Bổ dương Ung thư tiểu đường mất ngủ sỏi thận suy thận béo phì Huyết áp cao Bệnh trĩ Viêm dạ dày Đại tràng Xương khớp Dưỡng da Tóc bạc sớm Bồi bổ Viêm gan B

Nấm rơm hạ mỡ máu, kháng ung thư và món ngon khó quên mà ít ai biết

Cao chè vằng nguyên chất

Kỷ niệm hái nấm rơm

Lúc nhỏ, nhà mình có trồng loại nấm này và bạn biết đấy, bẻ nấm là một công đoạn thực sự rất hấp dẫn.

Này nhé, sau khi bạn ủ rơm chín và chất thành các luống, rắc meo lên rồi phủ rơm che mát thì sau nửa tháng (có tưới ẩm), nấm rơm sẽ mọc thành từng đám.

Thu hoạch nấm (ảnh minh họa)

Ngày ấy, mình thích nhất là mỗi buổi sáng, xách rổ ra vườn rồi nhè nhẹ vén lớp rơm phủ lên: chao ôi, cả một ổ nấm rơm bên dưới, cái nào cái nấy tròn căng như những quả trứng dính vào nhau!. Thế là, mình gỡ từng cái nấm vào rổ, mảng nấm nào nhỏ quá thì mình đậy lại, chờ sáng hôm sau cho nó lớn căng ra, đem bán nấm búp là vừa.

Nấm rơm, nếu bạn bẻ trễ thì nó sẽ thành nấm dù – loại này nở bung ra thành hình như cây dù và giá thấp hơn so với nấm búp, thường chỉ dùng để xào thôi. Ngược lại, với nấm búp thì bạn tha hồ biến tấu thành các món ăn: từ luộc, kho, hấp cho tới xào, nấu canh, nấu lẩu… Đặc biệt, lúc cắn vào, nấm búp bể cái “bụp” do tích nước từ quá trình rửa và nấu. Lúc này, bạn sẽ nếm được vị nấm đặc trưng, nhắc đến thôi là đã thấy thèm!

Giá trị dinh dưỡng và công dụng của nấm rơm

Theo PTS Võ Văn Chi (trong quyển Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 2) thì trong cây nấm tươi có chứa nhiều chất dinh dưỡng như: chất đạm, chất béo, chất đường, vitamin C… Điểm đáng chú ý ở nấm rơm là nó chứa đến 17 loại axit amin, trong đó có 8 loại có ích đối với sức khỏe con người.

Theo thuocnam.mws.vn, nấm rơm có vị ngọt, tính lạnh, ăn thường xuyên sẽ có tác dụng khử nhiệt, tiêu thực, giúp hạ mỡ máu và chống ung thư (tác dụng chống ung thư của nấm rơm là nhờ nó có chứa protid dị chủng). Được biết, ở dạng bột, nấm này còn được dùng trong ngành dược phẩm (để chế thuốc viên điều trị bệnh thiếu máu) (1).

Nấm rơm luộc sả – món ngon khó quên

Bây giờ, mình sẽ chia sẻ với các bạn món nấm rơm luộc sả – món ăn mà cả nhà mình đều thích và hầu như ai biết ăn nấm rơm, nếu chưa ăn thử món này thì chắc chắn sẽ thấy tiếc vì không biết đến nó sớm hơn!

Đặc biệt, đây là món ăn dành cho những người ăn chay, những người lớn tuổi cũng như trẻ em vì nó có hương thơm kích thích tiêu hóa và làm tăng sự thèm ăn.

Vâng, bây giờ chúng ta cùng bắt đầu nhé!

  • Bước 1: Chuẩn bị nấm rơm (liều lượng đủ ăn, gọt bỏ phần rơm dưới chân nấm, ngâm nước muối rồi rửa sạch), lá sả (cắt một nắm lá sả to bằng cụm tay, liều lượng càng nhiều càng tốt nhưng nếu bạn không có lá thì mua vài tép sả ngoài chợ cũng được – nếu dùng tép sả thì đập cho hơi giập ra).

Tép sả

  • Bước 2: Cho một ít dầu ăn vào nồi và đập 3 tép tỏi, cho vào và phi cho vàng thơm. Khi phi tỏi xong, bạn cho nấm vào, xào qua xào lại vài cái rồi nêm muối, đường, bột nêm, sau đó đổ nước vào sao cho ngập nấm, kế đến thì cho lá sả vào nồi (bạn nên lấy 1 lá sả để buộc cho nắm sả cố định lại). Lưu ý đậy nắp kín.
  • Bước 3: Bạn nấu cho tới khi nước sôi, mùi sả bốc lên thơm lừng thì đợi sôi thêm 10 – 15 phút nữa cho nấm chín hẳn. Lúc này, bạn mở nắp ra và gắp lá sả bỏ đi. Phần nấm và nước trong nồi bạn đổ hết ra tô. Vậy là bạn đã có một tô nấm luộc sả vừa miệng, thơm tỏi phi lại thơm nấm, thơm sả. Và vị của nó ư? Ngọt vị nấm, mặn vị muối lại hài hòa vị của bột nêm. Chưa kể là một chút dầu ăn lúc phi tỏi, nó làm cho món ăn hấp dẫn hơn nhiều! Và thật ra thì bạn gọi món này là luộc cũng chưa hẳn đúng – có lẽ nên gọi là món canh chăng?

Vâng, thật ra gọi như thế nào cũng không quan trọng. Quan trọng là nấm rơm đã trở thành món ăn quen thuộc, làm tăng thêm hương vị cuộc sống và tăng cường sức khỏe cho chúng ta, không phải sao?

Thông tin thêm

Mặc dù nấm rơm có một số chất dinh dưỡng quan trọng giúp tăng cường sức khỏe nhưng ăn quá nhiều nấm rơm trong thời gian dài cũng không tốt. Xét từ góc độ âm dương thì các loại nấm nói chung đều thiếu “thiên khí” và xét về sinh học thì nấm cũng không có diệp lục (2). Vì vậy, bạn nên ăn kết hợp nhiều loại thức ăn khác nhau để đảm bảo đủ chất, bạn nhé!

Nếu thấy bài viết trên có ích, các bạn hãy chia sẻ trên Facebook cho người thân và bạn bè mình biết nhé. Cảm ơn bạn!

Gửi câu hỏi cần giải đáp: