Vitamin C có vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, chức năng chủ yếu của nó là sản xuất collagen, giúp liên kết các cấu trúc cơ thể như mô liên kết, sụn khớp… Nghiên cứu lâm sàng cho thấy vitamin C cải thiện đáng kể các triệu chứng suyễn, làm giảm nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim và đột quỵ (1).
Trái sơ ri – nguồn cung cấp vitamin C tự nhiên dồi dào
Quả sơ ri (Acerola) còn có các tên gọi khác như si ri, quả sê ri, kim đồng nam, sơ ri vuông… Được biết, trái sơ ri có hàm lượng vitamin C cao (1677,6 mg/ 100g phần ăn được của trái sơ ri) (3).
Do đó, trái sơ ri không chỉ được sử dụng ở dạng trái cây, nước ép mà còn được dùng để làm thành bột, vitamin C cô đặc và thực phẩm chức năng. Đồng thời, trái sơ ri còn được biết đến với công dụng tăng sức đề kháng, giảm ho và cảm lạnh.
Không chỉ là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, trái sơ ri còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể (A, B1, B3, B6, B9, can xi, sắt, ma giê, phốt pho, ka li, kẽm…)
Những nghiên cứu về trái và lá sơ ri (quả sê ri)
- Kết quả nghiên cứu cho thấy các chất chống oxi hóa trong trái sơ si có khả năng làm giảm độc tính của xạ trị và tăng cường hiệu quả của biện pháp này (7). Có thể nói, chiết xuất trái sơ ri có tiềm năng trong phòng ngừa và điều trị ung thư bởi vitamin C giúp giảm nguy cơ hình thành ung thư (1).
- Thử nghiệm trên chuột cho thấy uống nước ép trái sơ ri làm giảm quá trình tổng hợp melanin (sắc tố bảo vệ tế bào da khỏi tác hại của bức xạ UVB nhưng cũng là nguyên nhân gây nám, sạm da). Do đó, trái sơ ri được xem là hiệu quả trong làm sáng da ở trường hợp gia tăng sắc tố do tia cực tím.
- Nghiên cứu trên chuột thử nghiệm còn cho thấy nước ép trái sơ ri có tiềm năng làm giảm đường huyết, ngăn ngừa rối loạn mỡ máu, chống oxi hóa và ngăn ngừa tổn thương gan do bia rượu gây ra.
- Nghiên cứu chiết xuất methanol của lá và trái sơ ri cho thấy tác động giảm đau và chống viêm.(4)
Sự khác biệt giữa trái sơ ri chưa chín và chín đỏ
Theo tạp chí Plant foods for human nutrition (Dordrecht, Netherlands), chiết xuất từ trái sơ ri chưa chín có khả năng bảo vệ DNA (phân tử mang thông tin di truyền quy định mọi hoạt động sống của cơ thể) cao hơn so vớichiết xuất từ quả chín đỏ. Thêm vào đó, hàm lượng vitamin C cũng như khả năng chống oxi hóa ở trái sơ ri chưa chín cũng cao hơn. (5)
Ngoài ra, về điều kiện lưu trữ trái sơ ri, kết quả phân tích vitamin C cho thấy đông lạnh trái cây giúp bảo quản vitamin C tốt hơn (2). Tuy nhiên, trên thực tế, trái sơ ri chín và biện pháp bảo quản bằng ướp lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng thường phổ biến hơn.
Lưu ý
Đối tượng và liều lượng:
- Nhu cầu vitamin C của mỗi người là khác nhau nên việc dung nạp thực phẩm như trái sơ si để bổ sung vitamin C cũng khác nhau. Những người bị hen suyễn, tiểu đường, đục thủy tinh thể, thoái hóa võng mạc hay những người làm việc quá sức… sẽ có nhu cầu vitamin C cao hơn các đối tượng khác. Ở trẻ em, cần chú ý không để trẻ nuốt hạt vì dễ gây nên tình trạng tắc ống hậu môn.
- Mặc dù việc ăn trái sơ ri được xem như cách để phòng và điều trị bệnh Gout nhưng nếu ăn quá nhiều sẽ làm tình trạng bệnh tệ hơn do tăng lượng axit uric (hợp chất dị vòng dẫn đến viêm khớp, sỏi thận ở nồng độ cao) (6).
- Tương tự, mặc dù thiếu vitamin C sẽ gây ra bệnh Scorbut nhưng nếu phụ nữ mang thai dung nạp vitamin C ở liều cao và kéo dài sẽ làm tăng nhu cầu bất thường về vitamin C ở thai, dẫn đến bệnh Scorbut sớm ở trẻ sơ sinh. (1)
Phản ứng phụ: ở một số người có thể xảy ra phản ứng phụ khi ăn trái sơ ri như đau bụng, mất ngủ. Ngoài ra, ăn quá nhiều sơ ri cũng có thể bị tiêu chảy.
Tương tác thuốc:
- Trái sơ ri làm giảm tác dụng của các thuốc như: Fluphenazine (thuốc điều trị rối loạn tâm thần), Warfarin (thuốc chống đông máu).
- Ngoài ra, vitamin C trong trái sơ ri cũng làm tăng khả năng hấp thụ estrogen và kéo theo các tác dụng phụ của estrogen. Do đó, cần cẩn trọng về liều lượng thực phẩm giàu vitamin C khi đang sử sụng các thuốc bổ sung nội tiết tố. (6)
Gửi câu hỏi cần giải đáp: