Mô tả cây thù lù
Còn gọi cây Tầm bóp, Lồng đèn (Physalis angulata L.) thuộc họ Cá Solanaseae. Cây thân thảo, nhất niên, cao 50 – 90 cm, phân cành nhiều. Lá mọc so le, hình bầu dục, chia thùy hay nguyên, dài 30 – 35 mm, rộng 20 – 40 mm, có cuống dài chừng 20 cm. Hoa đơn độc ở nách lá, có cuống dài chừng 1 cm. Đài hoa hình chuông, có lông, chẻ ra từ giữa thành 5 thùy. Tràng hoa màu vàng tươi hay trắng nhạt, có loài có điểm những chấm màu tím ở gốc hoa. Đài đồng trưởng bao lấy trái nên có tên trái Lồng đèn. Trái mọng, tròn hay hình trứng, màu xanh khi còn non, đổi sang màu đỏ khi chín. Trái chứa nhiều hột nhỏ hình thận, ăn được.
Thù lù có nguồn gốc tại vùng Amazone nhiệt đới, được trồng và mọc hoang tại nhiều nơi ở Phi châu, Á châu, kể cả nước ta… Cây được thổ dân dùng làm thuốc từ thời xa xưa.
Theo kinh nghiệm y học cổ truyền nước ta cũng như đông y, Thù lù được gọi là Cẩm đăng lông, có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, giải độc, tiêu đờm, làm êm dịu cổ họng. Dùng trị viêm họng, khan tiếng, ho khan, ho có đờm đặc, trị tiểu ít, ban đỏ, thủy đậu (trái rạ), bệnh tay chân miệng, cúm gia cầm. Liều dùng 15 – 30 g cành mang hoa lá khô (tươi 50 – 100 g) sắc uống trong ngày. Dùng 3 – 5 ngày liền. Cây tươi giã đắp trị chàm (eczema). Trị cảm cúm, sốt do siêu vi (sốt xuất huyết, sởi, ban hồng, trái rạ, tay chân miệng…): 50 -100 g cành mang hoa, lá, trái tươi, rửa sạch, giã nát chế nước sôi vào hãm 20 phút để uống ngày 2 – 3 lần, trong 3 ngày liền.
Thành phần hóa học:
Cây chứa một số hợp chất loại flavonoid như anthocyanin, alcaloid như withaminimin, withangulatin… và steroid: trong đó quan trọng nhất là các whitasteroid như physalin A-D, F, L-O, physagulin A-G, physagulid. Ngoài ra còn có chlorogenic acid, cholin, xocarpanolid, myricetin, phygrin.
Các nghiên cứu khoa học về dược tính:
– Thử nghiệm tại Trường dược, ĐH y khoa, Viện ĐH quốc gia Taiwan ghi nhận physalin F và physalin D (trích từ nguyên cả cây Thù lù cạnh, bằng ethanol) có hoạt tính diệt tế bào trên 8 dòng tế bào ung thư: 5 dòng loại ung thư nơi người gồm HA22T (ung thư gan – hepatoma), ung thư tế bào He La (ung thư cổ tử cung), ung thư KB (mũi – khí quản), ung thư ruột Colo 205, ung thư phổi (Calu-1) và 3 dòng ung thư nơi thú vật: melanoma (H1447), Hep-2 và 8401 glioma (não). Hoạt tính diệt tế bào ung thư mạnh nhất đối với ung thư gan và tử cung. Riêng physalin F còn có tác dụng chống u bướu loại P338 lymphocytic leukemia khi thử trên chuột (Anticancer Research Số 12-1992).
– Nghiên cứu tại Trường dược, ĐH Houston (Texas) ghi nhận một flavonol glycosid trích từ lá Physalis angulata bằng methanol: myri cetin 3-o-neohesperidosid có tác dụng diệt tế bào ung thư loại murine leukemia P-338, epidermoid carcinoma KB-16, ung thư phổi adenocarcinoma A-549 ở những nồng độ ED50 theo thứ tự 0,048, 0,50 và 0,55 microgram/ml (Fitoterapia Số 72-2001).
– Nghiên cứu tại Viện khảo cứu các hợp chất thiên nhiên thuộc ĐH y khoa Kaohsiung (Taiwan) về hoạt tính chống ung thư gan của Physalis angulata ghi nhận: Các dịch chiết toàn cây bằng nước và bằng ethanol được đánh giá về hoạt tính chống ung thư gan trên các dòng tế bào Hep G2, Hep 3B, PLC/PRF/5 ghi nhận hoạt tính chống ung thư do gây ra hiện tượng tế bào tự hủy (apoptosis) phối hợp với những rối loạn chức năng của các mitochondria nơi màng tế bào bị ung thư. Tác dụng diệt bào này không xảy ra nơi các tế bào gan lành mạnh (Life Sciences Số 74, 2-2004).
– Nghiên cứu tại khoa vi trùng và miễn dịch học, ĐH y khoa quốc gia Cheng Kung (Taiwan) ghi nhận các dịch chiết từ Physalis angulata có những hoạt tính điều hòa hệ miễn dịch như cải thiện đáp ứng blastogenesis (lý thuyết cho rằng các đặc điểm di truyền được chuyển từ cha mẹ sang con cái bằng mầm nguyên sinh); kích hoạt các tế bào T; gia tăng đáp ứng kháng thể… (American Journal of Chinese Medicine Số 20-1992).
– Một số các nghiên cứu trong những năm gần đây (từ 2000 – 2004) chứng minh được hoạt tính in vitro của dịch chiết Physalis angulata trên các vi khuẩn mycobacterium và mycoplasmas, một số vi khuẩn gram dương và gram âm như Pseudomonas, Staphylococcus, Streptococcus. Riêng tại Nhật có một số nghiên cứu chú trọng đến các hoạt tính “in vitro” chống lại các siêu vi khuẩn bại liệt, Herpes simplex I, sởi, ban hồng, trái rạ và cả HIV-I (do ức chế sao chép ngược).
Ngoài ra, còn có cây Thù lù nhỏ (Physalis minima) cũng được dùng làm dược liệu (nhất là trong y dược cổ truyền Trung Quốc, gọi Thù lù nhỏ là Thiên bao tử).
Bài thuốc trị ung thư (tử cung, họng, phổi, đại tràng):
Thù lù cạnh (hoặc Thù lù nhỏ) cành mang hoa, trái, lá khô 100 g (tươi 300 g)
Bạch truật 20 g
Cát cánh 10 g
Mạch môn 10 g
Huyền sâm 10 g
Hoàng cầm 10 g
Cam thảo 4 g
Dược liệu rửa sạch, chặt nhỏ, đổ 4 chén nước, sắc còn 2 chén, chia 2 lần uống trong ngày (có thể sắc thêm nước nhì uống buổi tối). Dùng 15 – 20 ngày liền. Nghỉ 10 ngày, dùng tiếp đợt thứ 2, thứ 3.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: