Người bệnh đau nhức và sưng các khớp, nhất là những khớp xương nhỏ của bàn tay và bàn chân.
Theo thuocnam.mws.vn, đau nhức xương khớp thuộc phạm vi chứng tý, nguyên nhân do khí huyết không lưu thông tốt, gây ra bế tắc kinh lạc. Bệnh chia làm hai thể: do phong hàn và thấp nhiệt gây ra. Ngoài việc dùng thuốc thì dược thiện cũng là một phương pháp độc đáo hỗ trợ điều trị hiệu quả. Xin giới thiệu một số món ăn thuốc tốt cho người bị phong tê thấp.
Phong thấp thể phong hàn: Người bệnh đau nhức trong xương, chủ yếu hai chi dưới. Đau âm ỉ, khi gặp gió lạnh thì đau tăng lên. Chân bên đau bị lạnh, đau nhức kéo dài làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, cơ thể suy nhược, ăn uống kém, hạn chế vận động. Nên dùng các món sau:
Thịt chó hầm đỗ trọng, nam tục đoạn: thịt chó lọc bỏ xương 400g, đỗ trọng 15g, nam tục đoạn 16g; riềng mẻ, mắm tôm, mì chính vừa đủ; nước dừa 30ml, thêm một ít trần bì. Thịt chó thái miếng vừa, cho vào nồi cùng riềng mẻ, mắm tôm, mì chính, nước dừa, trộn đều. Đỗ trọng, nam tục đoạn cho vào nồi đổ 1 bát nước nấu sôi kỹ, chắt lấy 40ml nước thuốc cho vào nồi thịt trộn đều ướp trong 30 phút, cho lên bếp hầm trong lửa nhỏ khoảng 1 giờ rưỡi là được. Riềng có mùi thơm, tính ôn ấm, bổ tỳ, mạnh gân xương; đỗ trọng bổ thận, mạnh xương cốt; nam tục đoạn giảm đau khứ tà. Các vị hợp lại tác dụng ôn kinh tán hàn chỉ thống, rất thích hợp cho người bị đau nhức xương khớp do phong hàn lâu ngày không được hóa giải.
Thịt bò xào lá lốt rất tốt cho người bị đau nhức xương khớp do phong hàn.
Thịt bò xào lá lốt: thịt bò loại một 300g, lá lốt 50g, tỏi gừng hành, nước mắm, mì chính vừa đủ, rượu 1 ly nhỏ. Thịt bò rửa sạch, thái lát mỏng, ướp với hành gừng tỏi, mì chính, nước mắm ngon và rượu. Lá lốt rửa sạch thái ngắn. Phi tỏi cho thơm, thịt bò đã ướp gia vị cho vào xào nhanh tay, cho lá lốt vào xào tiếp trên lửa to, nêm gia vị xào thêm một lát là được. Ăn nóng cùng với cơm. Công dụng: lá lốt ôn trung tán hàn, giảm đau, khứ tà. Thịt bò giàu dinh dưỡng, gừng tỏi nước mắm làm cho món ăn thơm ngon hấp dẫn. Dùng 3 – 4 lần một tuần, có thể dùng kèm 1 ly rượu thuốc gồm: đỗ trọng 10g, rễ bưởi bung 10g, ngũ gia bì 10g, cẩu tích 10g, thục địa 10g, dâm dương hoắc 10g, thiên niên kiện 10g, nam tục đoạn 10g, quế vỏ 10g, rễ xấu hổ 10g, trần bì 10g, đại táo 10g, cam thảo 10g. Các vị thái nhỏ cho vào bình ngâm với 1 lít rượu trắng, sau 15 ngày là dùng được. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ (30 – 50ml) trong bữa cơm.
Phong thấp thể thấp nhiệt: Người bệnh đau nóng đỏ các khớp xương, đau có tính chất cố định. Nguyên nhân do âm hư sinh nội nhiệt, kết hợp với thấp tà ứ kết lâu ngày sinh ra. Kèm theo người bệnh trằn trọc mất ngủ, chất lưỡi đỏ, váng đầu, bốc hỏa từng cơn. Nếu là nam giới dễ bị di tinh hoạt tinh, răng lung lay… Nên dùng các món sau:
Cháo vịt, ngân hoa, liên kiều: thịt vịt 400g, ngân hoa, liên kiều mỗi vị 15g; gạo tẻ 100g; gia vị mắm muối vừa đủ. Thịt vịt chặt miếng to. Ngân hoa, liên kiều cho vào nồi sắc với 300ml nước, lọc bỏ bã lấy nước cho gạo đã vo sạch và thịt vịt vào hầm cháo, cháo chín cho gia vị, rau thơm, chia ăn trong ngày. Công dụng: thịt vịt bổ âm, bổ thủy. Ngân hoa, liên kiều thoái nhiệt, giảm đau, tiêu độc trừ tà.
Đậu đen hầm thịt dê: thịt dê 150g, đậu đen 120g, địa cốt bì 15g. Tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm cho chín mềm, ăn với cơm.
Chân giò lợn hầm khởi tử, mướp đắng: móng giò lợn 1 cái khoảng 500g, khởi tử 15g, mướp đắng 60g. Chân giò làm sạch, cắt miếng; khởi tử rửa qua nước ấm; mướp đắng rửa sạch thái lát. Cả 3 thứ cho vào nồi, đổ nước vừa đủ hầm cho chín mềm, nêm gia vị, ăn trong ngày.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: