Bổ dương Ung thư tiểu đường mất ngủ sỏi thận suy thận béo phì Huyết áp cao Bệnh trĩ Viêm dạ dày Đại tràng Xương khớp Dưỡng da Tóc bạc sớm Bồi bổ Viêm gan B

Hoa nhài (lài), giá trị văn hóa và dược liệu

Cao chè vằng nguyên chất
Cây nhài lá loài cây bình dị quen thuộc với người dân Việt Nam, hoa nhài thơm, đẹp lại là một vị thuốc có những công dụng rất hữu ích trong đời sống hàng ngày. Hãy tham khảo bài viết để biết về công dụng của loài hoa đẹp này bạn nhé.
Chắc hẳn nhiều người đã nghe cuộc cách mạng phi bạo lực năm 2011 của nhân dân Tunisia còn có tên là “Cách mạng Hoa Nhài”. Lý do của tên gọi đó rất đơn giản: hoa nhài chính là quốc hoa của Tunisia.
Không chỉ thế, xung quanh hoa nhài còn có nhiều điều thú vị liên quan đến đặc điểm và giá trị của nó.

Hoa nhài trong văn hóa Á Đông

Hoa nhài trong văn hóa Á Đông có nhiều ý nghĩa khác nhau. Nói đến hoa nhài là nói đến sự trong trắng, thanh khiết nhưng cũng có khi là để ám chỉ người kỹ nữ và sự lẳng lơ vì đặc tính của nó là tỏa hương mạnh nhất về đêm (như trong bài “Mạt lị” của Nguyễn Trãi).
Ở Trung Quốc, thời nhà Thanh, hoa nhài chính thức đi vào dân ca tỉnh Giang Tô với tên gọi “Điệu hoa tươi” rất nổi tiếng trên thế giới (sau đổi thành “Mạt lị hoa” nghĩa là “Hoa nhài”) (1)
Ở Việt Nam, hoa nhài quen thuộc từ sự ví von dân dã: “Con vợ khôn lấy thằng chồng dại – Như bông hoa nhài cắm bãi phân trâu” cho đến cách nói đầy khéo léo, tu từ: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài – Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” (Ca dao).

Về cây hoa nhài

Cây hoa nhài (tên khoa học: Jasminum sambac, thuộc họ Oleaceae) còn có các tên gọi khác như Nhài ta (để phân biệt với nhài tây), Lài, Lài dây, Nhài đơn, Nhài kép, Mạt lị, Dã mạt lị, Mộc lê hoa, Dạ lai hương, Yên chi… Trong sản xuất nước hoa, nhài ta được xem là loài đem lại chất lượng tốt nhất. Hoa nhài là quốc hoa của Philipines, Pakistan, Tunisia và cũng là một trong ba quốc hoa của Indonesia. (2)
Nhài là cây bụi lâu năm, nhiều cành, lá kép hình bầu dục, có hoa nhỏ, trắng và tỏa hương thơm ngát (1,3 hoặc 5 hoa). Vẻ đẹp của hoa nhài đã được Xuân Diệu nói đến trong bài thơ “Hoa đêm” với những miêu tả mĩ lệ như: “hoa lài đúc sữa”, “miệng thở ra hương” (3)

Tác dụng của cây hoa nhài

Hoa nhài không chỉ được dùng để làm nước hoa, ướp hương cho trà mà còn được biết đến với nhiều công dụng trong y học.
Từ lâu, hoa nhài đã được dân gian dùng bằng cách đơn giản nhất là phơi khô rồi hãm và uống như trà để thanh nhiệt, giải độc, giảm cân, an thần…Cây hoa nhài
Hoa nhài tính bình, hơi hàn, vị đắng, vào hai kinh Tâm, Tỳ, được dùng trong các bài thuốc điều trị ho ra máu (hoa tươi giã nát trộn với mật ong rồi uống), tiểu ra máu (20g hoa nhài, 20g hoàng tinh nấu với 300g thịt lợn) (7), trướng bụng, lị, hạ sốt, kháng viêm (sắc 2-4g hoa khô) (4).

Tác dụng của tinh dầu hoa nhài

Mặc dù năng suất chiết xuất thu được không cao nhưng tinh dầu hoa nhài đã được biết đến với các công dụng như kháng khuẩn, an thần, giúp tinh thần thư thái. Ngoài ra, dầu hoa nhài còn được dùng để sản xuất nước hoa, kem, dầu gội, xà phòng và làm hương liệu (5).
Dân gian đã nhấn mạnh mùi thơm của dầu hoa lài qua cách nói phóng đại như sau:
“Dầu bông bưởi, dầu bông lài
Xức vô tới tết còn hoài mùi thơm”.

Tác dụng của lá cây hoa nhài

  • Được biết, lá nhài tươi vò trong nước tắm của trẻ em sẽ giúp ngăn ngừa rôm sẩy. Lá nhài tươi (cùng với hoa nhài tươi) cũng có thể giúp giảm sự tiết sữa ở phụ nữ cho con bú bằng cách giã nát rồi đắp lên ngực (4).
  • Dùng lá nhài tươi giã nát để đắp còn giúp sát trùng vết thương, điều trị nhọt ngứa và làm giảm mụn trứng cá (5).
  • Bên cạnh đó, lá nhài non cũng cho thấy hiệu quả đối với bệnh sỏi mật khi dùng biện pháp hãm trong nước nóng khoảng 4 giờ và dùng liên tiếp trong 3 tuần (6).

Tác dụng của rễ cây hoa nhài

  • Theo PTS Võ Văn Chi, có thể giã nát rễ tươi của cây hoa nhài để đắp trong các trường hợp bong gân, gãy xương. Bên cạnh đó, nước sắc từ rễ cây nhài cũng giúp giảm đau, an thần, điều kinh. (4)
  • Theo lương y Tuệ Minh và Dương Thiên, rễ cây hoa nhài đun 3 lần, phơi ba lần theo phương pháp “tam chưng tam sái” rồi sắc lấy nước uống như trà có thể điều trị chứng kinh nguyệt không đều. (7)

Tác dụng của thân cây hoa nhài

Kết quả thử nghiệm trên chuột bạch cho thấy chiết xuất ethanol từ thân cây nhài có đặc tính chữa lành vết thương (8).

Lưu ý

Phụ nữ có thai và những người đang bị suy nhược không nên dùng các thành phần từ cây nhài. Ngoài ra, không nên uống trà hoa nhài vào lúc đói.
Nếu thấy bài viết trên có ích, các bạn hãy chia sẻ trên Facebook cho người thân và bạn bè mình biết nhé. Cảm ơn bạn!

Gửi câu hỏi cần giải đáp: