Ăn trái cây cũng chấm muối, ăn củ sắn, dưa leo cũng chấm muối. Mà không chấm muối thì chấm nước mắm. Và bữa ăn đặc trưng trong truyền thống của người Nam Bộ bao giờ cũng có 1 món canh và 1 món kho.
Thật vậy, so với mặt bằng chung thì người Nam Bộ thích ăn mặn hơn. Bạn thấy đó, nếu chỉ kể tên “mắm” thôi thì đã “chóng mặt” rồi! Nào là mắm ruốc, mắm ruột, mắm tôm, mắm cá, mắm đậu, mắm tôm, mắm đu đủ… chay mặn đều có.
Và xin thưa, đó đều là những món “khoái khẩu” của người Nam Bộ!
Không chỉ thế, trong nêm nếm, ngay cả những món canh, xào thì người Nam Bộ cũng thường nêm hơi mặn (cũng có nơi nêm vừa ngọt vừa mặn).
Nếu nêm không mặn, à, thì họ sẽ làm thêm chén nước mắm, chấm vào cho mặn mòi, cho dễ ăn! Cho nên, bạn sẽ thấy có khi món ăn đưa lên là món xào nhưng bên cạnh thì vẫn có chén nước mắm!
Tuy nhiên, thói quen ăn mặn này lại có thể gây hại cho sức khỏe, nhất là với những người bị bệnh gan, thận, tim mạch và huyết áp cao (vì muối là một trong những tác nhân gây tăng huyết áp phổ biến). Vì vậy, với những người mắc các bệnh này thì cần cắt giảm muối để tránh làm bệnh nặng thêm.
Mặt khác, bạn có thấy, nếu như hôm nay bạn ăn nhiều muối (hoặc các thức ăn mặn) thì qua hôm sau, mắt bạn sẽ hơi sưng bụp không? Đó là do cơ thể bạn tích nước đấy! Vì vậy, đừng ăn quá mặn nhé! (nhất là các gói snack ăn nhanh) (1).
Thói quen thứ hai trong ẩm thực của người Nam Bộ là thích dùng nước cốt dừa. Thật vậy, chè, kiểm, chuối chưng, sương sáo bánh lọt, sương sâm, bánh tằm, bánh xèo, bánh khọt, bánh canh, bánh bò, bánh đúc, xôi nếp… tất cả đều không thể thiếu nước cốt dừa.
Chưa kể, người Nam Bộ còn hay nấu các loại canh kèn dừa như bí kèn dừa, khoai môn kèn dừa, chuối kèn dừa… Đây đều là những món “càng ăn càng ghiền”.
Tuy nhiên, như bạn biết đấy, nước cốt dừa sở dĩ béo như vậy là vì nó chứa nhiều chất béo thực vật với hàm lượng axit béo no khá cao. Vì vậy, dù bản chất của nó không chứa cholesterol nhưng khi đi vào cơ thể, nó lại làm tăng quá trình tổng hợp cholesterol nội sinh, làm tăng lượng mỡ xấu.
Vì vậy, bớt dùng nước cốt dừa sẽ giúp bạn giảm nguy cơ tăng cân, béo phì, rối loạn mỡ máu, tiểu đường type 2 cũng như các bệnh về chuyển hóa khác…
Thói quen thứ ba trong ăn uống của người Nam Bộ là thích món nướng, từ cá lóc nướng trui – nướng ngay tại đồng, cá trê vàng nướng, chuột nướng, thịt nướng,… cho đến khoai lang nướng, khoai mì nướng, chuối nướng, cà nướng, bắp nướng…
Và bạn biết đấy, việc nướng thức ăn trực tiếp trên than củi hay rơm khô đều sẽ tạo ra khói với nhiều chất độc hại (những chất gây oxy hóa mạnh và làm tổn hại tế bào, gây nguy cơ ung thư).
Như vậy, nhìn chung, chúng ta không nên ăn thường xuyên mà chỉ ăn khi thấy thèm thôi, bạn nhé!
Cuối cùng, có thể thấy rằng các món ăn được ưa thích của người Nam Bộ đều có những điểm nhấn riêng. Và ưu điểm lớn nhất trong ăn uống của người Nam Bộ chính là thói quen ăn đa dạng các loại thực phẩm.
Bạn có thể thấy, mỗi món ăn của cư dân vùng sông nước đa phần đều được tạo nên từ nhiều nguyên liệu. Và chỉ nói đến dĩa rau trộn thôi thì bạn đã có thể kể ra 5, 7 loại rau thường dùng rồi!
Vì vậy, thói quen ăn uống đa dạng này sẽ giúp cơ thể hấp thụ được nhiều loại dưỡng chất cần thiết hơn, giúp tăng sức đề kháng cũng như hương vị cuộc sống!
Gửi câu hỏi cần giải đáp: