Chuối là loại quả quen thuộc, hương vị thơm ngon, không chỉ bổ dưỡng mà còn có là vị thuốc nam hay giúp trị nhiều bệnh.
Chuối chín ăn dễ tiêu, có đủ glucid, protid, các vitamin và khoáng chất cần thiết cho người lao động nặng, lao động trí óc, trẻ em và người già.
Chuối có nhiều loại nhưng được trồng nhiều nhất là: chuối tiêu quả dài thon; chuối tây quả to mập, chuối ngự quả thon nhỏ; chuối hột có hột và vỏ dày, đều, dùng khi quả chín. Dân gian thường dùng hạt chuối hột chín khô làm thuốc chữa sỏi đường tiết niệu. Vỏ quả chín màu vàng, vị ngọt, mùi thơm. Chuối tiêu hay dùng làm thực phẩm dinh dưỡng và làm thuốc hơn. Bộ phận dùng là quả chuối xanh hay đã chín và củ.
Chuối tiêu thơm ngon bổ dưỡng và là vị thuốc trị nhiều bệnh.
Chuối chữa nhiều chất dinh dưỡng
Thành phần hóa học của chuối
Quả chuối chứa nhiều tinh bột. Khi chín tinh bột chuyển thành đường (hàm lượng đường 1 – 2 % trong quả xanh và 15 – 20 % trong quả chín); glucose, fructose, sucroe. Nó cũng chứa các protein là albumin và globulin, mà được cấu tạo bởi các acid amin cần thiết (arginin, histidin, leucin, lycin, methionin, phenylalanin, tryptophan, valin). Lượng dầu béo ít và ít thay đổi khi quả chín.
Chuối còn có nhiều nguyên tố cần thiết: Ca, Fe, Mg, K, Na, P, I, Al, Zn… Các vitamin: Caroten, thiamin, riboflavin, niacin, acid ascobic, acid pantothenic, pyridoxin, biotin, inositol, acid folic. Một phần các vitamin này bị mất đi khi nấu hay quả chín. Mùi hương và vị quả chín chủ yếu là amyl acetat, amyl butyrat và một số ester khác.
Chuối chứa các enzym: Amylase, invertase, protease, catalase, peroxidase, phosphatasse, lipase, oxygenase, acid ascobis oxidase và musarin (trong quả). Ngoài ra, còn chứa serotonin, norepinephrin, dopamin và 1 số chất khác. 100g chuối chín cung cấp 100 calo.
Công dụng của quả chuối
Theo Đông y, chuối vị ngọt, tính lạnh. Công dụng: Quả chín tư âm, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Dùng tốt cho người bị táo bón, sốt nóng khát nước, mụn nhọt, trĩ xuất huyết, tăng huyết áp, bệnh mạch vành; tác dụng an thai.
Vỏ quả chín có vị ngọt, chát, tính ôn; tác dụng sát trùng, chỉ tả. Củ vị ngọt, lạnh; tác dụng thanh nhiệt giải độc. Dịch nhựa chảy ra từ thân hay củ chuối: Vị ngọt, chát, tính hàn; tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc.
Liều dùng cách dùng: Ngày dùng 50 – 150g (1 – 5 quả); 20 – 30g vỏ; 60 – 120g củ chuối tươi.
6 bài thuốc từ chuối
Bài 1: Chuối tiêu xanh thái lát, phơi hay sấy ở nhiệt độ dưới 50 độ C, tán bột. Ngày uống 20 – 30g. Phòng và chữa viêm loét dạ dày.
Chuối tiêu xanh phơi khô tán bột phòng và chữa viêm loét dạ dày.
Bài 2: Củ chuối tươi 120g, cỏ nhọ nồi 30g. Sắc lấy nước, uống trong ngày. Chữa tiểu ra máu.
Bài 3: Chuối 2 quả, để cả vỏ, nấu chín, ăn trong ngày. Dùng nhiều lần. Chữa trĩ ra máu.
Bài 4: Củ chuối tươi 60g, rau sam 30g. Hai thứ giã nát ép lấy nước, đun âm ấm để uống. Chữa phế nhiệt, đàm suyễn.
Bài 5: Củ chuối hay rễ chuối, giã nát đắp chỗ đau. Chữa mụn nhọt ở sống lưng, viêm cơ.
Bài 6: Củ chuối tiêu 200g – 500g, thái miếng, sắc đặc lấy 1 bát. Uống để gây nôn. Chữa trúng độc do ăn uống.
Dược thiện từ quả chuối
Chuối hấp đường phèn: Chuối chín 2 – 3 quả, đường phèn 50 – 100g. Chuối cắt đoạn, thêm đường phèn, đun cách thủy cho chín. Ngày ăn 1 – 2 lần. Dùng tốt cho người bị viêm khí phế quản ho khan đờm ít dính, táo bón.
Chuối luộc: Chuối chín 2 – 3 quả, để cả vỏ luộc chín, ăn cả vỏ. Dùng tốt cho người bị táo bón, trĩ nội ngoại xuất huyết.
Chuối chín luộc tốt cho người bị táo bón, trĩ nội ngoại xuất huyết.
Chuối xanh chấm muối: Chuối xanh 1 – 3 quả, gọt bỏ vỏ, thái lát và ăn với chút muối tiêu. Ngày 1- 2 lần. Dùng tốt cho người bị sốt mất nước, khát, miệng họng khô, táo bón, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, ho khan đau họng, họng miệng khô khát.
Kiêng kỵ: Không ăn nhiều chuối khi bị tiêu chảy, đầy bụng trướng hơi.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: