Vài nét về cây vàng tâm
Cây vàng tâm có tên khoa học là Manglietia fordiana, thuộc họ Ngọc lan (2).
Ngoài tên gọi này, cây còn được gọi là cây “giổi Ford” (khác với cây giổi Talauma gioi, cây giổi lông Michelia balansae hay cây giổi thơm Tsoongiodendron odorum…) (6).
Ở Trung Quốc, cây vàng tâm được gọi là “mộc liên” (木莲) vì hoa của nó có màu trắng, từng cánh nở trông như hoa sen và thân của nó thì thuộc dạng thân gỗ lâu năm (“mộc liên hoa diệp thị tân di, hoa loại liên; hoa sắc tương phỏng“) (3).
Đặc điểm: Thân cây vàng tâm có thể cao đến 20 m, cuống lá khá dài, phiến lá vừa dày vừa dai, có hình bầu dục dài, nhỏ dần về phía cuống và đuôi lá. Đặc biệt, gỗ vàng tâm là loại gỗ tốt, thơm và được liệt vào danh sách cần bảo vệ.
Phân bố: Ở nước ta, cây vàng tâm mọc chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La… còn ở Trung Quốc thì cây mọc nhiều ở các tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến… (2).
Công dụng làm thuốc của cây vàng tâm
Theo công trình Từ điển cây thuốc Việt Nam của Võ Văn Chi thì vỏ cây, vỏ rễ và quả của cây vàng tâm đều có thể dùng làm thuốc.
Với vỏ cây và vỏ rễ, ta có thể cắt quanh năm còn với quả thì ta thu hái những quả đã chín (trước khi quả nứt ra), đem về và phơi khô.
Quả:
- Theo thuocnam.mws.vn, quả vàng tâm có vị cay, tính mát, quy vào kinh Phế nên có tác dụng giảm ho, đặc biệt là ho khan ở người lớn tuổi. Cách dùng: lấy 12 – 15 g quả vàng tâm, nấu lấy nước uống trong ngày (uống như trà).
- Bên cạnh đó, vị thuốc này còn quy vào Đại trường nên giúp thông tiện, nhuận tràng và điều trị táo bón. Cách dùng: Lấy 30 g quả vàng tâm, cho vào ấm và sắc lấy nước, sau đó thêm ít đường và chia thành hai lần uống trong ngày (1) (2).
Vỏ thân và vỏ rễ:
Vỏ thân và vỏ rễ của cây vàng tâm cũng có tác dụng giảm táo bón. Cách dùng cũng rất đơn giản, ta chỉ cần dùng 30 g vỏ nấu nước rồi thêm đường, sau đó chia ra 2 lần uống trong ngày (2).
Các nghiên cứu về cây vàng tâm
Về hạt của cây: Theo tạp chí Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh (Journal of Nanjing Forestry University), dầu hạt vàng tâm chứa đến 18 loại axit amin và 14 loại nguyên tố vi lượng (4).
Về thân cây: Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất ethanolic từ thân cây vàng tâm có hoạt tính kháng khuẩn (chống lại B.dysenteriae, Escherichia coli và B.pyocyaneus) (5).
Thông tin thêm
“Tứ Xuyên chí” có đoạn viết về loài cây này như sau: “Trước điện Phật núi Bạch Hạc (ở Trung Châu) có 2 cây mộc liên rất cao, lá nó dày như lá quế, nở hoa vào giữa mùa hè”.
Bạch Cư Dị trong bài “Họa mộc liên hoa đồ ký Nguyên lang trung” còn ca ngợi, ví von hoa mộc liên diễm sắc tươi đẹp, có thể sánh ngang hàng với hoa mẫu đơn:
“Hoa phòng nhị thị hồng liên đóa
Diễm sắc tiên như tử mẫu đan
Duy hữu thi nhân năng giải ái
Đan thanh tả xuất dữ quân khan” (1).
Gửi câu hỏi cần giải đáp: