Hoa mộc lan tím – từ mỹ danh đến chức năng điều trị viêm xoang: “Hoa Mộc Lan” không chỉ là mỹ danh của nữ anh hùng đi vào huyền thoại Trung Hoa mà còn là tên gọi của loài hoa cao sang, có giá trị cao cả về nghệ thuật và y học.
Tên gọi, đặc điểm
“Mộc lan” nghĩa là loài lan thân gỗ, hơn nữa, gỗ của hoa mộc lan còn là loại gỗ thơm, bền chắc (nên được dùng làm đồ mỹ nghệ, nội thất).
Hoa mộc lan còn có tên gọi phổ biến là Tân di (Tân: cay, di: loài cây bụi) bên cạnh các tên gọi khác như: mộc bút hoa, ngọc lan hoa, ngọc đường xuân, khương phác hoa… Các bạn tham khảo thông tin về vị thuốc tân di tại đây.
Nằm trong khoảng 210 loài hoa thuộc chi Mộc lan, hoa mộc lan đã sớm được dùng trong điều chế nước hoa và ướp trà với hương thơm thanh tao, quý phái. Trong đó, hoa mộc lan tím (magnolia liliiflora) còn có các tên gọi khác như Mộc lan tulip, Lily mộc lan…, là loài cây bản địa ở Tây Nam Trung Quốc, sau đó phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới và được sử dụng trong y học.
Hoa mộc lan có nhiều loại với các màu sắc khác nhau như trắng, vàng, hồng, tím…. Đây là loài cây bụi rụng lá, hoa lưỡng tính, các cánh hoa cứng, rời nhau và hoa nở rộ vào xuân.
Các bộ phận được sử dụng của cây mộc lan tím thường là hoa, búp hoa, vỏ cây… với các dạng điều chế thường thấy là sắc, hãm, xay thành bột, điều chế thành viên nén, thuốc xịt…
Tính vị
Về tính vị, búp hoa mộc lan có vị cay, tính ấm, không độc, thông vào phế và vị.
Công dụng của búp hoa mộc lan tím
Điều trị viêm xoang: Được xem như loài hoa huyền thoại, là thần dược điều trị viêm xoang, hoa mộc lan tím đã được thừa nhận có khả năng điều trị viêm mũi mãn tính, chứng chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu do phong hàn… hay các bệnh về đường hô hấp như ho đờm, hen suyễn… Cách dùng đơn giản nhất: là sao vàng khoảng 4g – 5g búp hoa mộc lan tím khô rồi sắc lấy nước, chia làm 3 lần uống trong ngày.
Giảm stress: Ngoài ra, hoa mộc lan tím còn được dùng nhằm mục đích giảm cân, giảm stress. Một vài nghiên cứu cho thấy những người phụ nữ thừa cân khi sử dụng các sản phẩm có chiết xuất từ hoa mộc lan không bị tăng cân so với các phụ nữ khác. Điều này được giải thích là do hoa mộc lan có thể giúp giảm tress – một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ăn uống quá mức.
Giảm đau, an thần: Bên cạnh đó, hoa hoặc búp hoa mộc lan tím cũng rất tốt cho gan, có tác dụng giảm đau, giảm sự mẫn cảm của cơ thể với điều kiện môi trường, giúp an thần và làm thuốc bổ.
Tốt cho răng miệng: Thêm vào đó, sử dụng kem đánh răng có chứa chiết xuất hoa mộc lan 0,3 % theo liều lượng hai lần mỗi ngày và liên tục trong 3 tháng cũng giúp cải thiện tình trạng sưng nướu, chảy máu chân răng.
Công dụng của rễ, vỏ cây mộc lan tím
Rễ cây mộc lan tím có vị ngọt, hơi chát, tính bình, có tác dụng trừ phong, giảm đau lưng. Vỏ cây mộc lan tím nấu nước uống giúp mát gan, sáng mắt.
Bên cạnh đó, nhai kẹo cao su có chiết xuất vỏ cây mộc lan 0,17% và xylitol 30% trong khoảng 5 phút, ba lần mỗi ngày và liên tục trong một tháng cũng giúp giảm tình trạng viêm nướu (theo webmd.com).
LƯU Ý:
– Khi dùng búp hoa mộc lan tím làm thuốc nên chùi sạch lông hoặc cho vào túi vải buộc kín để tránh bị lông mao của hoa làm vướng cổ họng, gây ho và ngứa.
– Ngoài ra, vì tác dụng của hoa mộc lan tím có thể gây ra các cơn co thắt tử cung (khiến sảy thai) nên phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú cũng không nên dùng.
– Bên cạnh đó, không nên dùng hoa mộc lan tím khi đang uống rượu bia hoặc các chất có cồn. Khi dùng loại thảo dược này quá liều (nhất là vỏ cây) cũng có thể dẫn đến hiện tượng chóng mặt, buồn ngủ.
– Đối với trường hợp người bệnh có kế hoạch giải phẫu trong hai tuần thì không nên dùng hoa mộc lan tím vì nó làm chậm quá trình đông máu.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: