Người dân miền quê Nam Bộ không lạ gì cây trâm bầu – loài cây mọc hoang trên các bờ ranh, cánh đồng… đã một thời đi vào ca dao tình yêu đôi lứa:
“Thò tay ngắt ngọn trâm bầu
Thương thì thương đại, đừng cầu ông mai.”
Từ lâu, cây trâm bầu đã được biết đến như một thảo dược rất tốt cho gan. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cho thấy cây trâm bầu còn có tác dụng điều trị AIDS và nhiều loại bệnh khác.
Về cây trâm bầu
Cây trâm bầu có tên khoa học: Combretum quadrangulare, thuộc họ trâm bầu hay họ bàng (7)
Là một trong những loại thảo dược quan trọng trong hệ thống y học cổ truyền Ấn Độ và cũng là loài được điều tra nhiều nhất trong chi Combretum. Đây là loài cây bụi, cao khoảng 5 đến 10 mét, cụm hoa có màu trắng vàng, quả khô dẹt có 4 góc, màu hơi vàng.
Công dụng của cây trâm bầu theo kinh nghiệm dân gian Việt Nam
Từ lâu trong dân gian cây trâm bầu đã được sử dụng làm dược liệu, những tác dụng chính của cây thảo dược này theo kinh nghiệm dân gian đã được thư viện y học trung ương thống kê như sau (8):
- Tác dụng tẩy giun
- Tác dụng điều trị tiêu chảy
- Ngoài ra kinh nghiệm một số nơi còn dùng trong điều trị bệnh tê thấp
Trâm bầu trong công thức điều trị AIDS
Trong công thức điều trị AIDS và suy giảm miễn dịch của hai nhà phát minh Kim Chantara và Krisana Kraisintu (được Mỹ cấp bằng sáng chế), cây trâm bầu là một trong năm thảo dược được kể tên. Theo một trong những phương pháp chữa bệnh được các tác giả nêu ra, các bộ phận được sử dụng làm thuốc là gốc và cành nhỏ của từng loại cây được điều chế qua các quá trình: rửa sạch, sấy khô, tán mịn, đun sôi với bột, sấy khô rồi trộn thành viên nén (mỗi viên 100 – 1200 mg). Liều lượng sử dụng là hai lần mỗi ngày, mỗi lần một viên, hiệu quả sau 100 tuần sử dụng (theo kết quả thí nghiệm trên bệnh nhân AIDS). (1)
Theo các tác giả, tùy tình trạng bệnh và chỉ định của bác sĩ mà liều lượng thành phần bài thuốc có thể thay đổi theo tỉ lệ cho một viên nén như sau:
- 10 – 100 mg trâm bầu (Combretum quadrangulare) hay còn gọi là chưng bầu, tim bầu, săng kê, song re…
- 10 – 100 mg cây găng gai cong (Randia siamensis/ Oxyceros horridus) hay còn gọi là mo tró, ác ó, nút…
- 10 – 100 mg cây sến xanh (Mimusops elengi) hay còn gọi là sến cát, viết…
- 10 – 300 mg rau diếp cá (Houttuynia cordata) hay còn gọi là giấp cá, giấp cá, rau giấp…
- 60 – 600 mg cây thốt nốt (Borassus flabellifer) hay còn gọi là thốt lốt.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ cây trâm bầu còn ức chế một loại enzyme có vai trò quan trọng trong sự hình thành thể virus, từ đó hạn chế sự nhân lên của virus HIV-1 (IN) (2)
Tác dụng của lá và hạt cây trâm bầu
Kết quả thí nghiệm trên chuột đã cho thấy tác dụng bảo vệ gan của chiết xuất từ lá (3) và hạt trâm bầu (4). Trên thực tế, nước sắc từ lá trâm bầu không chỉ được dùng như trà giúp nhuận gan mật mà còn được biết với các tác dụng như: giảm đau, giảm tiêu chảy, lợi tiểu, giúp dễ tiêu hóa và kích thích thèm ăn…
Theo Tạp chí Khoa học và công nghệ phân phối thuốc (Journal of Drug Delivery Science and Technology), các hạt nano của chiết xuất từ lá trâm bầu còn có khả năng chống di cư đối với các tế bào ung thư phổi (5).
Đối với hạt trâm bầu, một trong những công dụng phổ biến có thể kể đến là điều trị giun đũa, giun kim bằng cách nướng cho thơm khoảng 10 đến 15 hạt đối với người lớn (hoặc 5 đến 10 hạt đối với trẻ em) rồi kẹp vào quả chuối chín cho dễ ăn (trong 3 ngày). Đồng thời, kết quả nghiên cứu chiết xuất từ hạt trâm bầu còn cho thấy hoạt tính kháng khuẩn đối với trực khuẩn gram âm (một trong những tác nhân gây bệnh viêm âm đạo) và khả năng chống lại chủng kháng thuốc (vi sinh vật kháng lại kháng sinh) là Acenobacter baumannii. (6)
Tác dụng phụ: hiện chưa phát hiện tác dụng phụ đáng kể của cây trâm bầu.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: