưu tất giúp cải thiện chất lượng xương, ngăn ngừa loãng xương sau mãn kinh mà không làm tăng cân (8).
Lưu ý
- Những người bị di tinh, mộng tinh, tiêu chảy do tỳ hư, phụ nữ mang thai hoặc kinh nguyệt quá nhiều không được dùng ngưu tất (6).
- Cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ về liều lượng và các kiêng cữ khi dùng thuốc để việc điều trị bệnh được hiệu quả nhất.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: