Trà hoa vàng Còn được gọi là trà mi, trà hoa thuộc họ chè (Theaceae), chi chè (Camellia), gồm nhiều loại chủng và biến chủng. Đó là một trong những loại hoa quý hiếm ở Việt Nam, Trung Quốc cũng là loài hoa đẹp được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Trà hoa vàng vừa là thú chơi tao nhã vừa cho thu nhập cao, với giá 200.000 – 5.000.000 đ/cây.
GS.TS. Ngô Quang Đê, người có đề tài “Trồng và nhân giống trà hoa”, cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ hiện nay có khoảng 196 loài trà, chia làm 4 á chi và nhiều chủng, biến chủng. Việt Nam có khoảng 26 loài trà, chủ yếu được trồng ở miền Bắc. Trong những năm gần đây nhiều người nước ngoài (Úc, Pháp, Anh, Nhật…), tới Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu về các giống, đặc biệt là trà hoa vàng. Trà hoa vàng (kim trà hoa) được Trung Quốc phát hiện ở Quảng Tây vào năm 1965; đến nay qua nhiều nghiên cứu họ đã lai tạo thành công giữa trà hoa vàng và trà hoa đỏ. Việt Nam cũng tìm thấy trà hoa vàng vào những năm 1990. Trà hoa phân bố chủ yếu ở vùng á nhiệt đới, nóng ẩm có mùa đông, rất thích hợp với miền Bắc và Đà Lạt, có thể trồng được trên nhiều loại đất, trong đó đất tơi xốp, thoát nước, đất chua có độ pH từ 4,5 – 5,5 là thích hợp nhất. Trà hoa đang là loài quý hiếm, chưa nơi nào trồng với diện tích lớn. Một số loài không có nhị (bạch trà) nên không có quả. Vì vậy phương pháp nhân giống chủ yếu hiện nay là nhân giống vô tính (chiết, ghép, giâm hom, cấy mô), trong đó cách giâm hom là đơn giản nhất, với tỷ lệ cây sống cao.
Kỹ thuật nhân giống: chọn cây mẹ khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, cành không mang hoa và nụ, cắt cành bánh tẻ (một phần hóa gỗ) để làm hom giống.
Chuẩn bị đất giâm hom: tốt nhất là cát sông đãi bỏ sỏi và tạp chất, đem phơi khô để diệt khuẩn và hạn chế sâu bệnh. Cát cho vào khay hoặc chậu, có lỗ thoát nước dưới đáy, nếu nhiều thì có thể làm luống, cán phẳng rồi phun nước cho ẩm. Dùng kéo thật sắc để cắt hom, tránh giập vỏ, mỗi hom dài từ 5 – 7 cm, tối thiểu có 3 – 4 mắt. Hom cắt xong nhúng vào dung dịch kích thích ra rễ (như IBA, NAA) từ 1 – 2 giờ rồi giâm. Khi cắm hom dùng que nhỏ chọc lỗ, tay kia cắm hom, cắm xong dùng ngón tay ấn chặt xung quanh gốc hom, mỗi hom cách nhau từ 2 – 3 cm, cắm xong tưới luôn nước để giữ ẩm. Thời vụ cắm hom: đông xuân (tháng 1 – 2) và hè thu (tháng 7 – 8).
Chăm sóc: cần làm giàn che cho vườn giâm hom với ánh sáng khoảng 70 – 80%; nhiệt độ tốt nhất để hom ra rễ là 25 – 30 độ. Tưới nước bằng hệ thống phun sương để giữ ẩm. Hom ra rễ được cắm vào bầu đất xếp trong giàn che và tưới nước mỗi ngày một, hai lần. Nếu giâm hom đúng thời vụ, có giàn che tốt, thì việc chăm sóc chủ yếu là tưới nước, giữ ẩm hợp lý và tỷ lệ sống của cây con rất cao. Trà là cây thường xanh, không có thời gian ngủ (ngừng sinh trưởng) rõ rệt. Trong một năm có: thời kỳ sinh trưởng là xuân hạ (từ tháng 2 – 5); thời kỳ tích lũy vật chất cho giai đoạn phát triển của nụ và quả là hạ thu (thường từ tháng 5 – 10); thời kỳ ra hoa vào cuối thu đến đầu xuân. Cây trà ở các giai đoạn phát triển đều cần được chăm sóc chu đáo. Thời kỳ sinh trưởng cần nhiều đạm và kali, thời kỳ nụ và quả cần lân và kali. Trà hoa cũng có thể giâm bằng lá cho ra rễ, song thời gian từ lúc ra rễ đến lúc ra ngọn non kéo dài hơn. Phổ biến vẫn là giâm cành. Thời gian từ lúc giâm cành tới khi cây ra hoa là khoảng 12 tháng
Gửi câu hỏi cần giải đáp: