Đặc điểm cây hoàng kỳ
Hoàng kỳ (tên khoa học: Astragalus propinquus, họ Đậu: Fabaceae) (1)
Là cây dược liệu lâu năm, được thu hoạch lấy rễ ít nhất sau 3 năm kể từ lúc gieo trồng. Cây hoàng kỳ cao khoảng 1m, có phần rễ trụ phát triển mạnh, cắm sâu vào đất. Lá hoàng kỳ mọc so le, có dạng lông chim với nhiều đôi lá chét hình trái xoan, mặt dưới có lông mịn. Hoa hoàng kỳ to dài hơn lá, có màu vàng và tạo thành quả như quả đậu chứa hạt hình thận bên trong. Hiện nay, nguồn nguyên liệu hoàng kỳ chủ yếu được nhập từ Trung Quốc.
Công dụng của vị thuốc hoàng kỳ
Hoàng kỳ với hệ vận động và hệ bài tiết
- Điều trị viêm thận mãn tính, tiểu buốt đục: Hoàng kỳ là vị thuốc có vị ngọt, màu vàng, dễ uống, giúp lợi tiểu, giải độc nên được dùng khá hiệu quả trong điều trị tiểu đường, tiểu buốt, tiểu đục, đạm niệu, phù thũng, viêm thận mạn tính, phong thấp và đau xương. Trong các trường hợp này, mỗi ngày có thể dùng 6 – 12 g thuốc sắc hoàng kỳ ở dạng sống (rửa sạch, ủ mềm, thái mỏng rồi phơi hoặc sấy khô) (2) (3).
- Điều trị phì đại tuyến tiền liệt: Bên cạnh đó, nếu bị phì đại tuyến tiền liệt, người bệnh có thể dùng hoàng kỳ ở dạng sống (100 g) sắc chung với hoạt thạch (30 g), sau đó trộn đều hai lần thuốc sắc với nhau rồi cho thêm 3 g hổ phách đã tán bột vào, chia thành các lần uống trong ngày và lưu ý uống thuốc vào lúc đói (2).
Hoàng kỳ giúp bồi bổ cơ thể và phòng ngừa các bệnh về hô hấp
- Suy nhược cơ thể: Hoàng kỳ còn được biết đến là loại thảo dược với sở trường bổ khí, giúp hồi phục sức khỏe do suy nhược lâu ngày. Trong trường hợp này, mỗi ngày có thể sắc uống từ 3 – 9 g hoàng kỳ ở dạng sao tẩm, tức thái hoàng kỳ thành phiến mỏng, sau đó lấy mật ong hòa với một ít nước sôi rồi để hoàng kỳ vào (tỷ lệ hoàng kỳ : mật ong là 10 kg : 2,5 kg), sau đó trộn và tẩm cho thuốc ngấm đều thì sao bằng lửa nhỏ cho đến khi ngả màu vàng và cầm không bị dính tay. Ngoài ra, có thể điều chế hoàng kỳ đã sao tẩm thành cao hoặc dạng viên cho dễ dùng (2).
- Viêm mũi dị ứng: Bên cạnh đó, vì là vị thuốc có tính ôn, thông vào phổi nên hoàng kỳ còn được dùng để phòng ngừa cảm mạo, viêm mũi dị ứng (sắc uống 15 g hoàng kỳ và 10 g đại táo mỗi ngày) (2).
Hoàng kỳ với các bệnh về tim
Nhồi báu cơ tim, thiếu máu cơ tim: Các kết quả thí nghiệm còn cho thấy hoàng kỳ làm tăng sự co bóp của tim, làm giãn mạch máu và tăng sức đề kháng của mao mạch, từ đó giúp quá trình tuần hoàn máu diễn ra tốt hơn và điều trị được bệnh mao mạch dễ bị vỡ (3). Đặc biệt, hoàng kỳ còn được dùng trong bài thuốc điều trị nhồi máu cơ tim và thiếu máu cơ tim với liều lượng là 30 g, sắc kết hợp cùng các vị thuốc khác là: xuyên khung (10 g), đương quy (12 g), đan sâm và xích thược (mỗi thứ 15 g), mỗi ngày dùng một thang, thời gian điều trị từ 4 – 6 tuần (2).
Lưu ý
- Liều lượng và tương tác thuốc: Mặc dù hoàng kỳ được xem là vị thuốc có độc tính thấp nhưng cũng cần chú ý về liều lượng và tương tác thuốc. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, cần hỏi thêm ý kiến bác sĩ để có chế độ kiêng cử phù hợp khi dùng các bài thuốc kết hợp có vị hoàng kỳ (2).
- Về tác dụng lợi tiểu: Thí nghiệm trên chó và thỏ cho thấy uống hoàng kỳ giúp lợi tiểu nhưng nếu uống quá liều thì ngược lại, lượng nước tiểu bị giảm (3).
- Đối tượng cần tránh: Những người bị suyễn do suy tim không nên dùng hoàng kỳ (vì sẽ làm tăng cơn khó thở). Bên cạnh đó, những người bị huyết áp cao cũng không nên dùng vì hoàng kỳ có công dụng thăng dương. Những người bị rối loạn tiêu hóa cũng không nên dùng (4). Ngoài ra, người đang bị các bệnh viêm nhiễm hay sốt nên tránh hoàng kỳ; phụ nữ có thai (hay đang cho con bú) cũng cần hỏi thêm ý kiến bác sĩ khi dùng hoàng kỳ làm thuốc (vì chưa có báo cáo về độ an toàn của hoàng kỳ với các đối tượng này) (5).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: