“Đúc lá dứa có đứa ú ì
Đúc bánh mì có đứa ăn nem
Đúc cà rem có đứa chết thèm…“
Đó là bài đồng dao mà lũ trẻ chúng tôi trước đây ngày nào cũng hát chơi khi đêm về (bây giờ thì không còn ai chơi nữa!). Từ trong tiềm thức, những hình ảnh của bài đồng dao cứ khuấy động và đôi khi bật thành câu hỏi: đúc lá dứa ăn vào là ú ì thật sao?
Đúng như thế, bạn hãy liên tưởng đến một miếng bánh hấp được làm từ những hạt đậu xanh nấu chín (vốn đã bổ mát) lại đem xay mịn nhuyễn với nước cốt dừa nguyên chất, béo ngậy và nước cốt lá dứa thơm xanh đẫm, sau đó lại trộn với bột mì tinh để hấp thì còn gì thơm ngon, béo bổ hơn! Quả thật, không chỉ bánh đúc ngọt mà bánh đúc lạt (có kèm nước đường đậu phộng) hay nhiều thực phẩm chế biến khác khi có thêm lá dứa đều trở nên thơm lựng, bắt thèm hơn rất nhiều lần!
Về cây dứa thơm
Đúng như tên gọi, cây dứa thơm (tên khoa học: Pandanus amaryllifolius, họ Pandanaceae) (1)
Dứa có hợp chất thơm 2 – acetyl – 1 – pyrroline tạo thành mùi thơm rất đặc trưng tập trung ở lá (2). Cây được trồng chủ yếu để lấy mùi thơm (lá dùng hấp cơm, làm bánh, làm trà, trồng quanh nhà hoặc treo cho khô dần để khử mùi tanh, xua đuổi côn trùng…) hoặc làm chất tạo màu xanh tự nhiên.
Cây dứa thơm rất dễ trồng từ những cây con có rễ sẵn, mọc từ nách lá và nở bụi nhanh, um tùm. Tuy nhiên, khác với cây dứa dại (Pandanus tectorius (3), cũng là một vị thuốc quý, cụm quả hình cầu, lá có gai, cao đến 3, 4 m); cây dứa thơm thuộc dạng cây bụi nhỏ, cao nhất cũng chỉ đến 1m, lá xanh trơn láng, mặt dưới xanh nhạt, hình mũi mác dài, không có gai ở các mép lá và hầu như không thấy hoa, quả. Cây dứa thơm còn có các tên gọi khác như cây lá dứa, cây lá nếp, cây lá thơm, cây cơm nếp…
Công dụng của lá dứa thơm và bài thuốc thanh nhiệt, lợi tiểu
So với các thảo dược khác thì các tài liệu nghiên cứu, ghi chép về cây dứa thơm ở Việt Nam còn khá khiêm tốn vì vậy ít ai biết về công dụng của lá dứa thơm. Từ lâu, lá dứa thơm đã được dân gian dùng phổ biến trong các công thức làm nước mát.
Ở các chợ quê miền Nam như Cần Thơ, Kiên Giang…, người ta dễ dàng mua được các bó rau lá tổng hợp đã được cuộn sẵn rất gọn, nhỏ chừng một bàn tay (khoảng 200 – 300 g) thường gồm các thành phần như: lá dứa, mía lau, lẻ bạn, mã đề, thuốc dòi (mỗi thứ 2 đến 3 lá/ nhánh/lóng mía). Người dùng chỉ việc mua về, rửa sạch, xắt hoặc chẻ nhỏ các vị thuốc rồi nấu nước uống giúp thanh nhiệt, lợi tiểu và giảm mụn nhọt.
Bên cạnh đó, nhiều người cũng thường lấy lá dứa thơm nấu chung với cây nha đam cho ra nước trong suốt (hoặc lá dứa nấu với rễ củ sâm tanh tách (cây trái nổ) cho ra nước màu nâu nhạt) rồi dự trữ trong tủ lạnh để dùng dần.
Ngoài ra, lá dứa thơm còn được xắt mỏng, phơi khô nhẹ (vẫn còn màu xanh) dùng để pha trà thơm giúp thư giãn tinh thần (có thể kết hợp với trà hoa sen, trường hợp này thường thấy trong các đám tiệc).
Một số nghiên cứu về cây dứa thơm
- Tác dụng hạ đường huyết: kết quả nghiên cứu trên chuột tiểu đường của Lê Thị Ngọc Anh và Huỳnh Ngọc Trinh (đăng trên Tạp chí Dược học, T.55, S.7, năm 2005) cho thấy cao chiết toàn phần (cồn 50 %) từ lá dứa thơm có tác dụng hạ đường huyết đáng kể (4). Một thí nghiệm trên 30 người uống trà lá dứa thơm (hãm với nước sôi 90 độ C trong 15 phút) cũng cho thấy khả năng ức chế enzyme – glucosidase, giúp làm chậm sự hấp thu đường sau bữa ăn (7).
- Kháng khuẩn: kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ lá dứa thơm có khả năng kháng các vi khuẩn gây viêm nhiễm và bệnh đường ruột như Tụ cầu vàng, Trực khuẩn mủ xanh và E. coli (5).
- Chống o xy hóa và chống ung thư: nhiều kết quả thử nghiệm cho thấy chiết xuất của lá dứa thơm có khả năng chống o xy hóa và chống ung thư, đặc biệt là ung thư vú dòng MDA-MB-231 (6).
Lưu ý
- Uống quá nhiều nước nấu từ lá dứa thơm và các thảo dược có tính mát khác, nhất là rễ cây nổ có thể gây đi tiểu nhiều lần khiến bất tiện trong sinh hoạt.
- Nước cốt lá dứa thơm dễ bị ôi thiu ngoài không khí, vì vậy nên sử dụng ngay sau khi ép.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: