- Tên khác: Cây mè đất còn được gọi là húng cay đất, mè đất nhám, cây bạch dương, cây tổ ong…
- Tên khoa học: Leucas aspera (Willd.) Link, họ hoa môi (1)
- Tính vị: Cây có vị hơi cay, tính ôn.
- Công dụng chính: Dân gian thường dùng làm thuốc tiêu viêm, điều trị ho, viêm họng, đau bao tử, lở ngứa ngoài da, viêm da cơ địa, tan máu bầm tụ máu, viêm lợi nhức răng…
Mè đất là một trong những loại thực vật mọc khá phổ biến ở các tỉnh miền núi nước ta. Mè đất là dạng cây thân thảo có hình dáng gần giống với cây vừng (cây mè ta hay trồng lấy hạt). Điểm khác biệt dễ nhận thấy là cây mè đất có kích thước và chiều cao thân cây nhỏ hơn nhiều so với cây vừng, mè đất thường chỉ cao khoảng 20cm ~ 25cm. Các bạn xem hình ảnh để thấy rõ hơn.
Cây mè đất mọc ở đâu, cách thu hái chế biến
Cây mè đất có nhiều ở các tỉnh miền núi, đồng bằng ít thấy hơn. Cây có mọc ở dọc các tỉnh từ Bắc chí Nam tuy nhiên ở miền nam thường có nhiều hơn. Nếu để ý bạn sẽ thấy loài cây này thường mọc ở những vùng đất cao, ít bị ngập nước như: sườn đồi, gần nương rẫy.
Theo kinh nghiệm dân gian toàn cây mè đất gồm lá, thân và rễ đều có thể dùng để làm thuốc. Người dân thường thu hái cây tươi vào tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, nhổ cả cây về rửa sạch đất cát, sau đó cắt ngắn phơi khô làm thuốc.
Công dụng của cây mè đất
Theo kinh nghiệm dân gian, mè đất có vị cay, tính ấm. Thường được dân gian dùng làm thuốc để điều trị một số chứng bệnh sau (2):
- Ho, viêm họng, viêm phế quản
- Ghẻ, ngứa, viêm da cơ địa
- Viêm dạ dày (loét bao tử)
- Viêm lợi và nhức răng
- Tan máu bầm, tụ máu, bầm tím do ngã
- Bảo vệ và phục hồi tế bào gan {được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian tại Ấn Độ} (6).
Trên một số nhóm Facebook còn giới thiệu mè đất có tác dụng điều trị cả bệnh tê thấp, đau nhức xương khớp, thận. Thông tin này nhà thuốc cần tiếp tục kiểm chứng thêm.
Cách dùng cây mè đất
Cách dùng dưới đây dựa theo kinh nghiệm được ghi chép trong cuốn cách “Cây thuốc An Giang” của GS Võ Văn Chi xuất bản năm 1991 (2).
- Điều trị ghẻ ngứa, viêm da cơ địa: Dùng cây khô hoặc tươi (1 nắm tầm 100g) đun lấy nước tắm, bôi trực tiếp lên vùng da bị ghẻ ngứa, viêm da cơ địa.
- Bầm tím, tụ máu: Lấy cây tươi giá nát đắp vào vùng da bị bầm tím, sau đó dùng bông băng cột lại để giữ, mỗi này nên làm một lần sẽ giúp tan máu bầm, giảm đau rất hiệu quả.
- Điều trị ho: mè đất khô 15g, củ mạch môn khô 15g sắc với khoảng 500ml nước, đun cạn lấy 200ml nước. Khi uống hòa thêm chút mật ong để uống hàng ngày.
- Điều trị đau nhức răng: Dùng cây tươi giã nát và ngậm hàng ngày (Hoặc dùng cây khô sắc đặc, lấy nước để ngậm), cách dùng đơn giản nhưng có tác dụng điều trị đau nhức răng, viêm lợi rất hay và hiệu quả.
- Phục hồi chức năng gan, bảo vệ gan: Dùng cây khô 15g sắc nước uống thay nước hàng ngày.
Một số nghiên cứu về cây mè đất
Các quốc gia trên thế giới cũng rất coi trọng công dụng kháng viêm của cây mè đất, minh chứng là có rất nhiều công trình nghiên cứu, thí nghiệm về loại thảo dược này, điển hình là những nghiên cứu sau:
- Tìm thấy hoạt động chống oxy hóa và kháng khuẩn mạnh của các bộ phận khác nhau trên cây mè đất Leucas aspera, đặc biệt là rễ cây. Hơn nữa nghiên cứu cũng nhận thấy, mè đất không có độc tính nào đáng kể và là một trong những thảo dược tiềm năng cho ngành dược liệu. Nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học Malaysia (3)
- Trưởng phòng Dược phẩm. Đại học Hindu Benara, Benara tìm thấy hoạt động chống viêm và giảm đau đáng kể từ chất chiết xuất khác nhau của cây mè đất Leucas Aspera Spreng. Thí nghiệm được tiến hành trên cơ thể chuột bạch (4)
- Tìm thấy khả năng hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường của chiết xuất từ cây mè đất, mở ra triển vọng mới trong bào chế các loại thuốc hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học người Bangladesh (5)
- Tác dụng bảo vệ gan: Các nhà nghiên cứu Ấn Độ đã tiến hành thí nghiệm sử dụng chiết xuất từ mè đất trên cơ thể chuột thí nghiệm bị mắc bệnh gan, kết quả cho thấy chiết xuất từ cây mè đất có tác dụng bảo vệ tế bào gan rất đáng kể. Nghiên cứu xác nhận việc sử dụng mè đất là một thảo dược truyền thống ở Ấn Độ trong điều trị các rối loạn chức năng gan (6).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: