Cụm hoa mọc ở kẽ những lá đã rụng, mọc thành chùm phân nhiều nhánh. Hoa nhỏ, màu vàng lục, có 3 cánh hoa. Quả hình trái xoan, khi chín có màu vàng, chứa một hạt hơi dẹt.
2. Fibraurea tinctoria Lour: khác với loài trên ở chỗ lá có mũi nhọn rõ hơn. Cụm hoa ngắn hơn, ít phân nhánh. Lá đài ngoài hình tam giác, mép lá nham nhở.
Mùa hoa quả của cả hai loài vào tháng 3–7.
Bộ phận dùng của hoàng đằng
Cây được dùng rễ và thân, cành già để làm thuốc, thu hái vào tháng 8 và tháng 9. Sau khi thu hoạch, đem rửa sạch rồi chế biến như sau:
- Hoàng đằng phiến: thái dược liệu thành phiến vát, dày 1–3mm, phơi hoặc sấy khô. Nếu là rễ và thân khô thì đem ngâm, ủ mềm rồi thái phiến vát như trên, đem phơi hoặc sấy khô.
- Hoàng đằng sao: lấy hoàng đằng phiến đem sao tới khô vàng.
Tác dụng, công dụng của hoàng đằng
Dược liệu hoàng đằng có những công dụng gì?
Một số tác dụng dược lý của hoàng đằng là:
- Kháng khuẩn
- Kháng trypanosoma
- Tác dụng với hệ thần kinh trung ương
- Tác dụng đối với hệ tim mạch (hạ huyết áp, đối kháng với loạn nhịp tim…)
- Chống sốc phản vệ
Tuy nhiên, những tác dụng trên đa số được thực hiện trong phòng thí nghiệm và trên động vật, cần có nhiều bằng chứng lâm sàng hơn nữa.
Trong Đông y, hoàng đăng có vị đắng, tính hàn, quy vào hai kinh tâm và can. Vị thuốc này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, lợi thấp, thông tiện.
Theo kinh nghiệm dân gian, hoàng đằng được dùng làm thuốc bổ, chữa các chứng viêm tấy, kiết lỵ, tiêu chảy, sốt rét, bệnh về gan, nóng trong người, lở ngứa ngoài da, mắt đỏ có màng, viêm tai chảy mủ.
Hoạt chất palmatin chữa đau mắt, tiêu chảy, kiết lỵ, viêm âm đạo do nấm. Tetrahydropalmatin clorua được điều chế từ palmatin làm thuốc an thần, giảm đau.
Ở Trung Quốc, rễ hoàng đằng mài với nước, dùng bôi ngoài để chữa mụn nhọt, bỏng; thân lá nấu nước tắm chữa đau lưng còn nước sắc của dược liệu này được dùng rửa vết thương.
Liều dùng thông thường của hoàng đằng là bao nhiêu?
Liều dùng hàng ngày thường là 6–12g, sắc nước uống và nấu nước rửa ngoài. Có thể dùng ở dạng bột, viên.
Một số bài thuốc có hoàng đằng
Hoàng đằng được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Chữa kiết lỵ
Rễ hoàng đằng phơi khô, thái nhỏ tán thành bột. Vỏ thân cây mức hoa trắng nấu với 2 lần nước rồi cô thành cao mềm. Mỗi lần dùng 6g bột hoàng đằng và 1g cao mức hoa trắng, uống ngày 2 lần.
Có thể dùng cao hoàng đằng phối hợp với cao cỏ sữa lá to làm thành viên 0,3g. Mỗi viên tương đương 1g hoàng đằng khô và 0,5g cỏ sữa khô. Người lớn uống 6–8 viên/ngày, chia làm 2 lần. Trẻ em tùy theo độ tuổi có thể uống 1–5 viên/ngày.
Ngoài ra, viên palmatin clorua 0,02g cũng có khi dùng cho người lớn (uống 4–10 viên/ngày) và viên 0,005g cho trẻ em (uống 2–6 viên/ngày). Mỗi đợt dùng từ 5–7 ngày.
2. Chữa viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, viêm gan do virus, bạch đới, tiểu ra máu
Hoàng đằng, mộc thông, huyết dụ mỗi vị 10–12g. Sắc lấy nước uống.
3. Chữa lỵ amip và trực trùng
Hoàng đằng tán bột làm thành viên 0,01g. Ngày uống 10–20 viên.
Lưu ý, thận trọng khi dùng hoàng đằng
Khi dùng hoàng đằng, bạn nên lưu ý những gì?
Để sử dụng hoàng đằng một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc Đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với dược liệu này.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Mức độ an toàn của hoàng đằng
Phụ nữ mang thai và những người mắc bệnh có tính hàn không nên sử dụng dược liệu này.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: