Vài nét về hạt dẻ cười
Tên khoa học của cây dẻ cười là Pistacia vera, hay còn gọi là cây hồ trăn, thuộc họ Đào lộn hột (2).
Hạt này trông bên ngoài như một con sò tí hon đang hé miệng với hai cái vỏ trắng ngà. Trong nhiều đám cưới sang trọng, loại hạt này thường được mời khách tráng miệng vì nó thơm ngon và dễ ăn. Ở Trung Quốc, hạt này được gọi là khai tâm quả (开心果), nghĩa là hạt vui vẻ (1).
Thông thường, hạt dẻ cười được ăn như một món ăn chơi, có thể ăn riêng và ngon nhất là rang muối (bên cạnh đó còn có thể cho thêm vào bánh hay sinh tố…).
Hạt dẻ cười và những lợi ích cho sức khỏe
Hạt dẻ cười chứa nhiều chất dinh dưỡng đáng kể như chất đạm, chất béo, đường, Ma giê, Ka li, Phốt pho, vitamin B6, vitamin B1… Đặc biệt, vitamin B6 là chất rất có ý nghĩa đối với cơ thể, giúp ngăn ngừa thiếu máu, cải thiện chức năng não, sự nhận thức và tăng cường miễn dịch (6).
Liều lượng: Mỗi người chỉ nên ăn khoảng 20 hạt (không quá 40 hạt) và phụ nữ mang thai thì không nên ăn quá 15 hạt/ ngày. Ngoài ra, nếu ăn quá nhiều hạt dẻ cười, bạn sẽ dễ bị tăng cân (4).
Lưu ý khi dùng
- Đối tượng cần tránh: Người đang bị bệnh về đường ruột (dạ dày) không nên ăn loại hạt này vì nó dễ khiến bệnh trở nên nặng hơn. Bên cạnh đó, người đang bị bệnh, cảm lạnh và các bà mẹ sau sinh cũng cần hạn chế ăn loại hạt này.
- Dị ứng: Hạt dẻ cười thơm, béo và ngon không thua hạt điều nhưng nó cũng có nguy cơ gây dị ứng (tương tự như hạt điều), với các biểu hiện thường gặp là ngứa, đau bụng, tiêu chảy…
- Lựa chọn: Trên thị trường, hạt dẻ cười thường được bán dưới dạng sấy khô, chiên và rang muối. Mặc dù loại rang muối mặn mặn dễ ăn và ngon nhất nhưng nó lại chứa một lượng muối có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người đang bị bệnh thận (hoặc tim mạch). Bên cạnh đó, khi mua hạt này, bạn nên lựa chọn nơi uy tín để tránh việc mua nhầm loại hạt bị tẩy trắng bằng hóa chất. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý xem hạt có bị nấm mốc hay có mùi kỳ lạ hay không (4).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: