Chắc hẳn không ai lạ gì lời ca dao:
“Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp một, như đường mía lau“
Thật vậy, những người mẹ ở tuổi xế tà đáng được trân quý như “xôi nếp một”: nấu từ nếp cái (hương cái nhu) với hạt tròn dài, có vằn, được xếp vào loại một, ngon không gì sánh bằng. Các loại gạo nếp nói chung đều rất dẻo thơm và bổ dưỡng, cho nên:
“Thấy nếp thì lại thèm xôi
Ngồi bên thúng gạo nhớ nồi cơm thơm” (1)
Sơ nét về lúa nếp
Cây lúa nếp (Oryza sativa L. var. glutinosa, họ Poaceae) (2) là loại cây lương thực quan trọng trong đời sống con người. Khác với gạo tẻ được dùng để nấu cơm ăn hàng ngày, hạt gạo nếp (gạo sáp, nhu mễ) có hình dáng tương tự gạo tẻ nhưng thường tròn hơn, màu trắng đục hoàn toàn, có tính dính khi nấu.
Từ hạt nếp Hùng Vương…
Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện hoàng tử Lang Liêu (thời Hùng Vương thứ 6) được Thần dạy cách dùng gạo nếp làm thành bánh chưng, bánh giầy bởi “trong trời đất, không gì quý bằng hạt gạo” (3).
Có thể thấy, gạo nếp ưu thế hơn gạo tẻ ngoài ra ở những đặc điểm như tính ngọt, mềm, thơm, dẻo, dính nên có thể đem nấu xôi, làm cốm, gói bánh mà gạo tẻ khó thay thế được. Thảo nào khi Hùng Vương thứ 18 kén rể, món sính lễ ngài yêu cầu trước tiên cũng là nếp (“một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa...)! (4)
Thời Minh Mạng, vua còn ra lệnh đúc Cửu Đỉnh bằng đồng và cho khắc các hình tượng núi sông vạn vật tiêu biểu cho toàn cảnh đất nước Việt Nam. Trong đó, họa tiết lúa nếp được chạm nổi rất tinh xảo trên bàu của đỉnh thứ hai là Nhân Đỉnh (họa tiết cây lúa tẻ ở đỉnh thứ nhất – Cao Đỉnh). Và từ thổi xôi, làm cốm, quết bánh phồng… cho đến nấu rượu, bao giờ hạt gạo nếp cũng là thành phần quyết định. Bạn đã nghe, đã ăn qua cốm làng Vòng nổi tiếng cả ba kỳ chưa?
Giá trị văn hóa của lúa nếp là không thể phủ nhận. Vậy, nó còn có vai trò gì trong y học?
Công dụng giúp điều trị bệnh của hạt nếp
- Nôn mửa không ngừng: lấy 20 g gạo nếp, sao vàng rồi sắc uống cùng với 3 lát gừng (5).
-
Ít sữa hoặc không có sữa sau sinh: lấy một vốc gạo nếp và một nắm lá rau mùi (ngò rí) rồi nấu thành cháo để ăn hai lần sáng và chiều. Sau khi ăn, lấy lược thưa chải nhẹ lên bầu sữa từ trên xuống để kích thích tuyến sữa (5)
-
Bệnh lị gây cấm khẩu: lấy 100 g lúa nếp đem rang cho nổ bung rồi sàng sảy để bỏ vỏ trấu, sau đó phun nước cho ẩm, trộn đều rồi sao lên cho giòn và tán thành bột. Mỗi lần uống khoảng 1 muỗng canh (5).
-
Tiêu chảy lâu ngày làm ăn uống kém: Công thức: 100 g gạo nếp (ngâm nước một đêm rồi phơi khô, sao chín và tán thành bột), 40 g củ mài (sao vàng, tán bột). Lấy hai thứ trên trộn đều với 100 g đường trắng và 2 g tiêu bột. Liều dùng: lấy 10 g hỗn hợp thuốc hòa với nước ấm rồi uống mỗi buổi sáng (5)
- Liệt dương: mổi ngày sắc 1 thang thuốc để uống với các thành phần sau: cám gạo nếp, hoài sơn, đinh lăng, ý dĩ, hoàng tinh, hà thủ ô, kỷ tử, long nhãn (mỗi thứ 12 g), cao ban long, trâu cổ (mỗi thứ 8 g) và sa nhân (6 g) (6).
Công dụng điều trị bệnh của rơm và rạ cây lúa nếp
- Rơm lúa nếp (phần trên của thân sau khi gặt) được dùng để điều trị bệnh tiểu ra dưỡng trấp với biểu hiện thường thấy là nước tiểu đục như sữa bằng cách sắc uống từ 100 đến 150 g (6).
- Rạ lúa nếp (phần gốc còn lại sau khi gặt) cũng được dùng điều trị mụn lở mọng nước hay tay lở chảy nước (đốt ra tro, tán mịn rồi rắc lên) và bệnh trĩ (nấu nước để ngâm rửa) (6).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: