Nói về thảo dược cao cấp thì không thể không kể đến nấm linh chi. Gần hai ngàn năm trước, hình ảnh linh chi đã xuất hiện trong bài Lạc thần phú khi Tào Thực (một trong ba nhà thơ nổi tiếng của văn học Kiến An, thời Tam Quốc) miêu tả đại mỹ nhân Chân Lạc:
“Đưa cổ tay trắng ngần bên bến sông,
Hái cỏ linh chi màu đen bên dòng nước xiết.“
Thật vậy, dù là dược liệu thượng hạng nhưng nấm linh chi đã rất quen thuộc qua phim ảnh, truyền thuyết và các bài viết về thực trạng cũng như giá trị của nó. Vậy, khi nhắc đến linh chi, có những điểm nào đáng chú ý?
Nấm linh chi – Tên gọi và đặc điểm
Nấm linh chi có tên khoa học là Ganoderma lucidum, thuộc họ Ganodermataceae (1)
Ngoài ra còn có các tên gọi khác như “nấm lim”, “hổ nhũ linh chi”, “mộc linh chi”… Cây linh chi mọc ký sinh trên thân, gốc và rễ cây, có bề ngoài nhẵn bóng, hình dù, cuống cao hình trụ tròn hoặc dẹt, nằm lệch một bên mũ nấm, bào tử hình trứng.
Người xưa cho rằng linh chi là cỏ tiên (nên đặt tên là “tiên thảo”), là cỏ báo điềm tốt lành (nên gọi là “linh chi thảo”), ăn vào được trẻ mãi không già (nên gọi là “nấm trường thọ”, “vạn niên nhung”, “thuốc thần tiên”) (2). Trên thực tế, linh chi không phải là cỏ mà là nấm.
Bên cạnh đó, cũng cần nói đến loại nấm linh chi đặc hữu, mọc trên thân hoặc rễ cây gỗ lim ở nước ta và được thu hái tự nhiên từ các rừng nguyên sinh, được gọi là “nấm lim xanh” (mọc trên cây lim xanh) (3) hoặc “nấm lim đỏ” (mọc trên cây lim đỏ). Nấm có vị hơi đắng nhưng hậu ngọt và có mùi thơm, được biết đến với nhiều công dụng quý mà chủ đạo là phục hồi tổn thương gan và hỗ trợ điều trị ung thư (sắc uống hoặc ngâm rượu, bã nấm dùng làm mặt nạ trắng da).
Những hoạt chất đáng chú ý trong cây linh
- Germanium: Theo Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, 1997 thì hàm lượng Germanium trong nấm linh chi rất cao, cao hơn khoảng từ 5 ~ 8 lần so với nhân sâm, giúp tế bào hấp thụ o xi tốt hơn, từ đó giúp cơ thể tăng bài tiết chất độc và giú ích cho quá trình điều trị ung thư… (4).
- Polysaccharit: hàm lượng khá cao giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, làm mạnh gan, cô lập và tiêu diệt các tế bào ung thư (4).
- Axit ganodermic: hoạt chất này giúp chống dị ứng và chống viêm (4).
Các màu và công dụng của nấm linh chi
Nấm linh chi được cho rằng có ít nhất sáu màu (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen, tía) với các vị cay, ngọt, mặn, đắng khác nhau và mỗi màu chuyên ở những công dụng khác nhau. Tuy nhiên, trong y học cổ truyền, linh chi nói chung đều được sử dụng như một loại thuốc bổ khí huyết, giúp dưỡng tâm, an thần, tăng cường miễn dịch và làm chậm quá trình lão hóa. Bên cạnh đó, linh chi cũng được dùng để điều trị các bệnh như:
- Suy nhược thần kinh, chóng mặt, mất ngủ, chán ăn.
- Viêm khí quản mạn tính, viêm gan, hen suyễn.
- Huyết áp cao, đau mạch vành tim, mỡ máu cao.
- Đau dạ dày, tỳ vị hư nhược (4).
Cách dùng nấm linh chi làm thuốc
Cách dùng nấm linh chi làm thuốc khá đơn giản. Sau khi thu hái, cây linh chi thường được phơi hoặc sấy khô rồi thái mỏng. Nếu làm thuốc sắc, chỉ cần đun sôi kỹ trong khoảng 15 đến 30 phút rồi lấy nước uống trong ngày. Nước sắc từ linh chi có mùi thơm, vị hơi đắng nên khi dùng có thể cho thêm ít đường hoặc mật ong để dễ uống. Liều lượng sử dụng tùy theo thể trạng mỗi người, thường thì dao động khoảng 3 đến 10 g linh chi mỗi ngày (4).
Thông tin thêm
- Kết quả nghiên cứu ở Trung Quốc cho biết nấm linh chi có nhiều hoạt chất chống o xy hóa, tuy nhiên, peptide mới là thành phần chống o xy hóa chính. (5)
- Một kết quả nghiên cứu khác cũng phát hiện ganoderic acid α – một loại hoạt chất triterpene có trong linh chi đã có bào tử còn giúp chống lại HIV – 1 ở mức độ vừa phải (theo sciencedirect.com) (6).
- Ngoài ra, nấm linh chi cũng đã được công nhận là chất bổ trợ thay thế trong điều trị bệnh bạch cầu, viêm gan, ung thư biểu mô và bệnh tiểu đường (7)
Lưu ý
- Những người huyết áp thấp, sắp phẫu thuật, những người bị bệnh về thận, trẻ em dưới 10 tuổi, phụ nữ có thai (hay đang cho con bú) và những người dị ứng với nấm không nên dùng.
- Không dùng linh chi đã để qua đêm hay bị ẩm mốc. Khi chế biến, cần cạo sạch chân nấm, loại bỏ lớp gỗ của cây bị chân nấm ăn bám vào để tránh độc hại.
- Nên cân nhắc đối với linh chi cổ, đã hóa gỗ lâu năm khi chưa có nghiên cứu xác định dược tính.
- Nên ưu tiên dùng nấm linh chi rừng để đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: