Có thể nói, sầu riêng là một trong các trái cây có giá khá đắt nhưng cũng kén người mua nhất: ai ăn được thì khen thơm béo tuyệt vời, ai ăn không được thì chê cái mùi không chịu nổi. Từ một loại trái cây nhiệt đới đặc trưng ở Nam Bộ, sầu riêng đã trở thành niềm tự hào đồng thời cũng gọi là đặc sản miệt vườn với bạn bè quốc tế. Không chỉ thế, giá trị của sầu riêng không chỉ “ngọt thơm sau lớp vỏ gai” mà còn trong hoạt chất của cây để làm nên giá trị dược liệu của nó.
Đặc điểm
Sầu riêng (tên khoa học Durio zibethinus, họ Malvaceae) (1) là cây ăn quả lâu năm có thể cao đến 25 m.
Lá sầu riêng khá dày, hình trứng thuôn dài, mọc so le, mặt dưới lá màu vàng và nhám. Hoa sầu riêng mọc thành chùm màu trắng ngà pha vàng rất đẹp. Quả sầu riêng to, hình trứng dài, có các ngăn chứa các múi thịt và hạt bên trong. Điểm đặc biệt của trái sầu riêng không chỉ ở lớp cơm vàng mà còn ở lớp vỏ cứng, đầy gai nhọn, vì thế nó cũng là phương thức để xử phạt nặng (quỳ lên vỏ sầu riêng) hoặc thách thức và khôi hài hơn như trong câu ca dao:
“Em liều một trái sầu riêng
Con nào độc hiểm, em nghiền ra tro” (2)
Phần ăn được trong quả sầu riêng là lớp thịt (cơm quả) bao quanh hạt với độ dày tùy theo giống. Khi chín, cơm quả mềm sáp, thơm béo. Ngoài ra, hạt sầu riêng cũng có thể ăn được bằng cách rang hoặc luộc chín, bóc bỏ lớp vỏ hạt hơi chát và ăn nhân hạt (nhiều bột và nhầy, thơm đầm và ngọt nhẹ) hoặc dùng làm kẹo mứt.
Công dụng của quả và vỏ quả sầu riêng
Quả: Sầu riêng là loại quả chứa nhiều đường, chất béo (5,33 g/ 100 g), chất xơ, chất đạm với mức năng lượng 147 kcal/ 100 g thịt quả. Ngoài ra, thịt quả sầu riêng còn chứa các vitamin A, B1, B2, B3, B5, B6, B9, C và nhiều khoáng chất như Can xi, Sắt, Ma giê, Man gan, Phốt pho, Ka li, Na tri, Kẽm (1) nên là loại quả bổ dưỡng cho mọi nhà. Ăn quả sầu siêng được cho là có tác dụng kích thích sinh lý (3).
Vỏ quả: Vỏ quả sầu riêng có vị đắng, tính ấm, được dùng để điều trị các chứng đầy bụng, khó tiêu, ho lao và cảm sốt.
Cách dùng: lấy vỏ quả phơi khô rồi sắc lấy nước uống (khoảng 30 g) (4). Bên cạnh đó, vỏ sầu riêng đốt thành than có tác dụng điều kinh, mặt khác có thể gây sảy thai (5).
Công dụng của rễ và lá sầu riêng
Rễ và lá sầu riêng có công dụng hạ sốt, giúp điều trị các bệnh về gan và vàng da (3). Cách dùng: sắc uống khoảng 10 – 16 g mỗi ngày. Nếu là bệnh vàng da do gan thì có thể uống thuốc kết hợp với tắm bằng nước nấu từ lá sầu riêng (3).
Một số nghiên cứu về vỏ và thịt quả sầu riêng
Nhìn chung, các nghiên cứu về cây sầu riêng chủ yếu tập trung ở đặc tính sinh thái và thành phần hương vị của quả sầu riêng. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu về dược tính của quả sầu riêng đối với người và động vật có thể kể ra như:
- Chống oxi hóa: Theo Tạp chí nghiên cứu chất độc thực phẩm và hóa chất (Food and Chemical Toxicology), kết quả nghiên cứu trên chuột cho thấy bổ sung thêm sầu riêng vào chế độ ăn uống sẽ giúp giảm mỡ máu và tăng cường khả năng chống o xy hóa (6).
- Tăng cường miễn dịch: Theo Tạp chí nghiên cứu miễn dịch cá và động vật có vỏ (Fish & Shellfish Immunology), kết hợp chiết xuất từ vỏ sầu riêng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi giúp kích thích miễn dịch và khả năng kháng bệnh của tôm sú (7).
Lưu ý
- Sầu riêng tính nóng nên ăn nhiều sầu riêng (nhiều hơn 2 múi) có thể gây nóng trong người (nổi mụn, nhiệt miệng…), khó tiêu, đầy hơi, ợ chua hoặc tăng cân ngoài ý muốn.
- Phụ nữ có thai, bệnh nhân suy thận, cao huyết áp hay bị tiểu đường cũng cần tránh sầu riêng (8).
- Nên chọn nguồn cung cấp uy tín để tránh sầu riêng bị nhiễm hóa chất.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: