Nói đến Thiều Chửu (1902 – 1954), người ta thường nhắc đến những đóng góp của ông về mặt học thuật, tôn giáo (dịch sách, nghiên cứu…) và cuộc đời cư sĩ tại gia mà ít ai biết rằng ông còn là một lương y suốt đời chữa bệnh không công (Ông là người có công định nghĩa loại nhân sâm cho người nghèo “Đảng sâm hay đẳng sâm“).
Trong quyển từ điển Hán – Việt nổi tiếng của mình, Thiều Chửu đã đưa ra một nghĩa của chữ “sâm” như sau: “thứ cỏ quý, dùng để làm thuốc, như nhân sâm, đảng sâm…”.
Như thế, việc liệt kê đảng sâm và nhân sâm để ví dụ cho chữ “sâm” không nhằm đánh đồng hai loại này mà để nhấn mạnh sự quý giá và công dụng làm thuốc bổ giống nhau giữa chúng.
Nói cách khác, đảng sâm (thuộc họ hoa chuông) khác với nhân sâm (thuộc họ nhân sâm) nhưng công dụng bổ khí của hai loại này là như nhau và trong khá nhiều trường hợp, đảng sâm đã được dùng để thay thế nhân sâm.
Nhân sâm của người nghèo
Đảng sâm được mệnh danh là “nhân sâm của người nghèo” không phải vì nó dành cho những người không có tiền mà vì đẳng sâm rất rẻ so với nhân sâm (chỉ bằng 1/ 10 so với nhân sâm).
Bởi lẽ, đảng sâm có nhiều ưu điểm hơn nhân sâm về nhân giống và sinh trưởng. Loại cây này lại rất dễ trồng, quả có nhiều hạt và có thể nhân giống bằng hạt hoặc rễ củ.
Đặc biệt, thích hợp với khí hậu Việt Nam, đặc biệt là Tây Nguyên và đồi núi phía Bắc nên đảng sâm phát triển rất tốt. Ngày nay, đẳng sâm còn được đưa vào chính sách nông nghiệp nhằm mục đích kinh tế nên không còn khan hiếm như nhân sâm.
Đảng sâm là nam dược trị nam nhân vì sao ?
Tuệ Tĩnh (1330 – 1400), vị danh y thời Trần, ông tổ của nghề thuốc Nam, về sau bị bắt cống sang nhà Minh vì chính sách vơ vét nhân tài (của nhà Minh) đã từng có câu nói rất nổi tiếng: “Nam dược trị Nam nhân”.
Câu nói trên không chỉ thể hiện tinh thần tự chủ trước ngoại bang về y dược mà còn cho thấy quan niệm về mối quan hệ giữa con người và môi trường sống. Bởi lẽ, ở mỗi môi trường sinh thái khác nhau, đặc tính sinh vật cũng sẽ khác nhau.
Do đó, cây thuốc ở phương Nam ứng hợp với con người phương Nam và cũng là niềm tự hào khi nước ta có nhiều cây thuốc quý và hơn nữa còn được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có đảng sâm (trước đây, hầu như chúng ta phải nhập thuốc từ Trung Quốc). Điều này càng chứng tỏ giá trị của loại thảo dược này.
Như vậy, trong khi nước ngoài phải nhập khẩu đảng sâm của Việt Nam thì việc người Việt sử dụng đảng sâm được trồng ngay trên mảnh đất của mình là cách để tận dụng món quà từ tự nhiên, tạo nên sự hài hòa, đồng điệu giữa con người và thảo dược; mặt khác cũng là để ủng hộ những người đã bảo vệ, chăm sóc và phổ biến nó.
Đẳng sâm tiện dụng cho mọi nhà
Không chỉ giá cả phù hợp mà đảng sâm còn là vị thuốc rất tiện dụng và ít tác dụng phụ hơn nhân sâm. Đẳng sâm vị ngọt, tính mát nên dễ uống trong khi nhân sâm thì hơi đắng, tính nóng.
Mặt khác, trong củ còn có nhiều đường quý tự nhiên mà con người không tổng hợp được. Do đó, uống củ đảng sâm với mùi thơm và vị ngọt tự nhiên sẽ đem lại cảm giác thanh mát hơn.
Ngày nay, vị thuốc này được dùng ở nhiều dạng như tươi, khô, viên hoàn, bột…: qua nhiều cách như ăn tươi, pha trà, sắc thuốc, ngâm rượu … ở dạng độc vị hoặc kết hợp các vị thuốc khác.
Ngoài ra, củ đẳng sâm còn được dùng trong ẩm thực mà phổ biến là nấu cháo, xào. Hơn nữa, chúng ta cũng có thể dùng đảng sâm đun lấy nước uống hàng ngày và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng một tuần để tiện sử dụng.
Công dụng chính của đảng sâm
Công năng chính của đảng sâm là bổ khí, tác động vào tỳ, phế, thận và tuyến thượng thận. Do đó, đảng sâm được dùng để hồi sức, làm thuốc bổ dạ dày, giúp ăn uống ngon miệng, cơ thể mát mẻ, da dẻ hồng hào, giảm mệt mỏi, uể oải…
Bên cạnh đó, đảng sâm còn được dùng để điều trị bệnh bạch huyết, thiếu máu, vàng da, suy nhược thần kinh, hạ huyết áp, đổ mồ hôi trộm, ho lâu ngày, viêm phế quản, viêm thượng thận, khí hư…
Rượu đảng sâm – bài thuốc phổ biến
So với các cách sử dụng khác thì đảng sâm ngâm rượu là cách dễ thực hiện, tiện dụng và phổ biến. Tùy theo nhu cầu về độ đậm nhạt của rượu mà người dùng có thể ngâm thuần rượu gốc 40 độ hoặc pha với rượu thường và gia giảm tỉ lệ rượu với đảng sâm cho phù hợp.
Thường thì 1 kg đảng sâm sẽ được ngâm với 3 lít rượu nếu là đảng sâm tươi và 6 lít rượu nếu là đảng sâm khô (sao lấy thổ trước khi ngâm rượu).
Đảng sâm sau một tháng ngâm rượu là bắt đầu sử dụng được và khi lên màu, rượu đẳng sâm tươi có màu vàng tươi còn rượu đẳng sâm khô có màu vàng sẫm. Hiển nhiên, rượu sâm khô sẽ thơm, ngọt hơn rượu đảng sâm tươi nhưng so về phương diện thẩm mỹ thì rượu sâm tươi lại nổi trội hơn.
Bạn đã chuẩn bị gì cho mùa Tết này chưa? Nếu chưa thì một bình rượu đảng sâm để trưng bày trong nhà hay làm quà tặng cũng là một gợi ý đấy nhé!
Thông tin thêm
Vốn dĩ, đảng sâm được phát hiện sớm ở huyện Thượng Đảng, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc nên còn có tên là Thượng Đảng sâm. Bên cạnh đó, nó cũng được đọc theo âm khác là “đẳng sâm”.
Ngoài ra vì thuộc loại dây leo nên người ta cũng thường gọi nó một cách nôm na là “sâm dây”. Đảng sâm còn có nhiều tên gọi khác như: Hồng đẳng sâm, Phòng đẳng sâm, Bạch đảng sâm, Hồng đảng sâm, Lộ đảng sâm, Liêu sâm, …
Cũng cần lưu ý rằng đảng sâm là thuốc bổ nhưng không nên quá lạm dụng. Mỗi ngày 1 ly rượu sau bữa ăn là phù hợp và không nên dùng vào buổi tối để tránh khó ngủ.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: