Cây thiên ma là thảo dược có xuất xứ từ Trung Quốc. Dược liệu này có vị ngọt, tính ôn, tác dụng ôn hòa gan, chống co thắt, kiềm dương và trừ phong nội sinh nên được sử dụng để trị đau thần kinh, suy nhược, chóng mặt, đau nhức xương khớp,…
1. Tên gọi, phân nhóm
Tên gọi khác: Minh thiên ma, Định phong thảo, Chân tiên thảo, Xích tiễn, Chân tiên thảo,…
Tên khoa học: Rhizoma Gastrodiae
Họ: Lan (danh pháp khoa học: Orchidaceae)
2. Đặc điểm sinh thái
Mô tả:
Thiên ma là loại cây rất đặc biệt vì hầu như không chứa chất diệp lục. Do đó toàn thân cây có màu vàng, mọc đứng, lá nhỏ hình vảy cá. Rễ có hình bầu dục, mặt ngoài trắng, vàng nhạt đến nâu hơi vàng. Bề mặt rễ có nhiều vòng tròn bao quanh.
Phân bố:
Thiên ma có nguồn gốc ở Trung Quốc, hiện nay đã được trồng ở một số địa phương nước ta như Lạng Sơn, Hòa Bình,…
3. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
Bộ phận dùng: Rễ củ.
Thu hái: Thu hái vào mùa xuân hoặc mùa đông.
Chế biến: Đem bỏ vỏ, rửa sạch, ủ mềm, thái lát mỏng sau đó đem sấy hoặc phơi khô.
Bảo quản: Tránh nơi ẩm thấp và bảo quản ở nơi thoáng mát.
4. Thành phần hóa học
Thiên ma có chứa vitamin A, vannillyl, vanillin, gastrodin, alkaloid, gastrodioside, cồn,…
5. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
+Tác dụng an thần, chống co giật.
+Cây thiên ma có tác dụng giảm đau (tác dụng của cây mọc hoang mạnh hơn cây nuôi trồng).
+Thuốc chích nhân tạo có tác dụng giảm đau và kháng viêm.
+Polysaccharide của dược liệu có hoạt tính miễn dịch.
+Dược liệu thiên ma có tác dụng giảm lực cản của mạch máu, tăng cường lưu lượng máu ở tim và não, nâng cao sức chịu đựng thiếu oxy, hạ huyết áp, giãn mạch ngoại vi,…
Theo y học cổ truyền:
+Công dụng ôn hòa gan, chống co thắt, kiềm dương và trừ phong nội sinh.
6. Tính vị
Dược liệu có tính ôn, vị ngọt.
7. Qui kinh
Qui vào kinh Can.
8. Liều dùng, cách dùng
Sử dụng thiên ma ở dạng thuốc sắc hoặc tán bột. Nếu dùng dạng thuốc sắc, chỉ nên dùng từ 3 – 10g. Đối với thuốc dạng bột, dùng từ 1 – 1.5g/ ngày.
9. Ứng dụng lâm sàng
Thiên ma được dùng để điều trị các chứng do tổn thương thần kinh gây ra như hoa mắt, chóng mặt, đau nửa đầu,…
- Trị đau đầu do mạch máu và suy nhược thần kinh: Dùng chiết xuất thiên ma.
- Chữa đau thần kinh: Dùng dịch chích thiên ma tiêm bắp.
- Bài thuốc trị đau đầu, chóng mặt, hoa mắt: Dùng xuyên khung 5g, thiên ma 15g đem chế thành hoàn. Mỗi lần dùng 3 – 6g, sử dụng ngày 3 lần.
- Bài thuốc trị chân tay tê dại và đau khớp: Dùng toàn yết 3g, ngưu tất 10g, nhũ hương 5g và thiên ma 10g, đem tán bột mịn sau đó trộn với hồ làm hoàn. Hoặc dùng bài “Thiên ma hoàn”: Tỳ giải, đương quy, đỗ trọng, sinh địa, phụ tử, ngưu tất và thiên ma, mỗi loại 10g đem tán bột mịn với huyền sâm 12g. Sau đó trộn với mật làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 6g, ngày sử dụng 3 lần.
- Bài thuốc trị nhức đầu do phong đàm: Dùng bán hạ, phục linh, thiên ma, bạch truật mỗi thứ 12g, cam thảo 4g với quất hồng 8g đem sắc uống.
10. Lưu ý
Tác dụng phụ khi sử dụng dược liệu thiên ma: chuột rút, giảm cân đột ngột, đau dạ dày, chảy máu âm đạo,…
Một số loại thuốc có thể tương tác với thiên ma:
- Atorvastatin
- Chế phẩm chuyển hóa qua gan (Clozapin, Amitriptyline, Ondansetron, Tramadol, Fluoxetine, Codein, Fentanyl,…)
- Thuốc gây độc cho gan (Acetaminophen, Carbamazepine, Isoniazid, Methyldopa, Erythromycin, Simvastatin, Phenytoin,…)
Hoạt động của dược liệu có thể ảnh hưởng đến một số vấn đề sức khỏe như thiếu đạm, vừa thực hiện cấy ghép thận, ung thư vú, ung thư buồng trứng, lạc nội mạc tử cung,… Ngoài ra độ an toàn của thiên ma vẫn chưa được xác định ở phụ nữ mang thai và người đang cho con bú.
Gửi câu hỏi cần giải đáp: