Sa kê chiên là món dễ làm: chỉ cần chọn quả già hoặc vừa chín tới, gọt vỏ rồi bỏ cùi, lấy thịt quả trộn với bột chiên giòn và gia vị sao cho vừa miệng là có thể bắt đầu chiên (nếu sa kê chín thì lăn thịt quả với bột khô, nếu sa kê già thì cho chút nước vào bột cho thật sệt).
Công dụng của quả sa kê
Theo các nhà khoa học thì sa kê là loại quả bổ tỳ, ích khí còn theo nghiên cứu hiện đại thì sa kê là loại quả nhiều năng lượng: 103 kcal/ 100 g thịt quả ăn được (1) (2).
Đặc biệt, thịt quả sa kê không chỉ chứa đường, chất đạm, chất xơ, chất béo mà còn chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất – không thua các loại trái cây khác – như Can xi, Sắt, Ma giê, Man gan, Phốt pho, Ka li, Na tri, Kẽm, vitamin A, B1, B2, B3, B5, B6, B9, C, E, K…(1).
Công dụng của lá sa kê
Sắc lấy nước uống: Trong phạm vi dân gian, lá sa kê được dùng với tác dụng lợi tiểu và điều trị phù thũng (lấy lá khô nấu trong 2 – 3 lít nước và uống, lưu ý chỉ dùng một lá nhỏ hoặc một nửa lá to). Trong y học cổ truyền của người Indonesia, sa kê còn được dùng điều trị xơ gan, tiểu đường và cao huyết áp (11).
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhiều người dùng lá sa kê thấy có các biểu hiện như tụt huyết áp, chóng mặt, mệt mỏi (có thể do dùng quá liều)… nên lá sa kê không còn được dùng phổ biến như trước.
Dùng ngoài da: Lá sa kê có tính kháng sinh và tiêu viêm nên thường được dùng ngoài da trong các trường hợp như:
- Mụn rộp: lấy lá sa kê đốt cháy thành than rồi tán mịn, sau đó trộn với dầu dừa và một ít củ nghệ tươi (đã giã nát) rồi đắp lên vùng da bị mụn rộp (2).
- Điều trị áp xe, mụn nhọt và sưng bẹn háng: lấy một lượng bằng nhau lá sa kê tươi và lá đu đủ tươi rồi giã chung với một ít vôi tôi, giã đến khi thấy hỗn hợp có màu vàng thì lấy đắp lên da (2).
Cây sa kê và những hoạt tính đáng chú ý
Cây sa kê có nhiều hoạt tính quý giá và có tiềm năng làm làm thuốc trong tương lai gần. Có thể kể ra đây các tác dụng đã được thừa nhận như:
- Bảo vệ gan và thận: Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất methanol từ sa kê có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ gan và thận trước độc tính của Cadmium (một trong ba chất độc nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người, bên cạnh chì và thủy ngân) (3), đồng thời còn giúp bảo vệ tinh hoàn và số lượng tinh trùng trước độc tố do Cadmium gây ra (chất độc này có thể gây rối loạn nội tiết) (10).
- Chống ung thư: Theo tạp chí Phytochemistry, chiết xuất lá sa kê có khả năng chống lại các bệnh ung thư ở người (ở mức độ vừa phải) như: ung thư phổi dòng SPC-A-1, ung thư ruột kết dòng SW-480 và ung thư gan dòng SMMC-7721 (4). Bên cạnh đó, theo tạp chí Tropical Journal of Pharmaceutical Research, chiết xuất từ gỗ cây sa kê còn làm giảm khả năng sống của các tế bào ung thư vú dòng T47D (5). Theo tạp chí Phytotherapy Research, chiết xuất từ sa kê cũng có tác dụng chống lại ung thư tuyến tiền liệt dòng DU145 (11).
- Hạ huyết áp và bảo vệ tim mạch: Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy chiết xuất nước từ lá sa kê còn có tác dụng hạ huyết áp và làm chậm nhịp tim đáng kể trên chuột thí nghiệm (6), đồng thời giúp bảo vệ tim (9).
- Ngăn ngừa tiểu đường: Theo tạp chí Trends in Food Science & Technology, quả sa kê có giá trị dinh dưỡng đáng kể và có thể dùng để xóa đói ở các nước đói nghèo (nhưng hiện tại vẫn chưa được tận dụng đúng mức). Theo đó, kết quả nghiên cứu còn cho thấy quả sa kê giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2 (7).
- Kháng khuẩn và chống oxy hóa: Theo tạp chí Applied Biochemistry and Biotechnology, chiết xuất từ quả sa kê cũng có tác dụng kháng khuẩn và chống oxy hóa đáng kể. Vì vậy, quả sa kê được xem là có tiềm năng vừa làm thực phẩm, vừa giúp ngăn ngừa các bệnh về nhiễm khuẩn và oxy hóa (8).
Về cây sa kê
Sa kê (cây xa kê, cây bánh mì) là một trong những loài cây nhiệt đới ở miền Nam được nhiều người yêu thích. Bởi lẽ, cây không chỉ được trồng để lấy bóng mát (vì lá to nên khi rụng rất dễ nhặt, quét) mà còn được dùng để làm đồ gỗ (thân), làm thực phẩm (quả) và làm thuốc (lá). Cây có tên khoa học là Artocarpus altilis, thuộc họ Dâu tằm: Morceae (1).
Ở Cần Thơ, sa kê được trồng nhiều như cây công trình trong khu công nghiệp Thốt Nốt. Ở Kiên Giang, An Giang, Đồng Nai và nhiều tỉnh khác ở miền Nam cũng thường thấy cây này.
Tuy nhiên, cây sa kê vẫn hay bị nhầm với cây mít nài vì chúng rất giống nhau từ thân, lá đến quả, chỉ khác ở chỗ quả sa kê (loại thường được trồng) không có hạt còn quả mít nài thì đầy hạt như hạt mít và hạt khá to (gai quả mít nài cũng nhô rõ hơn so với quả sa kê).
Lưu ý
Đối tượng và liều lượng: Mỗi lần cho ai đó xin ít lá sa kê về làm thuốc, bà Sáu xóm tôi lại nhắc: “một ngày uống một lá nhỏ hoặc vừa vừa thôi, uống quá là tụt máu nghe”. Thật vậy, lá sa kê có tác dụng hạ huyết áp, vì vậy những người bị huyết áp thấp không nên dùng.
Bên cạnh đó, kết quả thí nghiệm trên chuột nhắt trắng cho thấy cao chiết từ vỏ và lá sa kê có độc tính đáng kể khi dùng ở liều cao. Vì vậy, không nên cho động vật ăn lá sa kê và với người, chỉ nên dùng sa kê theo đúng liều quy định, không nên lạm dụng như nước uống hàng ngày (2).
Thời lượng dùng thuốc: Khi dùng nước sắc lá sa kê nên dùng theo đợt, mỗi đợt là một tuần và ngưng lại một thời gian rồi mới uống tiếp đợt khác. Mặt khác, cũng cần theo dõi diễn biến sức khỏe để gia giảm thuốc cho phù hợp.
Trong bảo quản: Lá sa kê mới rụng nhìn có vẻ khô nhưng chưa khô hẳn, vì vậy muốn lưu trữ để dùng lâu thì phải phơi thật khô. Bên cạnh đó, quả sa kê khi chín thì vỏ quả rất mềm, đụng vào là nhũn ra, vì vậy rất khó để vận chuyển. Thường thì mọi người hái quả già hoặc gần chín để chiên ăn (hoặc bán như một loại rau quả ở chợ), còn lại những quả trên cành cao đều để tự rụng rồi bỏ.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: