Vài nét về hồng táo
Cây hồng táo (đại táo, táo đen, táo đỏ) có tên khoa học là Ziziphus jujuba, thuộc họ Táo (Rhamnaceae) (1).
Lúc còn non, quả hồng táo có màu xanh và khi già thì chuyển dần sang màu nâu cánh gián (nhìn như một quả táo bị hỏng). Sau khi phơi khô, vỏ quả hóp hép lại và thường có màu nâu đỏ hoặc đỏ sẫm.
Hồng táo là loại quả đặc trưng của Trung Quốc nhưng ở Nhật bản và Việt Nam vẫn có loại cây này. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số lượng hồng táo được trồng chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của cả nước.
Về mùi vị, quả hồng táo tươi thì giòn ngọt, vừa già tới thì ngọt ngất và thơm nhưng nếu để chín quá thì lại hơi bùi và không ngon bằng tươi. Tuy nhiên, khi hồng táo phơi khô thì thịt quả săn lại, chất quả ngọt hơn và cũng có mùi thơm đặc trưng.
Công dụng của hồng táo
Hồng táo được biết đến là vị thuốc giúp điều hòa các thứ thuốc khác, vì thế mà bạn thường thấy hồng táo trong các thang thuốc Bắc cổ truyền. Theo đó, hồng táo có vị ngọt, tính ôn, thông vào tỳ vị và có các công dụng như:
- Tốt cho tim và khí huyết.
- Tốt cho phổi và điều trị ho.
- Bồi bổ cơ thể và điều trị suy nhược.
- Giúp ăn ngon ngủ ngon.
Cách dùng: Mỗi ngày, mỗi người dùng từ 5 – 10 quả hồng táo, sắc lấy nước uống. Với những người suy nghĩ, làm việc quá sức khiến tinh thần mỏi mệt, đầu óc hay choáng váng, ù tai thì dùng hồng táo sẽ rất tốt. Ngoài ra, kết quả thí nghiệm trên chuột cho thấy hồng táo còn có tác dụng bảo vệ gan (2).
Theo phân tích thành phần dinh dưỡng, quả hồng táo còn chứa nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể như vitamin A, vitamin B2, B2, B3, B6, vitamin C… và các khoáng chất như Can xi, Ma giê, Man gan, Phốt pho, Sodium… (3).
Một số thang thuốc kết hợp có dùng hồng táo
- Bồi bổ cơ thể: Như đã nói, việc kết hợp hồng táo với các vị thuốc khác sẽ giúp tăng cường và điều hòa hiệu quả của các thành phần. Để bồi bổ cơ thể, các bạn có thể dùng 2 quả hồng táo, 3 g ngô thù du, 5 g đảng sâm và 3 g gừng, nấu lấy nước uống (2).
- Điều trị ho, khô cổ, đau họng: Lấy 20 quả hồng táo, móc bỏ hạt rồi lấy thịt quả giã nhỏ, đem trộn với mật ong rồi làm thành viên ngậm. Khi dùng, lấy các viên thuốc này ngậm cho tan từ từ trong miệng (các bạn chia đều ra để ngậm nhiều lần) (2).
- Điều trị chứng khó ngủ, trong người bứt rứt khó chịu: Lấy 14 quả hồng táo nấu chung với 30 g nhãn nhục sẽ thành thứ nước rất thơm ngọt và ngon, bạn vừa có thể uống nước lại vừa có thể ăn cái (2).
- Điều trị chứng thai không yên, động thai: Lấy 10 – 15 quả hồng táo sao đến khi khô giòn thì lấy ra ăn (hoặc nướng trên than gỗ cho thơm đều là được). Với trường hợp này, các bạn nên kiên trì ăn trong một tuần trở lên sẽ thấy hiệu quả (vì hồng táo có tính bổ nên rất tốt với bà bầu, tuy nhiên, chỉ nên dùng liên tục trong 10 ngày trở lại) (2).
Lưu ý
- Mỗi ngày không nên dùng quá 15 quả hồng táo (cả quả tươi và khô). Bên cạnh đó, không nên lạm dụng quá nhiều hồng táo trong thời gian dài.
- Có ý kiến cho rằng hồng táo không gây béo. Tuy nhiên, dùng hồng táo sẽ giúp cơ thể ăn ngon ngủ khỏe nên với những người có thể trạng gầy yếu do thiếu dinh dưỡng, thiếu ngủ thì khả năng tăng cân là có thể xảy ra. Khi tiến hành thí nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu cũng thấy rằng nước sắc hồng táo làm tăng thể trọng của chuột sau ba tuần dùng thuốc (2).
- Quả hồng táo rất tốt nhưng lá hồng táo thì lại gây tê và có thể làm mất cảm giác của lưỡi trong 5 – 10 phút nếu lỡ nhai phải. Ngoài ra, kết quả thí nghiệm trên động vật cũng cho thấy lá hồng táo gây ức chế đối với một số cơ quan trong cơ thể (2).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: