Hoa đậu biếc trong các món ăn, thức uống
Bạn đã uống trà đậu biếc chưa? Thật ra, nếu bạn muốn uống một ly nước thật thơm thì trà đậu biếc sẽ khiến bạn thất vọng vì nó không thơm ngát, thơm lừng hay thơm nồng như nhiều loại trà khác. Nó là một loại nước có hương rất nhẹ, nhẹ đến mức bị nhòa đi giữa cái màu xanh tuyệt đẹp của nó. Thế nhưng, nếu muốn tạo ra mùi hương cho trà đậu biếc thì cũng chẳng khó gì vì bạn có thể kết hợp đậu biếc với các loại trà thơm khác. Và như vậy, bạn sẽ có trà chanh đậu biếc, trà xanh đậu biếc, trà sữa đậu biếc, trân châu đậu biếc..
Điều đặc biệt là, chỉ cần lấy 3 hoặc 4 bông đậu biếc khô (hoặc tươi), hãm trong nước sôi rồi vớt bỏ bã, sau đó vắt thêm một ít nước chanh vào thì nước trà sẽ chuyển thành màu tím ngay tức khắc. Điều này có được là nhờ hoạt chất tạo màu trong nụ đậu biếc rất nhạy với môi trường axit, vì vậy, khi gặp nước cốt chanh thì phản ứng đổi màu sẽ diễn ra.
Không chỉ được dùng làm thức uống, hoa đậu biếc còn được dùng để tạo màu tự nhiên cho các món ăn như cơm, xôi, chè, mứt, bánh bột, rau câu… và cả những sản phẩm handmade (như xà phòng). Nhìn chung, so với màu thực phẩm tổng hợp thì màu tự nhiên từ cánh hoa (cũng như màu từ củ dền, cà rốt, lá cẩm…) sẽ là sự lựa chọn hấp dẫn cho các chị em về tính an toàn. Hơn nữa, có những loại màu tổng hợp nếu dùng nhiều thì món ăn sẽ có vị hơi đắng, kém ngon.
Vài nét về hoa đậu biếc
Hoa đậu biếc là hoa của cây đậu biếc, hay còn gọi là cây bông biếc, đậu hoa tím, có tên khoa học là Clitoria ternatea, thuộc họ Đậu: Fabaceae (1).
Đây là loại dây leo như đậu rồng, đậu đũa, rất dễ trồng và cho rất nhiều hoa. Chỉ cần trồng hai, ba hạt, cây sẽ bò và nở thành cả giàn hoa. Vì vậy, người ta thường trồng đậu biếc quanh nhà để vừa làm cảnh, vừa lấy hoa làm màu thực phẩm.
Hoa đậu biếc có thể dùng tươi, dùng khô hay dùng dưới dạng bột đều được. Tuy nhiên, trong quá trình phơi hoa các bạn nên phơi dưới nắng nhẹ, chỗ có gió mát cho mau khô vì có ý kiến cho rằng phơi hoa dưới nắng gắt thì sẽ dễ bay màu.
Công dụng của hoa đậu biếc đối với sức khỏe
Công dụng của hoa đậu biếc chưa được ghi chép trong các sách y học. Tuy nhiên, theo các kết quả nghiên cứu hiện đại thì trong cây đậu biếc có một số hoạt chất có thể ngăn ngừa và điều trị bệnh.
1. Hoạt tính chống oxy hóa
Theo tạp chí Phytotherapy research, chiết xuất nước từ cánh hoa của loài cây này có tác dụng chống oxy hóa cao (cao hơn chiết xuất ethanol). Vì vậy, ở Thái Lan, chiết xuất từ hoa đậu biếc đã được dùng với vai trò là chất chống oxy hóa trong mỹ phẩm (2).
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất từ bông đậu biếc còn giúp bảo vệ gan và chống lại tổn thương tinh hoàn ở chuột (theo tạp chí Journal of Zhejiang Univerity – Science B (3).
Những lưu ý khi dùng cây đậu biếc
- Liều lượng: Với liều cao, bông đậu biếc sẽ gây ngộ độc. Tuy nhiên, vì hoa đậu biếc ra màu tự nhiên rất tốt, vì vậy, mỗi ngày bạn chỉ cần dùng khoảng 3 – 4 bông hoa là đã có được ly nước mát cho mình mà không gây hại cho sức khỏe. Vì nước bông đậu biếc hơi nhạt nên bạn cần cho thêm đường.
- Một số đối tượng cần tránh: Trong bông đậu biếc có chứa chất anthocyanin, chất này có thể gây ức chế kết tập tiểu cầu và làm tăng sự co bóp ở tử cung. Vì vậy, phụ nữ mang thai và đang có kinh nguyệt không nên dùng. Ngoài ra, những người sắp phẫu thuật (trong vòng nửa tháng) hoặc đang dùng các thuốc chống đông máu cũng không nên dùng (6).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: