Tôi biết chị trong một lần đi hốt thuốc Nam tại một hội từ thiện vào khoảng hơn 5 năm trước. Theo thường lệ và vì tính tò mò, sau khi hốt thuốc cho mình xong, tôi thường ở lại chơi để xem các cô chú trong hội bào chế thuốc và điều trị một số bệnh tại chỗ như thế nào.
Hình như hôm ấy chị là người đến trễ nhất và cũng khép nép nhất. Trên gương mặt khả ái của chị, tôi thoáng thấy một nét buồn khó tả. Đến khi mọi người thăm hỏi tình trạng bệnh của chị, tôi mới biết chị bị bướu cổ. Đến lúc ấy, tôi mới để ý đến cái áo khoác được kéo kín cổ và mái tóc để xõa như muốn che thêm.
Thật ra, cục bướu không to lắm nhưng nét ngại ngùng vẫn hiện ra rõ trên gương mặt của chị khi cho mọi người xem. Một lát sau, các cô chú cho chị uống thứ nước màu xanh, bó hỗn hợp bã thuốc vào chỗ nổi bướu rồi hỏi chị có thấy khó chịu gì không.
Với nụ cười e thẹn dù đã bớt sự ngại ngùng, chị lắc đầu, bảo cơ thể bình thường và ngỏ ý xin biết bài thuốc trên để có thể điều trị tại nhà (vì nhà chị khá xa) hoặc phổ biến cho mọi người cùng biết. Một phụ nữ trong nhóm làm thuốc đã hướng dẫn rất tỉ mỉ nhưng đại khái có thể tóm gọn như sau:
Cách dùng cây dừa cạn
Lấy 2 hoặc ba lá lược vàng non, nửa lá trinh nữ hoàng cung non và một nắm rau dừa cạn (1 nhánh nhỏ mà khi bẻ cúp, gom lại thì dài khoảng 1 gang tay và nắm lại thì đường kính khoảng 1 cm). Sau đó nhồi hoặc giã cho nát rồi cho thêm một chút muối vào, vắt lấy nước để uống (chia nước làm 2 lần uống trong ngày) và phần bã thì đắp lên cổ rồi dùng vải bó lại, đến chiều thì tháo bỏ đi.
Mỗi ngày đều làm như thế thì mục bướu sẽ dần nhỏ lại cho đến khi hết hẳn (thường thì khoảng 1 tháng). Tuy nhiên, thuốc hơi chát nhẹ nên có thể hơi khó uống và đặc biệt là không nên lạm dụng thuốc. Người hướng dẫn còn cho biết thêm bài thuốc trên điều trị được tất cả các loại bướu, điều trị được u nang và còn giúp tan mỡ bụng.
Nghe đến đấy, tôi thấy chị khẽ cười (bởi chị khá gầy) rồi thật thà thú nhận rằng không biết cây dừa cạn và cây lược vàng hình dáng thế nào. Thế là tôi cùng chị theo chân người hướng dẫn ra vườn thuốc, vừa đi vừa trò chuyện theo kiểu xã giao.
Khi dừng lại bên một đám cây lá xanh mọng, người hướng dẫn cho biết đó là cây lược vàng. Chị lại cười ngại, giải thích rằng đã gặp cây này rất nhiều lần mà chẳng biết tên. Đến cây rau dừa cạn, chị ngạc nhiên: “Là loài hoa này sao?”.
Trên khuôn mặt đượm buồn nở một nụ cười thanh thoát mà đến giờ tôi vẫn chưa quên được. Chị đưa tay nâng những bông hoa màu trắng, màu hồng tím một cách nhẹ nhàng, nâng niu như sợ mạnh tay thì hoa kia sẽ tàn phai mất: “Đẹp thật!”.
Thế rồi, người dẫn đường nhổ cho chị một bụi rau dừa cạn để đem về trồng và sử dụng dần. Bằng ánh mắt đầy biết ơn và giọng nói nhỏ nhẹ, hơi trầm (hình như hơi khàn), chị cảm ơn mọi người rồi xin ra về.
Tôi ra mở cổng cho chị và khi cánh cổng sắp đóng lại, chị đã kịp ngắt lấy một nhánh dừa cạn nở đầy hoa đưa cho tôi: “Tặng em!”.
Mấy lần hốt thuốc sau đó tôi có để ý tìm chị nhưng không thấy nữa. Người ta bảo chị đã khỏi bệnh và đã ghé cảm ơn rồi. Tôi tiếc vẩn vơ vì như bao đứa con gái lớn nhất nhà, bao giờ nó cũng mong có được một người chị thanh lịch, dịu dàng như thế! Hay vì nhành hoa chị tặng?
Đã mấy năm rồi và có lẽ sau này cũng khó mà gặp lại. Thế nhưng, tôi như vẫn tưởng thấy mỗi buổi sáng nắng vàng, bên khóm hoa nhỏ nhắn xinh xinh; trắng, hồng thanh khiết đó, có một người con gái ngắm hoa và khẽ mỉm cười. Loài hoa đó đã được trồng không chỉ để dành điều trị bệnh cho mọi người mà còn vì nó đẹp!
Thông tin thêm về cây dừa cạn
Được biết, cây dừa cạn (cây bông dừa, trường xuân…) ngoài các công dụng kể trên còn được sử dụng trong hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường, mất ngủ và tăng huyết áp. Ngoài ra, cây dừa cạn cũng được sử dụng để điều trị bỏng nhẹ, rong kinh, bế kinh…
Tuy nhiên, vì tính mát, hơi độc mà cây dừa cạn không nên dùng trong trường hợp phụ nữ mang thai và những người huyết áp thấp.
Cũng cần nói thêm, cây dừa cạn hoa màu trắng có nhiều hoạt chất hơn các màu khác và khi sử dụng, để tránh quá liều, cần có sự chỉ định về liều lượng và thời gian đối với từng tình trạng bệnh.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: