1. Kim tiền thảo
Kim tiền thảo có tên khoa học là Desmodium styracifolium (Osb.) Merr. thuộc họ Đậu (Fabaceae). Ngoài ra, dân gian còn gọi kim tiền thảo với nhiều tên gọi khác nhau như: đồng tiền lông, mắt trâu, vảy rồng, dây sâm lông.
1.1.Đặc điểm thực vật
Kim tiền thảo là cây thảo, mọc bò, sau đứng thẳng, cao 0.3 – 0.5m. Ngọn non dẹt, có khía và lông tơ trắng. Lá mọc so le gồm 1 hoặc 3 lá chét hình tròn, dài 1.5 – 3.4cm, rộng 2 – 3.5cm, mặt trên màu lục xám nhạt, có gân rất rõ, mặt dưới phủ lông màu trắng bạc, mềm như nhung.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá hoặc đầu ngọn thành chùm ngắn hơn lá, lá bắc sớm rụng. Hoa màu hồng, đài 4, có lông ngắn, tràng có cánh cờ hình bầu dục.
Kim tiền thảo chữa sỏi thận
1.2. Tác dụng của kim tiền thảo trong chữa trị sỏi thận
Theo quan điểm của đông y, kim tiền thảo có vị ngọt, tính mát, quy vào các kinh can, thận, bàng quang và có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, lợi tiểu.
Trong dân gian, nhân dân ta đã sử dụng kim tiền thảo để chữa sỏi thận, sỏi đường tiết niệu, viêm gan vàng da. Liều dùng hàng ngày là từ 15 – 30g, sắc nước uống.
Để lý giải cho tác dụng chữa sỏi thận của kim tiền thảo thì y dược học hiện đại cũng có nhiều nghiên cứu để chứng minh cho công dụng này:
– Trong kim tiền thảo có chứa các saponin triterpenic, trong đó có chất soyasaponin 1 đã được chứng minh là có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi Ca oxalat ở thận. (Hirayma H. và cộng sự 1993).
– Không những vậy, cao kim tiền thảo thí nghiệm trên chuột cống trắng có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi calci oxalat ở thận do polysaccharid ức chế sự tăng trưởng của Ca oxalat monohydrat (Li Huizhi và cộng sự, 1992) đồng thời làm tăng lượng bài tiết nước tiểu.
Để chữa sỏi đường tiết niệu, bạn có thể tham khảo một số bài thuốc có kim tiền thảo như sau:
– Bài thuốc số 1: kim tiền thảo 30g, hải kim sa 15g (gói trong vải), đông quỳ tử 15g, xuyên phá thạch 15g, hoài ngưu tất 12g, hoạt thạch 15g. Sắc nước uống.
– Bài thuốc số 2: kim tiền thảo 30g, xa tiền tử 15g, chích sơn giáp, thanh bì, ô dược, đào nhân mỗi vị 10g, xuyên ngưu tất 12g. Sắc nước uống.
– Bài thuốc số 3: Kim tiền thảo 40g, mã đề 20g, tỳ giải 20g, trạch tả 12g, uất kim 12g, ngưu tất 12g, kê nội kim 8. Các vị trên thái nhỏ, phơi khô sắc với 400ml nước còn 100ml uống làm 2 lần trong ngày.
Nếu bệnh nhân tiểu ra máu có thể thể nhọ nồi 16g, hoặc có thể sử dụng bài thuốc: kim tiền thảo, mã đề, rễ dền ai (sao vàng), rễ thiên lý, bỏ bí đạo, rễ cỏ tranh, đậu đen (sao thơm); mỗi vị 12g, sắc nước uống.
2. Râu mèo
Râu mèo có tên khoa học là Orthosiphon aristatus (Blume) Miq. thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae). Ngoài ra, râu mèo còn có tên gọi là cây bông bạc.
2.1. Đặc điểm thực vật
Râu mèo là cây thảo, sống lâu năm, cao 0.3 – 0.5 m, thân mảnh cứng, hình vuông, mọc đứng, thường có màu nâu tím, nhẵn hoặc có ít lông, ít phân cành.
Lá mọc đối, hình trứng, dài 4 – 6 cm, rộng 2.5 – 4 cm, gốc tròn, đầu nhọn, mép có khía răng to, gân lá hơi nổi rõ ở mặt dưới, cuống lá dài 3 – 4 cm.
Cụm hoa mọc thẳng ở ngọn thân hay đầu cành, dài 8 – 10 cm, gồm 6 – 10 vòng, mỗi vòng có 6 hoa màu trắng hoặc hơi tím, lắc bắc nhỏ rụng sớm, đài hình chuông có 5 răng.
Râu mèo cũng là thảo dược rất tốt cho bệnh nhân tiểu đường
2.2. Tác dụng của râu mèo trong việc chữa sỏi thận
Theo một số nhà nghiên cứu Ấn Độ thì râu mèo là loài cây rất có lợi trong điều trị các bệnh lý liên quan tới thận và phù thũng.
Theo kết quả nghiên cứu trên bệnh nhân, râu mèo có tác dụng làm kiềm hóa máu, sự có mặt của hoạt chất orthosiphonin và muối kali có trong loại dược liệu này có tác dụng giữ cho acid uric và muối urat ở dạng hòa tan, do đó phòng ngừa được sự lắng đọng của chúng để tạo thành sỏi thận.
Ở Thái Lan, thí nghiệm trên những người tình nguyện khỏe mạnh thì thấy rằng dịch chiết râu mèo có tác dụng làm tăng sự bài tiết citrat và oxalat. Oxalat với hàm lượng cao có thể làm tăng nguy cơ hiinfh thành sỏi thận, sự tăng cường bài tiết citrat giúp ngăn ngừa hình thành sỏi thận.
Còn theo quan điểm của đông y thì râu mèo có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, trừ thấp.
Theo kinh nghiệm dân gian, râu mèo cũng được sử dụng với mục đích là lợi tiểu trong điều trị các bệnh như sỏi thận, sỏi mật, phù thũng, tê thấp.
Liều dùng: 5 – 12g lá hãm với nước sôi, chia làm 2 lần uống trước khi ăn cơm 15 – 30 phút. Nên uống lúc nước hãm còn nóng.
Ngoài ra, dân gian còn sử dụng bài thuốc sau đây có chứa râu mèo để chữa trị cho bệnh nhân tiểu ra sỏi, tiểu ra máu, tiểu buốt: râu mèo 40g, thài lài trắng 30g. Sắc lấy nước, mỗi lần hòa thêm 6g bột hoạt thạch uống trong ngày, chia làm 3 lần, uống trong 5 – 7 ngày.
3. Cây thạch vĩ
Thạch vĩ có tên khoa học là Pyrrosia lingua (Thunb.) Farwell, thuộc họ Ráng (Polypodiaceae). Thạch vĩ còn có tên gọi khác là cây lưỡi mèo, kim tinh thảo.
3.1. Đặc điểm thực vật
Thạch vĩ là loài cây dương xỉ nhỏ, có thân rễ bò dài, phủ nhiều vảy hình ngọn giáo, có màu nâu sẫm ở phần gốc. Lá mọc từ thân rễ, cách xa nhau, có 2 loại:
- Lá không sinh sản có cuống ngắn, hình trái xoan, hai mặt nhẵn.
- Lá sinh sản có cuống dài, có lông hình sao, hình mũi mác, dài 8 – 20 cm, mặt dưới màu lục nâu nhạt, mang nhiều túi bào tử xếp dày đặc trừ gân chính.
Bộ phận dùng làm thuốc của thạch vĩ là toàn cây hoặc thân rễ thu hái quanh năm rửa sạch, cắt đoạn, phơi hoặc sấy khô.
3.2. Tác dụng của thạch vĩ trong chữa sỏi thận
Thạch vĩ có vị đắng, hơi cay, tính hàn, quy vào 2 kinh: phế và bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, chỉ huyết, tiêu thũng, tán kết, lợi tiểu.
Theo kinh nghiệm dân gian, thạch vĩ được dùng làm thuốc lợi tiểu trong những trường hợp sỏi đường tiết niệu, tiểu ra máu, viêm niệu đạo, bàng quang. Ngày dùng 6 – 12g dưới dạng thuốc sắc.
Như vậy, dùng thạch vĩ cho bệnh nhân sỏi thận có thể giúp tống xuất sỏi qua đường tiết niệu, ngăn chặn sự hình thành và phát triển của những loại sỏi mới.
Ngoài ra, nhân dân ta còn dùng một số bài thuốc có chứa thạch vĩ giúp làm giảm triệu chứng của bệnh nhân sỏi thận như:
– Bài thuốc số 1 chữa tiểu buốt, sỏi đường tiết niệu: thạch vĩ 12g sắc nước uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với hoạt thạch, xa tiền.
– Bài thuốc số 2 chữa tiểu tiện ra máu: thạch vĩ phơi khô tán thành bột mịn, mỗi lần uống 8g với nước sắc cành cây cà làm thang.
4. Những lưu ý đối với bạn khi sử dụng cây thuốc nam chữa sỏi thận
Chúng tôi biết rằng rất nhiều người có quan điểm rằng dùng cây thuốc nam hay các bài thuốc đông y thì không có gặp phải tác dụng phụ gì.
Tuy nhiên, đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm, dù là cây thuốc nam hay bài thuốc đông y vẫn tiềm ẩn những nguy cơ gây ra nhiều tác dụng phụ, biến chứng nếu chúng ta sử dụng sai cách. Vì vậy để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng các cây thuốc nam chữa sỏi thận thì bạn nên lưu ý:
– Chỉ sử dụng các cây thuốc nam, bài thuốc đông y khi có sự chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối bạn không nên sử dụng tùy ý để tránh những tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn nguy hiểm có thể xảy ra.
– Trong quá trình sử dụng, nếu phát hiện những vấn đề bất thường thì bạn nên tạm ngừng sử dụng và báo cáo cho bác sĩ điều trị để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Hy vọng rằng qua những thông tin mà bài viết đã chia sẻ đã giúp bạn có thêm nhiều kiến thức bổ ích về các cây thuốc chữa sỏi thận. Chúc bạn và gia đình sẽ mạnh khỏe và chữa khỏi bệnh sỏi thận.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: