Hơn 10 năm trước, ở quê tôi (xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) có rộ lên phong trào trồng cây kim tiền thảo và cây râu mèo để điều trị sỏi thận, nhất là cây kim tiền thảo. Cứ đi vài cái nhà, người ta lại thấy một bụi kim tiền thảo bò lan bên hè, bờ ao hay dọc bờ sông. Và trường hợp nhà tôi cũng vậy.
Số là khi ấy, cha tôi bị nhức lưng nhiều và đi khám thì phát hiện bị sỏi thận (to bằng đầu đũa). Được ai đó chỉ dẫn, ông đi xin một ít kim tiền thảo về rồi chặt nhỏ, phơi khô để làm thuốc uống (mỗi ngày một nắm chừng 20 g).
Sau khi uống một thời gian, ông thấy mình đi tiểu nhiều hơn và đỡ đau lưng (đúng như lời những người đã từng dùng chỉ lại). Vì thế, ông háo hức đi xin nhánh tươi về trồng ba bốn chỗ quanh nhà.
Sau khi kiên trì dùng liên tục hơn ba tháng (có lúc dùng khô, có lúc dùng tươi, dùng tươi thì 50 g mỗi ngày), cha tôi đi khám lại thì không còn sỏi thận nữa. Cả nhà tôi đều vui mừng và riêng cha tôi, ông còn nấu uống thêm một thời gian nữa “cho chắc ăn”. Thậm chí, có hôm, ông còn bắt chị em tôi mỗi đứa uống một chén nước thuốc và bảo rằng: “kim tiền thảo tươi nè, thơm lắm”. Và tất nhiên là chỉ có mẹ tôi và tôi uống thử, ừ, xem thơm thế nào.
Và thì thơm thật. Mùi thơm không hấp dẫn nhưng nhẹ, trầm và đằm. Nước của nó cũng không đắng. So với nhiều cây thuốc Nam khác thì kim tiền thảo là loại dễ uống.
Sau đó một thời gian, nhà tôi xây cất lại và đám kim tiền thảo bị phá bỏ. Hơn nữa, lúc ấy kim tiền thảo được trồng khá nhiều mà hễ cái gì nhiều thì không còn được quý nữa. Dần dần, nhiều đám kim tiền thảo bị phá bỏ dần để cất nhà và trồng cây ăn quả.
Cứ thế, hơn mười năm trôi qua, bây giờ dọc con kênh quê tôi, bạn đi hơn 1 km thì họa may mới thấy một bụi kim tiền thảo nhỏ (chỉ ở các hội thuốc nam từ thiện mới trồng thành đám lớn).
Vài nét về kim tiền thảo
Kim tiền thảo có tên khoa học là Desmodium styraccifolium, thuộc họ Đậu: Fabaceae (1).
Ngoài tên gọi phổ biến này, cây còn có các tên gọi khác như cây vảy rồng, đậu vảy rồng, mắt rồng, mắt trâu, đồng tiền lông…
Kim tiền thảo phân bố trên khắp cả nước vì đây là loại cây nhỏ, bò lan trên mặt đất, phân nhánh nhiều và sinh trưởng rất mạnh. Chỉ cần cắt một đoạn rồi giâm xuống đất là thân nhánh sẽ tái sinh thành cây mới. Lá kim tiền thảo là dạng lá chét, khá tròn. Hoa của cây nhỏ và có màu tím.
Những công dụng chính của kim tiền thảo
Có thể nói, điều trị sỏi thận và giúp tan sỏi là tác dụng chủ đạo của kim tiền thảo. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm dân gian, vị thuốc này còn có nhiều công dụng khác như:
- Giúp thanh nhiệt, lợi tiểu.
- Điều trị viêm gan, vàng da.
- Điều trị sỏi (ở thận, túi mật và bàng quang).
- Điều trị viêm thận và phù thũng.
Bộ phận dùng làm thuốc của cây là phần thân bò trên mặt đất, liều lượng dùng mỗi ngày là từ 15 – 30 g, sắc lấy nước uống.
Một số bài thuốc kết hợp kim tiền thảo
- Điều trị sỏi đường tiết niệu: Sỏi ở đường tiết niệu (như sỏi thận, sỏi bàng quang…) có thể điều trị được bằng nhiều loại thảo dược khác nhau, trong đó có kim tiền thảo. Bài thuốc sau đây cũng được dùng cho căn bệnh này, bao gồm các vị: kim tiền thảo (30 g), hải kim sa (gói kín trong miếng vải), đông quỳ tử, hoạt thạch, xuyên phá thạch (hay còn gọi là dâu gai, mỏ quạ) (mỗi vị 15 g) và hoài ngưu tất (12 g). Dùng các vị trên sắc lấy nước uống, mỗi ngày uống 1 thang.
- Điều trị sỏi mật: Để điều trị sỏi mật, có thể dùng độc vị kim tiền thảo hoặc kết hợp kim tiền thảo (30 g) cùng các vị thuốc sau: chỉ xác (sao lên), xuyên luyện tử (quả cây xoan quả to), sinh đại hoàng và củ cây cơm nếp (hoàng tinh) (mỗi vị 10 g) rồi sắc lấy nước uống (mỗi ngày một thang cho đến khi khỏi bệnh).
- Điều trị viêm thận (phù thũng), viêm gan và viêm túi mật: dùng kim tiền thảo (40 g), dành dành (chi tử), lưỡi bò (cây chút chít) (mỗi vị 10 g) và ngưu tất, mộc thông (mỗi vị 20 g). Bài thuốc này cũng sắc uống trong ngày, mỗi ngày 1 thang (2) (3).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: