Thuở nhỏ, tôi là một đứa trẻ hay bệnh và phải dùng dược thảo rất nhiều. Trong đó, thuốc kê theo từng thang là dạng tôi phải dùng thường xuyên nhất. Đó là những gói thuốc được mẹ tôi mua hoặc xin từ các nhà thuốc, các hội từ thiện…
Ngày ấy, mỗi khi tôi nũng nịu đòi uống thuốc viên, thuốc bột thay cho thuốc thang, mẹ tôi lại dỗ: “Rán chịu đắng đi con. Thuốc thang uống mới mau hết bệnh”. Mẹ tôi tin rằng qua quá trình nấu thuốc, tinh chất từ thuốc sẽ được chiết xuất tối đa.
Tôi nhớ có một lần, tôi phàn nàn vì thấy trong gói thuốc của mình có lẫn các hạt sạn đá và đất (có lẽ là do sơ suất trong quá trình phơi phóng). Khi tôi định sàng thuốc để loại bỏ đất, đá ra thì mẹ tôi ngăn lại: “Sao lại bỏ ra ngoài? Thuốc mà có đất thì càng “lên thuốc” chứ có hại gì đâu! Người ta còn tự lấy đất bỏ thêm vào thuốc để nấu nữa kìa.” Tôi tò mò, gặng hỏi lý do thì bà nói lảng sang chuyện khác. Từ đó, mặc dù trong lòng luôn thắc mắc nhưng trước mỗi lần nấu thuốc, tôi đều chỉ rửa nhẹ để loại trừ bụi, mối mọt… và không lấy làm khó chịu khi thấy đất, đá lẫn vào thuốc nữa. Dần dần, để đỡ tốn công tìm xem có đất lẫn trong thuốc không, tôi luôn chuẩn bị một thỏi đất nhỏ để cho thêm vào thang thuốc của mình.
Lớn lên, tôi hiểu rằng câu chuyện cho thêm đất vào nấu cùng với thuốc là có lý do của nó.
Nguyên lý ngũ hành và mối quan hệ với câu chuyện sắc thuốc
Theo triết học cổ Trung Hoa, năm trạng thái của vạn vật (Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ) tồn tại theo hai mối quan hệ cơ bản là tương sinh, tương khắc. Theo nguyên lý tương sinh thì Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim.
Theo nguyên lý tương khắc thì Kim khắc Mộc, Thủy khắc Hỏa, Mộc khắc Thổ, Hỏa khắc Kim, Thổ khắc Thủy. Trong mỗi thang thuốc mà chúng ta thường dùng có sự tham gia của các dạng vật chất thuộc về các hành như: ấm sắc thuốc bằng kim loại (hành Kim) hoặc bằng đất (hành Thổ), nước để sắc thuốc (hành Thủy), cây thuốc (hành Mộc), lửa (hành Hỏa). Vì thế, nếu một thang thuốc được nấu trong vật chứa là kim loại thì nó hội tụ đủ Ngũ hành nhưng hiệu quả của quá trình sắc thuốc lại không cao. Bởi lẽ, theo nguyên lý tương khắc vừa kể trên thì Kim khắc Mộc. Điều đó cũng có nghĩa là, ấm nấu thuốc bằng kim loại (Kim) mặc dù là vật dẫn nhiệt tốt, khá phổ biến nhưng nó lại áp chế thảo dược (Mộc). Do đó, tinh chất thu được từ quá trình nấu thuốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ngược lại, nếu dược liệu được nấu trong ấm đất hay sứ thì chất thuốc thu được sẽ cao hơn bởi Thổ được xem là môi trường hỗ trợ, nuôi dưỡng, phát triển của vạn vật. Hơn nữa, nếu xét về nguyên lý tương khắc thì Mộc (dược liệu) lại khắc Thổ nên sự tham gia của hành Thổ (ở một lượng vừa đủ) không ảnh hưởng đến hành Mộc (dược liệu) mà còn giúp tránh được hạn chế Kim khắc Mộc (nếu dùng ấm kim loại) vừa kể trên đây. Nói cách khác, sử dụng ấm sắc thuốc được làm từ các chất liệu thuộc hành Thổ như đất, gạch, sứ… thì chất thuốc thu được sẽ cao hơn.
Cách điều hòa ngũ hành khi sắc thuốc trong ấm kim loại
Có thể thấy rằng, mặc dù ấm sắc thuốc bằng đất nung hay sứ là sự lựa chọn tốt nhất nhưng ông bà ta cũng có cách khác để điều hòa Ngũ hành trong thang thuốc của mình. Đó là cách cho thêm một ít đất vào thuốc khi nấu trong ấm kim loại. Theo cách này, Thổ sẽ áp chế, kìm tỏa Kim (Thổ khắc Kim), từ đó gián tiếp giúp giảm sự áp chế của Kim lên Mộc (Kim khắc Mộc).
Bây giờ, mỗi khi nấu một thang thuốc mà vô tình thấy cát, đá, đất bị lẫn vào, tôi lại thấy trân trọng làm sao! Tôi nghĩ về những người uống thuốc thì có người mau hết bệnh, có người lâu hơn. Phải chăng, nguyên lý về Ngũ hành cũng là một trong những nguyên nhân làm nên sự khác biệt?
Gửi câu hỏi cần giải đáp: