Điều cần lưu ý là, khi dùng mộc bút hoa phải chùi sạch lông, nếu không thì phải cho vào túi vải buộc kín miệng mà sắc để tránh gây ho và gây ngứa. Cần phải bảo quản thuốc trong bình, đậy kín cho khỏi mất hương, để nơi khô ráo, thoáng mát.
Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong thành phần hóa học của mộc bút hoa có chứa nhiều tinh dầu mà chủ yếu là eugenol, foeniculin, magnoflorine, paeonidin, eudesmin, magnolin, cinnamic aldehyde… Ngoài ra, còn có flavonoid, anthocyanin, oleic acid, vitamine A, alkaloid… có tác dụng dược lý khá phong phú: làm giãn mạch cục bộ, tăng cường lưu lượng dòng máu, nhờ đó mà cải thiện tình trạng vi tuần hoàn; giảm đau và tiêu viêm; ức chế virut cúm và một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn bạch hầu, liên cầu khuẩn týp A, trực khuẩn lỵ; chống dị ứng và chống ngưng tập tiểu cầu; làm hưng phấn hô hấp, ức chế co thắt cơ trơn thành ruột, hạ huyết áp và kháng ung.
Mộc bút hoa (tân di hoa) trị cảm mạo, đau đầu, nghẹt mũi.
Theo dược học cổ truyền, mộc bút hoa vị cay, tính ấm, không độc, vào hai đường kinh phế và vị. Công dụng: trừ phong, tán hàn, thông khiếu, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đau đầu do phong hàn, đau răng, nghẹt mũi… Dưới đây, xin giới thiệu một số bài thuốc đơn giản có sử dụng mộc bút hoa để chữa bệnh các chứng bệnh thông thường:
Chữa viêm mũi, viêm xoang: Dùng 1 trong số bài thuốc sau:
Bài 1: mộc bút hoa 9g, trứng gà 3 quả, hai thứ đem luộc chín, ăn trứng và uống nước.
Bài 2: mộc bút hoa 20g, nga bất thực thảo 5g, hai thứ đem ngâm nước trong 48 giờ rồi chưng cất lấy nước nhỏ mũi vài lần trong ngày.
Bài 3: mộc bút hoa 9g, ké đầu ngựa 15g, bạc hà 6g, sắc lấy nước uống, bã thuốc lại sắc tiếp, lấy nước cô thật đặc rồi hoà với nước ép của hành củ để nhỏ mũi.
Bài 4: mộc bút hoa 3g, sắc uống hàng ngày.
Bài 5: mộc bút hoa, ké đầu ngựa, bạc hà, bạch chỉ lượng bằng nhau, sắc uống.
Bài 6: mộc bút hoa 9g, hồng đằng 30g, sắc uống.
Bài 7: mộc bút hoa 3g, mộc hương 3g, rượu ngâm tri mẫu 9 ml, rượu ngâm hoàng bá 9ml, sắc uống.
Bài 8: mộc bút hoa 3g, ké đầu ngựa 6g, sắc uống ấm.
Trị cảm mạo đau đầu, nghẹt mũi: Dùng 1 trong các bài thuốc sau:
Bài 1: mộc bút hoa 3g, tô diệp 6g, hãm nước sôi uống.
Bài 2: mộc bút hoa, phòng phong, bạch chỉ, xuyên khung lượng bằng nhau, sắc uống.
Bài 3: mộc bút hoa lượng vừa đủ, sấy khô, tán thành bột thật mịn, mỗi lần lấy một chút bột thuốc hít vào trong mũi, mỗi ngày 2 lần.
Chữa ho: mộc bút hoa 5 – 7 cái, sắc kỹ lấy nước, chế thêm mật ong uống ấm.
Chữa tăng huyết áp, nhức đầu: mộc bút hoa 3-12g, sắc hoặc hãm uống thay trà, có thể pha thêm một chút đường phèn.
Chữa say nắng, hoa mắt chóng mặt, bức bối trong ngực: mộc bút hoa 5 – 7 cái, hãm với một chút trà mạn uống.
Chữa cổ trướng do xơ gan: rễ mộc bút hoa 1.000g, sắc 3 lần, mỗi lần sắc trong 2 giờ. Hoà nước thuốc cả 3 lần, cô lại còn 2.000ml, uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 20ml.
Chữa vàng da do rượu: mộc bút hoa 30g, hoàng kỳ 60g, sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1g với rượu.
Chữa đau răng: mộc bút hoa 30g, sà sàng tử 60g, muối tinh 15g, tất cả tán bột, mỗi lần lấy một chút bột thuốc xát vào răng đau. Hoặc dùng bài: Mộc bút hoa 1,5g. Sắc uống.
Trị xuất huyết do chấn thương: mộc bút hoa lượng vừa đủ, sấy khô, tán bột, trộn với một chút băng phiến rồi rắc lên vết thương.
Chữa thống kinh bất dựng (đau bụng khi hành kinh, khó thụ thai): mộc bút hoa 20 – 30 cái, tán vụn, uống vào lúc sáng sớm khi chưa điểm tâm.
Chữa hôi nách: mộc bút hoa, mộc hương, tế tân, xuyên khung, lượng bằng nhau, tán bột, xát vào nách.
Chữa eczema: mộc bút hoa, cúc hoa, hoạt thạch, bột gạo, tất cả sấy khô tán bột, mỗi lần lấy một chút bột thuốc xoa vào nơi bị bệnh.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: